Thứ sáu, 22/11/2024 14:44 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/07/2022 07:46 (GMT+7)

Bộ Công thương: Đề xuất giảm nhiều loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Công thương đã có thông báo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022.

Giá cả các mặt hàng tiếp tục tăng cao

Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó của các tổ chức quốc tế do tác động của đại dịch Covid -19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.

Thương mại toàn cầu có xu hướng tăng, tuy nhiên sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa.

Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.

Bộ Công thương: Đề xuất giảm nhiều loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu - Ảnh 1
Sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với mức tăng 9,66%.

Thị trường xăng dầu đầy biến động

Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao do sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới làm tổng nhu cầu đối với mặt hàng xăng dầu tăng cao.

Sự cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia đang sở hữu các nguồn tài nguyên về dầu mỏ và khí đốt, đứt gãy về sản lượng khai thác dầu lửa tại một số quốc gia, thiếu hụt về vật tư và lao động trong hoạt động khai thác dầu mỏ và việc các quốc gia đưa ra các gói kích cầu, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gây ra tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao. Giá dầu thô và các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng rất mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.

Trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, thực hiện đúng các Nghị định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá (BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bộ Công thương: Đề xuất giảm nhiều loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

"Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ BOG xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 21/6/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động tăng từ 44,30% đến 91,47% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 21/6/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) chỉ tăng từ 26,73-67,96%.

Ngoài ra, nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ BOG xăng dầu ở mức thấp do liên tục chi Quỹ, Bộ Tài chính đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.

Ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, thời gian thực hiện từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022", Bộ Công thương cho hay.

Giảm nhiều loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu

Hiện giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh công cụ Quỹ BOG không còn nhiều dư địa (số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm), việc giảm thuế bảo vệ môi trường như hiện nay chưa đủ để kìm giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến dự án Nghị Quyết của Ủy ban Thườn vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công Thương thống nhất với mức giảm hết khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn như tại Dự thảo Nghị quyết nhằm hỗ trợ giảm giá các mặt hàng xăng dầu hiện đang ở mức cao như hiện nay. Cụ thể: giảm thuế bảo vệ môi trường về mức đối với xăng (trừ etanol) là 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít; dầu diesel là 500 đồng/lít; dầu hỏa là 300 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/kg; dầu nhờn là 300 đồng/lít và mỡ nhờn là 300 đồng/kg.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của Chính phủ.

Trong thời gian tới, trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam về khả năng cung cấp xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (đặc biệt là từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), Bộ Công Thương sẽ xây dựng phương án và chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công thương: Đề xuất giảm nhiều loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới