ĐHCĐ Nam A Bank: Tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, niêm yết cổ phiếu lên HoSE trong năm 2019
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE trong năm 2019, tăng vốn điều lệ, phấn đấu lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, chia cổ tức 16%… là những nội dung quan trọng đã được Đại hội cổ đông thường niên Nam A Bank thông qua.
Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Nam A Bank ngày 23/3/2019
Sáng 23/3, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2019, thông qua nhiều nội dung quan trọng gồm: kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch của năm nay, phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức, kế hoạch tăng vốn và niêm yết cổ phiếu…
Cổ đông hối thúc niêm yết
Đáng chú ý, Hội đồng quả trị Nam A Bank đã trình đại hội thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
Trước đó, ngân hàng đã trì hoãn việc lên sàn UPCOM trong năm 2018. Được biết, vào tháng 10/2018 Nam A Bank đã hoàn thành việc nâng vốn điều lệ lên mức 3.353 tỷ đồng, tương ứng 335,3 triệu cổ phiếu. Nam A Bank nằm trong số các ngân hàng tư nhân có quy mô vốn nhỏ nhất trên thị trường do đó chịu sức ép phải tiếp tục tăng vốn và thực hiện tái cơ cấu.
Tại đại hội năm nay, Nam A Bank tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019, tức tăng thêm khoảng 1.647 tỷ đồng. Đại hội đã biểu quyết thông qua nội dung tăng vốn và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE.
Báo cáo về kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo Nam A Bank cho biết, năm 2018 ngân hàng làm ăn khởi sắc với lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2018 đạt 743 tỷ đồng, tăng 147% so với cuối năm 2017 và đạt 232% kế hoạch năm 2018. Ngân hàng quyết định chia cổ tức 16% bằng cổ phiếu.
Cổ đông cho rằng, tỷ lệ cổ tức 16% là nỗ lực lướn của ban lãnh đạo ngân hàng khi các năm trước chỉ chia 5-7%, nhưng đề nghị ngân hàng cần sớm xúc tiến kế hoạch niêm yết trên sàn để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Vì hiện cổ phiếu Nam A Bank trên OTC đang có giá thấp, khó giao dịch lượng lớn.
Trả lời cổ đông, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, việc niêm yết là bắt buộc theo quy định của ngân hàng đại chúng. Sau khi được ĐHCĐ thường niên thông qua, HĐQT ngân hàng sẽ tiến hành các thủ tục và hồ sơ để sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Phát hành 164,6 triệu cổ phần tăng vốn
Theo tờ trình phương án tăng vốn năm 2019, Nam A Bank sẽ thực hiện 4 đợt phát hành với tổng số lượng hơn 164,6 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 1.646 tỷ đồng, nhằm nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng ngay trong năm nay.
Cụ thể, Nam A Bank quyết định chia cổ tức với tỷ lệ 16% tính trên mệnh giá cổ phần thông qua việc phát hành 53,65 triệu cổ phiếu, trị giá 536,56 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, đến cuối kỳ ngân hàng ghi nhận có gần 544,7 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ khác 329 tỷ đồng… sẽ là nguồn để chia cổ tức cho cổ đông.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ chào bán gần 111 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 1.110 tỷ đồng thông qua 3 đợt sau: chào bán cho cổ đông hiện hữu 43.924.788 cổ phần (13,1% vốn điều lệ hiện hành), chào bán riêng lẻ 50,3 triệu cổ phiếu (15%), phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động là 16,77 triệu cổ phần (5%)… Giá phát hành tối thiểu không thấp hơn mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/CP.
Trên cơ sở mức vốn điều lệ giả định là 5.000 tỷ đồng, Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 sẽ đạt 800 tỷ đồng, tăng trưởng 7,6% so với năm trước, tổng tài sản đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 15%, huy động vốn và dư nợ cho vay cá nhân lần lượt đạt 72.000 tỷ đồng (tăng 27%) và 60.000 tỷ đồng (tăng 18%).
Sau khi tăng vốn, sở hữu của các cổ đông sẽ bị giảm đáng kể, đơn cử: ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank giảm sở hữu từ 5% xuống 4,329%, sẽ không còn là cổ đông lớn, ông Nguyễn Quốc Mỹ chỉ còn nắm 3,7%, Phó tổng giám đốc Phan Đình Tân năm 2,457%…
Cổ đông lớn Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 14,156% hiện tại xuống 12,257% sau khi ngân hàng tăng vốn.
Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2018, lãnh đạo Nam A Bank cũng cho biết, tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng 37,8% so với năm 2017 và đạt 114% kế hoạch năm. Huy động vốn từ cá nhân, tổ chức kinh tế và chứng từ có giá tăng 36% so với đầu năm 2018, đạt 103% kế hoạch năm 2018. Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 121% kế hoạch năm, tương ứng 50.814 tỷ đồng và ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu gần 772 tỷ đồng.
Trong năm 2018, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 1.707 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước, trong đó mảng dịch vụ và ngoại hối lãi lần lượt 52,5 tỷ đồng và 29,8 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư lãi thuần 29,2 tỷ đồng, còn chứng khoán kinh doanh bị lỗ 68,6 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác hơn 44,5 tỷ đồng.
Cả năm chi phí hoạt động tăng mạnh 34% lên tới 1.154 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro chỉ đạt 641,8 tỷ đồng.
Ngoài dư nợ cho vay, Nam A Bank ghi nhận cuối kỳ 2018 hơn 9.041 tỷ đồng giá trị chứng khoán đầu tư, trong đó phải trích dự phòng rủi ro cho khoản mục này hơn 115,2 tỷ đồng.
Huyền Đoàn