Đề phòng các đợt mưa lớn tập trung trong 3 tháng cuối năm
Theo các chuyên gia, khu vực Trung và Nam Trung Bộ cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2021. Tuy nhiên ít có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn và dồn dập như năm 2020.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ nay đến hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 7 - 9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Đặc biệt, các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2021. Tuy nhiên, ít có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn và dồn dập như năm 2020.
Nhận định về tình hình thời tiết, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu cho biết, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021.
Theo đó, các đợt rét đậm, rét hại vào mùa đông năm nay có thể xảy ra vào khoảng giữa tháng 12/2021, trong khi các đợt rét đậm, rét hại hàng năm thường xuất hiện những ngày cuối tháng 12. Như vậy, năm nay rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra sớm hơn và ở mức độ nặng hơn, tập trung từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 2/2022.
Nguyên nhân là do nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh cho tới những tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng cho biết, từ nay đến ngày 20/8, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 3 m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ khu vực thượng lưu có khả năng đạt mức báo động 1, các sông chính ở khu vực trung và hạ lưu ở dưới mức báo động 1.
Cụ thể, tại Bắc Bộ, đỉnh lũ từ tháng 9/2021 trên các sông phổ biến ở mức báo động 1, riêng đỉnh lũ trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ ở mức báo động 1 và báo động 2.
Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới báo động 1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Từ tháng 9 /2021, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2.
Do đó, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, Trưởng phòng Dự báo khí hậu khuyến cáo chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án để phòng tránh.
Cụ thể là xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết; chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất; xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét, sạt lở đất; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em.
Cùng với đó, mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh. Các địa phương cần thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét, sạt lở đất.
Thùy Linh (T/h)