Chủ nhật, 28/04/2024 16:52 (GMT+7)
Thứ năm, 26/10/2023 11:31 (GMT+7)

Đề xuất thiết kế mô hình quản lý dữ liệu tài nguyên nước tập trung

Theo dõi KTMT trên

Trong ngày làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (26/10), Quốc hội tiếp hành thảo luận dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Mở đầu phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước

Tiếp thu các ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hòa phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, được thể hiện tại Điều 35 của dự thảo Luật.  

Khôi phục các dòng sông đang ô nhiễm

Đề xuất thiết kế mô hình quản lý dữ liệu tài nguyên nước tập trung - Ảnh 1
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. 

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều vấn đề về kết cấu, nội dung cụ thể của điều luật, làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới từ thực tiễn quản lý nhà nước về tài nguyên nước. 

Đại biểu cho biết hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất đang bị ô nhiễm nặng, nguy cơ trở thành dòng sông chết. Vì vậy vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này… 

Đồng tình thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó cũng bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; đặc biệt cũng có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.

Góp ý cho thảo luận, theo đại biểu việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân. Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. 

Đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.

Hoàn thiện hành lang bảo vệ nguồn nước

Đề xuất thiết kế mô hình quản lý dữ liệu tài nguyên nước tập trung - Ảnh 2
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung  - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc. 

Thống nhất cao với nội dung dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung  - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 23 của dự thảo luật, cụ thể là mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. 

Đối với đập, hồ chứa thủy lợi, kênh, mương thuộc công trình thủy lợi thì mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định trùng với mốc giới phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi.   

Trường hợp mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước các sông, suối được xác định trùng với mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê thì sử dụng mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng theo quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê theo quy định của pháp luật về đê điều.

Đại biểu nhấn mạnh, quy định này được thiết kế nhằm tiết kiệm chi phí cắm mốc, đảm bảo hợp lý, tuy nhiên cần quy định rõ trong phạm vi các hành lang này cần được quản lý, bảo vệ với mục đích bảo vệ nguồn nước, không chỉ bảo vệ theo khía cạnh công trình đê điều, giao thông đường thủy. 

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện, việc quản lý, sử dụng đất trong phạm vi hành lang cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng và quy định rõ ràng.

Xây dựng mô hình quản lý dữ liệu tài nguyên nước 

Đề xuất thiết kế mô hình quản lý dữ liệu tài nguyên nước tập trung - Ảnh 3
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. 

Góp ý về quy định hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước tại Điều 7 của dự thảo luật, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu và là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số. 

Vì vậy việc phát triển hạ tầng dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện vào việc thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. 

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã hướng tới cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại của thế giới là quản lý quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. 

Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân là thiếu nguồn lực thực hiện. Để giải quyết tình trạng này cần thiết đầu tư hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng quy định các trường hợp phải kê khai đăng ký hoặc phải cấp phép tùy theo quy mô khai thác mức độ tác động vào nguồn nước chưa rõ đối tượng thực hiện hoạt động sau khi Luật tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực mới phải đăng ký hay cả những trường hợp đã thực hiện hoạt động đào hồ ao sông suối kênh mương rạch để tạo không gian lưu trữ nước tạo cảnh quan trước ngày luật có hiệu lực cũng phải thực hiện việc đăng ký; nếu có đăng ký đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ lộ trình trong điều khoản chuyển tiếp.

Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm

Đề xuất thiết kế mô hình quản lý dữ liệu tài nguyên nước tập trung - Ảnh 4
Đại biểu Khang Thị Mào Đoàn - ĐBQH tỉnh Yên Bái. 

Đại biểu Khang Thị Mào Đoàn - ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng Điều 8, khoản 2 quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là khó khả thi, bởi hiện nay khu vực nông thôn chưa có công trình thu gom xử lý nước thải. Vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Xem xét bổ sung thêm nội dung đưa các loài sinh vật thủy sinh ngoại lai nhập khẩu từ nước ngoài, các loài sinh vật mới chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng ở các sông suối hồ kênh rạch vào các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật có liên quan vào nội dung các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8.

Về kê khai đăng ký cấp phép thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên nước tại Điều 53, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét chỉnh sửa để đảm bảo sự thống nhất giữa các luật hiện hành.

Phạm Thu

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất thiết kế mô hình quản lý dữ liệu tài nguyên nước tập trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới