Để bầu trời Hà Nội luôn 'xanh'
Những ngày bầu trời Hà Nội trong xanh, người dân ở chung cư có thể nhìn thấy dãy Tam Đảo hay đỉnh núi Ba Vì xanh thẫm phía chân trời. Nhưng giờ đây, mỗi sớm kéo rèm cửa ra trước mắt họ thường là một màu sương mờ đục. Phải làm gì để trả lại cho Thủ đô bầu trời xanh thủa ấy?
Chỉ còn “xanh” trong câu hát
“Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội. Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh...”, đang nghe những câu hát này trong bài “Trời xanh Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Ký, tôi bỗng giật mình tự hỏi: “Bao lâu rồi chưa nhìn bầu trời Hà Nội trong vắt, xanh thăm thẳm?”. Và rồi tự trả lời: “Có lẽ, đã từ rất lâu rồi...”.
Các tháng cuối năm 2019, bước sang những ngày đầu năm 2020, Thủ đô Hà Nội liên tục ghi nhận chỉ số chất lượng không khí xấu. Thậm chí, có nhiều ngày chất lượng không khí ở mức cực kỳ nguy hại, dẫn đầu danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Bầu trời Hà Nội "mờ đục" mỗi sáng sớm. Ảnh minh họa |
Từ rất lâu rồi, trời Hà Nội không còn trong và xanh như nó vốn có, mà thay vào đó là một lớp sương mù dày đặc, thứ mà các nhà khoa học gọi là “sương mù hóa quang” bao quanh. Một người vô tâm nhất cũng có thể nhận ra, thứ đồ dùng không thể thiếu của người dân thủ đô mỗi khi ra đường hiện giờ lại là chiếc khẩu trang.
Mỗi buổi sáng vốn là thời gian tập thể dục, chạy bộ... rèn luyện sức khỏe giờ lại được khuyến cáo là khoảng thời gian chất lượng không khí có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhất. Nhiều người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ khó ngủ hơn, thậm chí tức ngực khi ra đường.
Cũng vì thế mùa Thu Hà Nội chẳng còn vẻ lãng đãng, ngọt ngào và dịu dàng như đã từng đi vào thơ ca lãng mạn, như một dấu ấn khó phai với những ai đã một lần sống trong trời thu Hà Nội. Tôi sống ở Hà Nội từ năm 2007. Hà Nội trong tôi là những hàng cây cổ thụ xanh mát trên đường Hoàng Diệu, là những buổi tối mùa Thu với ngọt ngào hương hoa sữa.
Thế nhưng Hà Nội trong cảm nhận của những người con xa xứ như tôi giờ đã thật khác. Hương hoa sữa dường như cũng bớt nồng nàn, đắm đuối... bởi giờ đây, nếu bạn muốn hít căng lồng ngực mùi của hương mùa Thu Hà Nội ấy thì phải hít hà qua một lớp của khẩu trang hoạt tính mới thực sự yên tâm. Thật xót xa cho một Hà Nội đã từng đáng yêu, sáng mát, trong lành...
Hãy cùng hành động
Thông tin cảnh báo ô nhiễm không khí tại thủ đô ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe đã được khuyến cáo thường xuyên thời gian qua. Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, tác nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội chủ yếu đến từ các nguồn thải nhân tạo từ hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp... diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải mang tính liên tục.
Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn. Chưa kể, tình trạng người dân ở miền Bắc có thói quen đốt phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, góp phần gia tăng lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Lý giải rõ hơn, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu, vì trong khi lượng phát thải bụi gây ô nhiễm từ các nguồn kể trên vẫn duy trì đều nếu thời tiết có nhiều nắng, gió thì bụi mịn được phát tán trên phạm vi rộng.
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích về ô nhiễm không khí ở các đô thị Việt Nam |
Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tích tụ, gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
Xem xét lượng mưa ở thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông từ năm 2013 - 2019 ở khu vực Hà Nội cho thấy năm 2019 có lượng mưa thấp nhất. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, người dân Thủ đô có quyền hy vọng chính quyền thành phố sẽ làm tốt hơn những việc như: trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm, trường học, bệnh viện ra bên ngoài; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm...
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, trước mắt cần kiểm soát ô nhiễm giao thông vận tải; trong đó, kiểm soát nguồn thải từ các phương tiện giao thông vận tải, định kỳ kiểm tra khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông vận tải, cấm lưu hành đối với những loại xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều hành động cần được thực hiện. Gây ô nhiễm hay giữ môi trường trong lành tùy thuộc vào mỗi hành động dù nhỏ của chúng ta. Không thể nói một hành vi xả rác bừa bãi, đốt một điếu thuốc, ăn một bữa tiệc xa xỉ... mà không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Giữ cho bầu trời Hà Nội mãi trong xanh, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và hành động của chính những người đang sinh sống ở Thủ đô.
Tuyết Chinh