Đề nghị sửa quy định về xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự
Tại Kỳ họp thứ 4, chiều 9/11, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị thay cụm từ “trộm cắp” bằng từ “chiếm đoạt” để bảo đảm tính bao quát và đầy đủ hơn. Bởi ngoài hành vi trộm cắp còn có thể có các hành vi khác chiếm đoạt trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự.
Thay cụm từ “trộm cắp” bằng từ “chiếm đoạt” để đầy đủ hơn
Tại Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV chiều nay (9/11), Đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) góp ý vào khoản 5 Điều 9 của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định về hành vi làm hư hỏng, phá hủy trộm cắp trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự, đại biểu đã đề nghị thay cụm từ “trộm cắp” bằng từ “chiếm đoạt” để bảo đảm tính bao quát và đầy đủ hơn. Bởi ngoài hành vi trộm cắp còn có thể có các hành vi khác chiếm đoạt trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự. Ngoài ra, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự.
Tại Điều 11 về xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự, dự thảo luật quy định kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp được xây dựng theo chu kỳ 5 năm và điều chỉnh hàng năm khi cần thiết. Cụ thể tại khoản 3,4,5 Điều 11, Kế hoạch phòng thủ dân sự bao gồm Phong tục dân sự quốc gia do Chính phủ ban hành, kế hoạch phòng thủ dân sự cấp Bộ do Bộ trưởng ban hành, kế hoạch phòng thủ dân sự địa phương do Chủ tịch UBND các cấp phê duyệt.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hiếu, kế hoạch phòng thủ dân sự ở các cấp sẽ có nội dung khác nhau do phạm vi áp dụng vào đối tượng thực hiện khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, tình hình phát triển của các ngành kinh tế và cơ sở hạ tầng trên quy mô toàn quốc hoặc trong phạm vi cấp xây dựng kế hoạch phòng thủ. Góp ý về quy định tại Điều 18 về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, dự thảo đã liệt kê một số biện pháp mà Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng nhưng đại biểu cho rằng chưa đầy đủ.
Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp huy động lực lượng, phương tiện ứng phó để bảo đảm cho việc thực hiện hiệu quả các biện pháp khác. Ngoài ra, đại biểu Lê Tất Hiếu cũng góp ý vào khoản 2, Điều 23 về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện; Điều 46 về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp công tác tổ chức hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự…
Ứng dụng khoa học nghệ trong phòng thủ dân sự
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị làm rõ khái niệm phòng thủ dân sự; thảm họa và sự cố, khái niệm lực lượng chuyên trách. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, việc ứng dụng khoa học nghệ trong phòng thủ dân sự góp phần vào phòng chống thảm họa, sự cố nên cần được tăng cường.
Theo đó, để đảm bảo dự án Luật Phòng thủ dân sự chặt chẽ hơn, đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ và hoàn thiện khái niệm phòng thủ dân sự trên cơ sở kế thừa Khoản 1, Điều 13 Luật Quốc phòng. Đồng thời nghiên cứu theo hướng quy định những vấn đề chung nhất không mang tính liệt kê hoặc gắn vào từng trường hợp thảm họa, sự cố cụ thể bởi các dạng thảm họa, sự cố đã được quy định cụ thể tại Điều 5 dự án luật này, bà Huế phát biểu.
Đồng thời, đại biểu Huế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu theo hướng phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố nguy hiểm nghiêm trọng gây ra, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Cùng với hoàn thiện khái niệm phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện hai khái niệm thảm họa và sự cố để bổ sung cho khái niệm phòng thủ dân sự chặt chẽ và đầy đủ hơn.
Mặt khác, đại biểu Huế đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ khái niệm chuyên trách để rõ hơn nội hàm của cụm từ lực lượng chuyên trách được nhắc đến tại Khoản 4, Điều 4 về chính sách của Nhà nước xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức trang bị hiện đại, chuyên nghiệp và Khoản 1, Điều 38 về lực lượng phòng thủ dân sự bởi lực lượng chuyên trách trong phòng thủ dân sự phải thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ theo từng dạng thảm họa, sự cố cụ thể. Do thực tiễn yêu cầu khác với lực lượng chuyên trách chuyên ngành được quy định chỉ tập trung chuyên sâu một nhiệm vụ chính được giao.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ lực lượng chuyên trách được tổ chức ở cấp nào, thẩm quyền điều động, chỉ huy và trang bị như thế nào đối với lực lượng này?
Tại Điều 7 về khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự, dự thảo Luật đã dành riêng một điều quy định về ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này là cần thiết. Nội dung ứng dụng khoa học, công nghệ cơ bản đầy đủ nếu được triển khai thực hiện nghiêm túc trong thực tế sẽ giúp cho công tác phòng thủ dân sự đáp ứng ngày càng cao yêu cầu phòng ngừa, ứng phó thảm họa, sự cố.
Nghiên cứu bổ sung vào Khoản 1 để đảm bảo đầy đủ hơn trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ. Theo đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng thủ dân sự không chỉ trong đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự dân sinh mà còn được ứng dụng cả trong các hoạt động và trang thiết bị phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị.
Huyền Diệu