Dịch vụ ‘đi chợ thuê’ nở rộ trong mùa dịch Covid-19
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thực hiện cách ly toàn xã hội thì nhiều người tiêu dùng đã chọn phương thức mua hàng online hoặc gọi điện thoại. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt những thay đổi này để cho ra đời một dịch vụ mới là 'đi chợ thuê'.
Từ bán hàng online đến đi chợ thuê
Những ngày gần đây, khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng có hiệu lực, từ ngày 1/4, cả nước bước vào 15 ngày cách ly toàn xã hội, nhiều người đã đến các chợ, siêu thị mua sắm khiến các siêu thị gần như quá tải do khách hàng mua sắm rất đông. Nhưng chị Nguyễn Huệ (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn không hề lo lắng dù nhà chị chỉ đủ thức ăn cho 1-2 ngày tới. Chị Huệ cho biết, từ khi có dịch Covid-19, chị cơ bản chuyển sang “đi chợ” online. Chị Huệ chọn một trang web của siêu thị uy tín để mua đồ ăn cũng như đồ tiêu dùng thiết yếu trong nhà.
“Chỉ cần ngồi nhà, dùng điện thoại chọn đồ, cho vào giỏ hàng, chọn giờ giao hàng là hoàn tất, đến giờ hẹn sẽ có nhân viên đến giao tận nhà. Dù không được cầm đồ lên chọn đồ ưng ý như mua trực tiếp nhưng tôi thấy an tâm về chất lượng và quan trọng nhất là hạn chế phải ra ngoài”, chị Huệ cho biết.
Nhiều gia đình chọn mua đồ online tại nhà thay vì đến các chợ và siêu thị. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Cũng giống như gia đình chị Huệ, gia đình chị Đào Trang (Ba Đình, Hà Nội) có 3 thế hệ cùng sinh sống. Thay vì đi chợ như trước đây, chị chọn đặt mua thực phẩm ở các cửa hàng uy tín với số lượng lớn rồi chuyển tới tận nhà. Thường chị mua đủ thực phẩm dùng trong 1 tuần.
Thực tế, dịch vụ đi chợ thuê đã xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây nhưng chưa phổ biến. Đến thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà xu hướng sử dụng dịch vụ đi chợ thuê ngày càng nở rộ.
Hiện khá nhiều doanh nghiệp đã tung ra dịch vụ “đi chợ thuê” Lottemart, Satra, Coo.op Mart, Big C, Vinmart... Nhiều cá nhân cũng đẩy mạnh bán hàng qua Facebook, Zalo, mở ứng dụng đi chợ, cung cấp bữa ăn tận nhà.
Các hãng xe công nghệ cũng nhanh chóng cho ra các dịch vụ đi chợ thuê. Ứng dụng Be đã nhanh chóng tung ra dịch vụ “Be đi chợ” vào đầu tháng 3 vừa qua, tài xế có thể mua ở những địa điểm mà người đặt chỉ định. Ứng dụng này khuyến khích khách hàng đặt mua tại các địa điểm có giá niêm yết và hóa đơn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Tương tự, Grab mới đây cũng đã triển khai thử nghiệm dịch vụ GrabMart cho người dùng tại TP. Hồ Chí Minh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Khi người dùng chỉ cần chọn đồ, đơn hàng sẽ gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của siêu thị, các tài xế nhận đơn hàng chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, nhận hàng và giao hàng.
Thúc đẩy thương mại điện tử
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn.
Dịch Covid-19 cũng tác động tâm lý và thay đổi thói quen của người tiêu dùng là hạn chế mua sắm nơi công cộng, ăn uống ngoài do lo ngại dịch lây lan. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 390 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I vẫn tăng do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây. Doanh số qua kênh bán hàng online được ghi nhận tăng mạnh, có nhà bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 10 lần so với bình thường.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Bộ Công Thương đang nỗ lực xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu. Cùng đó, thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Bộ cũng đang thực hiện kết nối với các Tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới để tạp thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiên dùng tiếp cận với thương mại điện tử.
Trung Hiếu