Dịch lở mồm long móng trên gia súc xuất hiện tại 7 huyện, thị xã tỉnh Hà Tĩnh
Tính đến ngày 14/11, tại 7 huyện, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh đã có gia súc bị bệnh dịch lở mồm long móng gồm: Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh với trên 300 con trâu, bò bị bệnh.
Trong đó, huyện Kỳ Anh dẫn đầu số lượng gia súc bị bệnh lở mồm long móng với 98 con, tiếp đến là huyện Hương Sơn 43 con…
Đàn gia súc tại Phúc Đồng đang được chăm sóc đặc biệt, không thả rông để hạn chế dịch lây lan. |
Hiện Hà Tĩnh đã có 8 con trâu, bò bị chết do bệnh lở mồm long móng. Tuy nhiên, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, ở riêng xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê có 7 con trâu, bò bị chết do mắc bệnh lở mồm long móng. Sáng 14/11, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng khẳng định, thông tin đó chưa chính xác. Tại Phúc Đồng chỉ có 24 con trâu, bò bị bệnh và chính quyền xã chưa ghi nhận trường hợp nào có trâu, bò bị chết tại địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dịch lở mồm long móng được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 13/10, tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc. Sau đó, bệnh được phát hiện thêm tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận có 7 huyện, thị xã với trên 300 con mắc bệnh và có 8 con trâu, bò bị chết là ở huyện Hương Sơn và Can Lộc. Gia súc bị chết chủ yếu là trâu, bò nhỏ (bê và nghé). Trong quá trình điều trị, hiện đã có 150 con trâu, bò mắc bệnh đã qua 21 ngày.
Hiện thời tiết đang chuyển sang mưa, rét, việc tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc đến thời điểm này cũng đã hết thời gian miễn dịch. Cùng đó, nhiều địa phương có tình trạng thả rông trâu, bò khó quản lý… Điều này khiến nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng lây lan nhanh trong thời gian tới.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, nhất là địa bàn có dịch bệnh triển khai đồng bộ giải pháp nhằm khống chế dịch; tổ chức bao vây tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại; ký cam kết không mua, bán vận chuyển gia súc ra vào vùng có dịch bệnh nhằm hạn chế lây lan.