Thứ bảy, 20/04/2024 16:28 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/02/2020 09:00 (GMT+7)

Đê sụt lún vào mùa hạn ở Cà Mau, người dân lo sang mùa mưa bão

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở, sụt lún đất gây thiệt hại lớn, uy hiếp đời sống của nhiều hộ dân.

Mới đây, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây lại bị sụt lún nghiêm trọng. Đáng nói, vào mùa mưa bão năm ngoái, triều cường dâng cao kèm theo sóng lớn đã làm sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ gây vỡ tuyến đê này nên hiện người dân rất lo lắng.

Đê sụt lún vào mùa hạn ở Cà Mau, người dân lo sang mùa mưa bão - Ảnh 1
Tuyến đường đê biển Tây của tỉnh Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng.

Lo mùa mưa bão đến

Ghi nhận của phóng viên VOV, tại vị trí sụt lún đường phòng hộ đê biển Tây (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), có khoảng 100 mét đường bị sụt lún nghiêm trọng, toàn bộ phần mặt đường 5,5m và lề đường mỗi bên khoảng 1m bị lún hoàn toàn xuống sâu khoảng 2m. Vị trí sụt lún đường phòng hộ đê biển Tây nêu trên nằm trong đoạn Đá Bạc – Kênh Mới, với chiều dài hơn 4km, có giá trị hơn 40 tì đồng.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cà Mau nhìn nhận, đoạn đường sụt lún hiện hữu có nguy cơ sụt lún nối tiếp. UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân để khẩn trương khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn cho vùng ngọt hóa.

Đê sụt lún vào mùa hạn ở Cà Mau, người dân lo sang mùa mưa bão - Ảnh 2
Người dân lo lắng và mong muốn khắc phục sớm tuyến đe biển để đảm bảo an toàn cho vùng ngọt.

“Chúng tôi hoàn thành tuyến đê biển này trong năm 2019, vừa qua đi kiểm tra thì tuyến đê vẫn an toàn. Tuy nhiên, mùa khô hạn năm nay khắc nghiệt quá gây ra sụt lún cục bộ. Tại hiện trường có thể thấy, kênh bên trong quá khô, không còn lượng nước để phản áp lại, có thể bên dưới đê có túi bùn nên khi bị lún bùn tràn lên dưới lòng kênh”, ông Tô Quốc Nam nói.

Còn ông Huỳnh Văn Khởi, người dân ở gần điểm sụt lún cho biết, bà con trong đê phòng hộ biển Tây làm lúa, vì vậy, đê biển có vai trò rất lớn trong việc giữ ngọt, bảo đảm sản xuất. Hiện tuyến đường bị sụt lún nghiêm trọng thì không những giao thông bị chia cắt hoàn toàn mà khi mùa mưa bão đến vùng canh tác lúa bên trong sẽ lâm nguy.

Đặc biệt, vào mùa mưa năm ngoái, cũng chính đoạn đường này bị nước mặt tràn qua trong cơn triều cường dâng cao kỷ lục, uy hiếp hoạt động sản xuất. Không chỉ vậy, sóng lớn còn tàn phá thân đê, nguy cơ làm vỡ đê. Người dân địa phương không yên tâm khi sống gần điểm sụt lún.

Đê sụt lún vào mùa hạn ở Cà Mau, người dân lo sang mùa mưa bão - Ảnh 3
Tuyến đường đê biển này có nguy cơ sụt lún tiếp.

“Đường đi lại của bà con bất lợi lắm, lún như vậy thì đâu có vận chuyển được gì. Nhất là vùng này nước ngọt, người dân làm ruộng rất sợ bị xâm nhập nước mặn vào, sợ nước tràn bất chợt qua đê. Cũng mong các cấp chính quyền khắc phục sớm để giao thông thuận tiện, cũng là để ngăn triều cường sợ nước lên lớn như trước đây...”, ông Huỳnh Văn Khởi lo lắng.

“Cầu cứu”chuyên gia

Trong chuyến kiểm tra đoạn đường phòng hộ đê biển Tây bị sụt lún vừa nêu, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận, từ đầu mùa khô đến nay, vùng ngọt hóa của tỉnh đã xảy ra hơn 900 vụ sụt lún, sạt lở đất.

Tình hình sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh năm nay giống với mùa hạn hán năm 2015-2016 nhưng gây thiệt hại nặng nề hơn. Đặc biệt, mùa khô năm nay dự báo sẽ kéo dài hơn nên thực trạng có thể còn phức tạp hơn.

Đê sụt lún vào mùa hạn ở Cà Mau, người dân lo sang mùa mưa bão - Ảnh 4
Cà Mau "cầu cứu" các chuyên gia đến làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp.

Tại tuyến đê biển Tây mới bị sụt lún, vị trí công trình còn cách bờ kênh nội đồng bên trong khoảng 17-18m nhưng tình trạng sụt lún vẫn diễn ra. Đây là hiện tượng rất khó lường, địa phương chưa xác định được nguyên nhân. Ông Lê Văn Sử, kiến nghị các ban ngành Trung ương vào cuộc đề xuất có giải pháp phù hợp hỗ trợ cho Cà Mau.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các tuyến, trục giao thông nằm gần kênh rạch. Tuyến nào có nguy cơ sụt lún hoặc sạt lở, tuyến nào giảm tải được, tuyến nào nguy hiểm để có cảnh báo và những giải pháp tạm thời.

Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị với các cơ quan nghiên cứu của Trung ương hỗ trợ tỉnh, nghiên cứu các hiện tượng sụt lún nghiêm trọng này, qua đó đề xuất những giải pháp để khắc phục, hạn chế thiệt hại”, ông Lê Văn Sử đề xuất.

Trước những thiệt hại nặng nề trong mùa hạn mặn năm nay, vào ngày 19/2, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức cuộc họp khẩn và kết luận: “thiệt hại sẽ tiếp tục xảy ra nghiêm trọng hơn trong thời gian tới”.

Để làm rõ nguyên nhân, tỉnh Cà Mau mời đại diện lãnh đạo nhiều bộ ban ngành liên quan, một số chuyên gia, nhà khoa học đến khảo sát, đánh giá tình hình và cùng tìm giải pháp khắc phục vào tuần sau.

Trần Hiếu

Bạn đang đọc bài viết Đê sụt lún vào mùa hạn ở Cà Mau, người dân lo sang mùa mưa bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới