Điểm danh những dự án bất động sản đầy tai tiếng trong năm 2019
Thị trường bất động sản năm 2019 đã trải qua một năm đầy sóng gió khi tiếp tục chứng kiến lùm xùm tại hàng loạt dự án như Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận”, tranh chấp tại chung cư Ngoại giao đoàn...
Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận
Tháng 11/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) tuyên bố "vỡ trận" cam kết lợi nhuận condotel với khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Công ty Thành Đô cho hay, việc kinh doanh loại hình Condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc. Do đó, dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, song tập đoàn này vẫn đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng.
Vì vậy, từ 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Công ty Thành Đô cũng đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng như chuyển đổi các Condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ hoặc giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau đó, Đà Nẵng đồng ý cho hơn 1.500 căn hộ khách sạn (condotel) đã và chưa xây dựng tại tổ hợp Cocobay Đà Nẵng đã được cho phép chuyển đổi sang căn hộ chung cư.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group thừa nhận việc này là vi phạm hợp đồng mua bán. Đồng thời, ông cũng khẳng định, đến nay khách hàng vẫn chưa có thiệt hại gì.
Việc Cocobay Đà Nẵng chấm dứt việc chi trả lợi nhuận 12%/năm như đã cam kết đã tạo nên một “cú sốc” đối với những nhà đầu tư đã đầu tư vào loại hình này.
Trước khi làn sóng condotel phát triển rầm rộ trên thị trường, các chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà loại hình bất động sản này mang lại, nhất là khi các thủ tục pháp lý chưa được hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Sai phạm tại dự án Mường Thanh Đà Nẵng
Những sai phạm tại dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (đường Võ Nguyên Giáp, P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư đã gây chú ý dư luận trong suốt thời gian qua.
Trước đó, cơ quan chức năng của Đà Nẵng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này. Trong đó, tại tầng 25, chủ đầu tư xây dựng sai phép, thay đổi công năng 5 phòng thành 1 phòng lớn; tại tầng 35, theo nội dung cho phép là vị trí lánh nạn, chủ đầu tư đã thay đổi công năng thành 8 phòng ở; tại tầng 41, giấy phép xây dựng chỉ có diện tích 531 m2, nhưng chủ đầu tư tự ý mở rộng diện tích lên đến 2.129,52 m2 và bố trí thành 26 phòng.
Tại tầng 42, chủ đầu tư cũng tự ý mở rộng diện tích xây dựng lên đến 2.129,52 m2 và bố trí thành 23 phòng; tại tầng 42 (tầng mái), chủ đầu tư đã tự ý cơi nới, tăng thêm 2 tầng với diện tích 562,8 m2/tầng.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã xây dựng sai phép tại các tầng 2, 3, 4, 5 của hạng mục khối nhà chung cư thuộc tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà từ khu vực nhà trẻ, nhà sinh hoạt,… thành 26 căn hộ/tầng, với tổng số 104 căn hộ xây dựng trái phép.
Ngày 22/10, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ra quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả sai phạm tại công trình trên.
Theo đó, Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Tháo dỡ và hoàn trả lại công năng ban đầu đối với phần công trình xây dựng sai nội dung giấy phép số 235 tại hạng mục khối chung cư thuộc tổ hợp dự án.
Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng cho phép chủ đầu tư giữ lại hệ thống khung cột, dầm chịu lực, 2 lõi thang máy để đảm bảo cho các sàn. Còn lại phải tháo dỡ các phần sai phạm gồm một phòng lớn tại tầng 25; 8 phòng ở tầng 35; 26 phòng ở tầng 41; 23 phòng ở tầng 42; hai tầng xây thêm ở trên nóc toà nhà với diện tích hơn 562 m2.
Ngày 11/12, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có thông báo gửi chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc chấp hành quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả xây dựng trái phép tại dự án.
Theo đó, thời gian di dời từ ngày 10/12/2019 – 10/1/2020, nếu không di dời cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định, mọi chi phí thiệt hại về tài sản, doanh nghiệp và các cơ quan, cá nhân có liên quan tự chịu trách nhiệm.
Từ ngày 12/1/2020, cơ quan chức năng sẽ ngừng cấp các dịch vụ điện nước, truyền thông, truyền hình tại các tầng, các căn hộ có vi phạm.
Tuy nhiên, người dân tại những căn hộ này vô cùng bức xúc vì họ cho rằng, thời điểm mua nhà, họ hoàn toàn ko biết chủ đầu tư sai phạm, khi chuyển vào sinh sống cũng không được ban quản lý tòa nhà hay chính quyền thông báo về sai phạm này.
Hiện tại, dù thông báo di dời phải tiến hành từ ngày 10/12 nhưng người dân vẫn không biết phải đi đâu về đâu, họ gần như bất lực trong việc liên hệ với chủ đầu tư.
Lùm xùm thu hồi sổ hồng tại các dự án Tập đoàn Mường Thanh
Ngày 10/07, Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Lê Thanh Thản (hay còn gọi "đại gia điếu cày") để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định nhiều dự án xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh vướng vào 2 sai phạm lớn là xây dựng vượt tầng - phá vỡ quy hoạch được duyệt và có các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.
Các sai phạm diễn ra trong nhiều năm gần đây, được nhiều cơ quan thanh tra chỉ ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Hàng ngàn người dân đã mua căn hộ tại các dự án xảy ra sai phạm không được cấp sổ đỏ vì Tập đoàn Mường Thanh chưa khắc phục triệt để các sai phạm.
Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành thu sổ hồng của khoảng 400 căn hộ trong một số dự án phát triển nhà ở các chung cư do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng tại TP. Hà Nội
Theo Sở TN&MT Hà Nội, sở này đã cấp sai tổng cộng 604 sổ hồng tại 3 dự án CT5 Tân Triều, CT6 Kiến Hưng và các tòa CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 Xa La.
Tại các quyết định thu hồi và hủy sổ hồng đối với những trường hợp đã cấp ở các tòa nhà chung cư trên, Sở TN&MT đã nêu rõ lý: “Trong quá trình Sở TN&MT thẩm định hồ sơ và cấp sổ hồng có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai”.
Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra nhiều tranh cãi và ảnh hưởng đến người dân tại các dự án nên trên.
Đến ngày 18/7, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đã tổ chức cuộc họp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) để nghe báo cáo về việc thu hồi sổ hồng của cư dân trong các chung cư do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng.
Bộ TN&MT đã yêu cầu việc xử lý các sai phạm cần đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân. Trong trường hợp thu hồi sổ hồng đã cấp, cần chỉ rõ những sai phạm trong việc cấp sổ hồng.
Ngày 19/7, Bộ TN&MT hành văn bản số: 3470/BTNMT - TCQLĐĐ gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan của UBND TP. Hà Nội dừng thu hồi sổ hồng tại các dự án nhà ở của Tập đoàn Mường Thanh do đã chuyển đổi công năng trái phép và nâng tầng sai quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo Bộ TN&MT, căn cứ để gửi văn bản đề nghị TP. Hà Nội dừng thu hồi sổ đỏ đã cấp cho các hộ dân kể trên là theo quy định tại điều 106 luật Đất đai 2013; điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai; khoản 56 điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai.
Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, Bộ TN&MT khẳng định việc thu hồi sổ đỏ đã cấp trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ phát hiện sổ đỏ đã cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai phải được kiểm tra và thông báo lại cho người sử dụng đất, căn hộ biết rõ lý do và quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp. Sau chỉ đạo này, Hà Nội cũng đã tạm dừng việc thu hồi sổ hồng đã cấp sai trước đó.
Dự án lấn biển xây thủy cung ở Vũng Tàu
Thời gian qua, người dân và du khách đến Vũng Tàu vô cùng bức xúc về việc chủ đầu tư đổ đất đá san lấp để triển khai dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu (số 1A, Trần Phú, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Được biết, dự án có tổng diện tích gần 7 ha, được phê duyệt quy hoạch với mục tiêu hình thành khu du lịch, văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng với quy mô phục vụ 3.000 - 5.000 người mỗi ngày.
Khu A gồm một khách sạn 5 sao 22 tầng, nhà dịch vụ - nhà hàng, bến tàu, khu thể thao biển, tượng nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác. Khu B là nhà thủy cung, khu thể thao biển - bãi tắm, khu hồ tắm nhân tạo, bãi xe, cây xanh... Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.100 tỉ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Tuy nhiên, người dân lo ngại, dự án triển khai sẽ phá nát cảnh quan khu vực bờ biển TP. Vũng Tàu, ngăn chặn người dân tiếp cận với biển, ảnh hưởng đến không gian, tầm nhìn di tích quốc gia Bạch Dinh đã được xếp hạng.
Còn theo các chuyên gia, nếu làm thủy cung sẽ ảnh hưởng dòng chảy, gây xói lở hàm ếch, sụt lún có thể cả đất liền, đến đường ven biển. Dưới biển cũng có dòng chảy ẩn và lạnh di chuyển, nếu chặn dòng sẽ làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến thay đổi lượng phù sa bồi đắp, thay đổi tự nhiên.
Ngày 15/10, ông Nguyễn Thành Long, quyền chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã ký văn bản yêu cầu tạm dừng ngay thi công dự án “thủy cung Hòn Ngưu”.
Sai phạm dự án Dolphin Plaza
Tháng 11 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án Dolphin Plaza (Dolphin), 28 Trần Bình, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội do Công ty Cổ phần TID làm chủ đầu tư.
Qua đó, phát hiện một số sai phạm như: Chủ đầu tư tự ý làm thêm sàn kết cấu thép tại tầng 1 (cốt +3,4 m) và điều chỉnh, chuyển đổi công năng sử dụng tại tầng 4 không phù hợp với nội dung giấp phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được duyệt là vi phạm về trật tự xây dựng.
Về công tác PCCC, dự án đã được Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nghiệm thu theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, chủ đầu tư tự ý điều chỉnh công năng sử dụng mặt bằng một số tầng không phù hợp với hồ sơ thiết kế được duyệt. Chưa được thẩm duyệt bổ sung PCCC theo quy định.
Đặc biệt, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chủ đầu tư tự ý thay đổi vị trí các khu chức năng, chuyển đổi công năng sử dụng thành 9 căn hộ tại tầng 4 – Tháp 3, 4 (khối B). Đối với việc xử lý vi phạm trong việc xây dựng, tự ý thay đổi vị trí các khu chức năng, chuyển đổi công năng sử dụng thành 9 căn hộ tại tầng 4 (tháp 3,4 khối nhà B), chủ đầu tư liên hệ UBND quận Nam Từ Liêm xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Được biết, dự án Dolphin Plaza (Dolphin), 28 Trần Bình, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 68/GPXD năm 2009.
Theo giấy phép, dự án được xây dựng trên lô đất có diện tích 9.874 m2, diện tích xây dựng 3.290 m2, gồm 2 khối nhà A,B, mỗi khối nhà gồm 2 tháp 1,2 và 3,4; cao 28 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng tum và tầng cây xanh, chiều cao công trình 134,55 m.
Theo bản vẽ 531/BXD-HĐXD, tầng 4 khối nhà B (khối nhà B gồm 2 toà nhà 3,4) được thiết kế làm nhà trẻ mẫu giáo và phòng sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thành 9 căn hộ để bán, cho thuê.
Dự án lấn sông Hàn để xây biệt thự
Tháng 4/2019, dư luận xôn xao về dự án lấn sông Hàn để xây biệt thự (thuộc phường Nại Hiên Đông, Q. Sơn Tra, TP. Đà Nẵng). Đây là Dự án Bất động sản và bến du thuyền (tên thương mại là Marina Complex) do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Dự án Marina Complex nằm dưới chân cầu Thuận Phước thuộc cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng có diện tích 11,7 ha. Dự án nằm ngay dưới chân cầu Thuận Phước, cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng điều này khiến nhiều người dân và chuyên gia lo lắng về việc chính dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy của Sông Hàn khi cửa sông bị thu hẹp, sẽ ảnh hưởng đến việc thoát nước của sông Hàn vào mùa mưa lũ.
Dự án đã được chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch đến bốn lần theo đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng. Các điều chỉnh theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giao thông và các tiện ích phục vụ công cộng. Đất ở kinh doanh thuộc dự án đã giảm từ 7,9 ha xuống còn 4,7 ha, tức giảm hơn 40%.
Tuy nhiên, trước những lo ngại trên, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng khẳng định dự án Marina Complex được tính từ mép đê, kè sông Hàn trở vào trong, với mục đích chống sạt lở bờ sông, bảo vệ công trình kiến trúc, lịch sử, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng 2 bờ sông Hàn, không ảnh hưởng tới bờ kè đá đã được xây dựng và gia cố hằng năm. Dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ lụt.
