Thứ bảy, 27/04/2024 05:09 (GMT+7)
Thứ ba, 23/08/2022 18:15 (GMT+7)

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 23/8

Theo dõi KTMT trên

2 trận động đất 'rất lớn' ở Kon Tum, Quảng Nam và Đà Nẵng rung lắc; Tập huấn về bảo vệ môi trường không khí; Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu ngày càng thêm tồi tệ... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 23/8.

2 trận động đất 'rất lớn' ở Kon Tum, Quảng Nam và Đà Nẵng rung lắc

Một trận động đất lớn nhất từ trước tới nay mà người dân cảm nhận được xảy ra ở khu vực Kon Tum - Quảng Nam, gây rung lắc dữ dội, người dân sống tại nhiều địa phương bỏ chạy khỏi nhà vì lo sợ.

Cụ thể, theo Viện Vật lý Địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, vào ngày 23/8 đã liên tiếp xảy ra 4 trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó có trận động đất mạnh 4.7 độ, ở độ sâu 8,2km, gây chấn động một khu vực rộng lớn vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây chiều nay. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã phát đi cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 23/8 - Ảnh 1
2 trận động đất 'rất lớn' ở Kon Tum, Quảng Nam và Đà Nẵng rung lắc.

Theo Viện Vật lý địa cầu, lúc 14 giờ 08 phút ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 4,7 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Thời gian qua, tại huyện Nam Trà My và tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra các trận động đất. Năm 2012, tại khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) cũng ghi nhận trận động đất lớn nhất với 4,6 độ Richter.

Theo Viện Vật lý địa cầu, lúc 14 giờ 08 phút ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 4,7 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Tiếp đến, vào lúc 14 giờ 11 phút 36 giây ngày 23-7, Việt Vật lý địa cầu tiếp tục ghi nhận một trận động đất có độ lớn 3.6 Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Thời gian qua, tại huyện Nam Trà My và tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra các trận động đất. Năm 2012, tại khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) cũng ghi nhận trận động đất lớn nhất với 4,6 độ Richter.

Đề xuất chọn xe điện làm tuyến buýt nhanh đầu tiên ở TP.HCM

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề xuất UBND TP.HCM chọn xe điện làm tuyến buýt nhanh đầu tiên trên địa bàn (BRT số 1 - thuộc dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM).

Theo Sở GTVT, buýt điện có ưu điểm thân thiện môi trường, xe vận hành không tiếng ồn, không thải khói bụi gây ô nhiễm. Đồng thời, loại xe này đảm bảo cao về tính an toàn, hạn chế nguy cơ cháy nổ và có chi phí bảo dưỡng tiết kiệm hơn xe động cơ đốt trong.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu của xe buýt điện cao gấp 1,5-3 lần so với xe dùng nhiên liệu CNG. Ngoài ra, chi phí đầu tư hệ thống bãi đỗ, hạ tầng trạm sạc cũng rất lớn, trong khi khả năng cung ứng buýt điện tại Việt Nam còn hạn chế.

Sở GTVT đánh giá việc dùng buýt điện phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM và là tiền đề phát triển hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng xanh, thân thiện môi trường trong tương lai.

Lào Cai: Cấm sử dụng điện và các chất độc khi đánh bắt thuỷ sản trên các sông suối

Để bảo vệ, bảo tồn, khôi phục các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế trên các lưu vực sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản 3814/UBND-NLN về việc "tăng cường, quản lý sử dụng điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản". Theo đó, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng điện, chất độc, chất nổ…để khai thác thủy sản trên các sông suối.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân sinh sống trong lưu vực sông, suối, hồ chứa, đặc biệt là các hộ dân làm nghề khai thác thủy sản hiểu và thực hiện hành vi khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đúng quy định của pháp luật.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 23/8 - Ảnh 2
Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng điện, chất độc, chất nổ…để khai thác thủy sản trên các sông suối trên địa bàn Lào Cai.