Ngày 19/4, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Kế hoạch & Đầu tư và các đơn vị liên quan làm việc với Nhà đầu tư tạm dừng triển khai dự án để kiếm tra, rà soát hồ sơ pháp lý.
Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cảc Bộ, ngành Trung ương có liên quan đến việc triển khai xây dựng dự án.
Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
Ngày 7/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện dự án bất động sản và bến du thuyền (Marina Complex).
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến trái chiều về sự ảnh hưởng của dự án tới dòng chảy sông Hàn.
Ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, cho biết đối với các dự án ven bờ đông sông Hàn, trước những kiến nghị của người dân, các nhà khoa học và dư luận, TP kịp thời tạm dừng các dự án này để rà soát.
Trên cơ sở đó, TP sẽ sớm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng pháp luật hiện hành.
Khu Ngoại giao đoàn, tranh chấp chưa có hồi kết
Ngoại giao đoàn từng là khu đô thị đáng sống, được coi là điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội được nhiều người lựa chọn và đặt mua... Thế nhưng, nhiều năm qua, nơi đây đã xảy ra không ít những vụ lùm xùm. Năm 2019, tiếp tục là một năm không bình yên với cư dân khu đô thị này.
Được biết, khu đô thị Ngoại giao đoàn do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, với quy mô 62,8 ha gồm khu biệt thự đơn lập, khu Đại sứ quán, khu chung cư Ngoại giao đoàn và các công trình công cộng. Quy mô dân số toàn khu là 9.700 người.
Dự án chung cư Ngoại giao đoàn gồm 4 khu N01, N02, N03, N04. Toàn khu căn hộ chung cư gồm 23 tòa có chiều cao từ 21 đến 45 tầng. Tòa chung chư đầu tiên được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng vào Quý 3/2015.
Tuy nhiên, thời gian qua tại đây liên tục nóng lên vấn đề về điều chỉnh quy hoạch, vấn đề sổ đỏ... Thực tế, nhiều hộ dân nhận bàn giao nhà, ở đây từ năm 2015, nhưng đến nay đã gần 4 năm vẫn chưa được bàn giao sổ đỏ khiến người dân vô cùng bức xúc.
Cực chẳng đã, trong năm 2019, người dân đã nhiều lần xuống đường căng băng rôn, biểu ngữ vòng quanh khu Ngoại giao đoàn để phản đối chủ đầu tư và đòi quyền lợi.
Theo Kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở (sổ đỏ) tại Dự án khu Ngoại giao đoàn thì, dự án này có việc chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa hoàn thiện thủ tục dẫn đến không đủ điều kiện cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại dự án; Một số nhà đầu tư thứ cấp không đủ điều kiện triển tiếp tục triển khai dự án.
KĐT Ciputra “xé” quy hoạch gây bức xúc
Dự án KĐT Ciputra nằm trên địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. KĐT có quy mô 301 ha được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng Công Ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị (Việt Nam) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia).
Giữa năm 2019, Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long - chủ đầu tư KĐT Nam Thăng Long (Ciputra) đã có đơn đề nghị điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc KĐT Nam Thăng Long - giai đoạn 2. Động thái này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ người dân, nhiều người đồng loạt ký biên bản phản đối.
Người dân cho rằng, việc thay đổi mục đích sử dụng đất đối với ô đất để nhằm thu lợi một cách triệt để trên các khu đất chưa xây dựng.
Trước những phản ứng gay gắt từ phía cư dân, ngày 9/5, CĐT Khu đô thị Ciputra đã có văn bản gửi Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội trong đó nêu đề xuất giữ nguyên chức năng sử dụng đất của ô TM-13 theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
Tháng 8/2019, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc; UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND quận Tây Hồ.
Tại Thông báo số 212 ngày 27/2/2019, thành phố đã chỉ đạo riêng đối với các ô đất ký hiệu TM-13 và P-14, yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo, làm rõ phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục thực hiện đối với việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch; trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh phải đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi đề xuất điều chỉnh.
Trước đó, nhiều hộ dân khu đô thị Ciputra đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất vốn được quy hoạch chức năng thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền việc điều chỉnh quy hoạch tại khu đô thị Ciputra.