Khuyến khích, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống trên địa bàn; đấu tranh, tố giác các hành vi sử dụng điện, chất nổ, chất độc và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Thống kê, rà soát, lập danh sách các đối tượng khai thác thủy sản bằng phương tiện hủy diệt để vận động, tuyên truyền, giáo dục, quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép, sử dụng điện, chất độc, chất nổ, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; bảo tồn, quản lý các bãi đẻ tự nhiên để tăng số lượng, đa dạng thành phần các loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Tập huấn về bảo vệ môi trường không khí

Ngày 23/8, tại Vĩnh Phúc, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội nghị “Tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường không khí”.

Hội nghị nhằm phổ biến những quy định mới về bảo vệ môi trường không khí cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền viên, qua đó tham vấn, đề xuất các giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường không khí.

Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, chính sách mới của Luật và các văn bản hướng dẫn tới cơ quan, tổ chức, người dân và cộng đồng doanh nghiệp nhất là các quy định về BVMT không khí trong Luật và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020.

Tại Hội nghị, các đại biểu, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí đã được các chuyên gia chia sẻ về các quy định về bảo vệ môi trường không khí tại Việt Nam; hiện trạng chất lượng môi trường không khí tại một số đô thị; nguyên nhân và giải pháp của tác động ô nhiễm không khí tới sức khoẻ con người và một số gợi ý để đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ môi trường không khí.

Bình Định kiên quyết thu hồi các dự án khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường

Để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như đất, cát, sỏi và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn chưa thật chặt chẽ, các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra; Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chậm triển khai, trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình khai thác, chưa thực hiện nghiêm túc thời gian khai thác và công tác bảo vệ môi trường, chậm hoàn thổ, đóng cửa mỏ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 23/8 - Ảnh 3
Bình Định kiên quyết thu hồi các dự án khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường.

Nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; rà soát và đề xuất UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản thay thế, bãi bỏ các văn bản trước đây có liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, lựa chọn các điểm quy hoạch khoáng sản đáp ứng đủ các điều kiện để đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm nâng cao giá trị khoáng sản và lựa chọn các chủ đầu tư có đủ năng lực khai thác theo quy định; Tham mưu cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng, báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động khoáng sản theo quy định.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu ngày càng thêm tồi tệ

Đợt hạn hán nghiêm trọng "càn quét" các khu vực ở châu Âu đang trở nên tồi tệ. Mặc dù những trận mưa đang giúp ích cho một số khu vực, song các cơn giông kèm theo cũng gây ra thiệt hại đáng kể.

Trong báo cáo hằng tháng mới nhất, Đài Quan sát Hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU-GDO) đã nêu bật hiện tượng đất đai ngày càng khô cằn đang diễn ra do các đợt nắng nóng liên tiếp ập tới kể từ tháng Năm và tình trạng thiếu mưa kéo dài.

Theo báo cáo, hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm đến nay tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng Tám.

Nguy cơ hạn hán ngày càng gia tăng đã được dự báo đối với các nước như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ireland, Luxembourg, Romania và Hungary, cũng như các nước không thuộc EU như Anh, Serbia, Ukraine và Moldova.

Các khu vực của EU ở Địa Trung Hải sẽ "ấm và khô hơn so với bình thường" cho đến tháng 11 tới. Các khu vực hứng chịu những đợt mưa bất thường trong 3 tháng qua bao gồm các vùng của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp, miền Trung nước Italy, Thụy Sĩ, miền Nam nước Đức và phần lớn lãnh thổ Ukraine.

Báo cáo tiếp tục duy trì cảnh báo được đưa ra trước đó rằng gần 50% lãnh thổ EU có nguy cơ bị hạn hán. GDO cũng lưu ý rằng các con sông nhỏ và nguồn nước bị thu hẹp đang ảnh hưởng đến việc sản xuất năng lượng tại các nhà máy điện cũng như các vụ mùa.

Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán năm 2022 có thể là nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua. Hạn hán gây ra nhiều tác động khác như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức trong bối cảnh nước này mở rộng nguồn nhiên liệu thay thế cho khí đốt từ Nga.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin môi trường nổi bật ngày 23/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới