Thứ sáu, 04/10/2024 06:57 (GMT+7)
Thứ tư, 21/06/2023 10:50 (GMT+7)

ĐBQH: Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất

Theo dõi KTMT trên

Giá đất là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, môi trường đầu tư kinh doanh.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 21/6, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, phương pháp xác định giá đất là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý. 

Theo đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, chủ trương của Đảng là kiên quyết không để người dân bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, Luật Đất đai sửa đổi lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát. Xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Liên quan đến phương pháp xác định giá đất, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng dự thảo Luật quy định càng nhiều phương pháp xác định giá đất thì càng khó áp dụng. Nếu áp dụng 4 phương pháp như dự thảo quy định cho cùng một thửa đất sẽ ra 4 kết quả khác nhau.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung quy định cụ thể hơn tại dự thảo về phương pháp xác định giá đất, nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến giúp tưởng minh hơn về vấn đề này.

ĐBQH: Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất - Ảnh 1
Xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. (Ảnh minh họa)

“Muốn xác định được giá đất tiệm cận giá thị trường thì cần phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất, thị trường đồng bộ. Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định quy định rõ các nội dung liên quan đến thông tin đầu vào hơn nữa để xác định giá đất” - đại biểu tỉnh Hà Nam đề xuất.

Góp ý về phương pháp xác định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp với pháp luật về quyền dân sự, về quyền cư trú đối với điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định ở Điều 48 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời cho phép chuyển đổi khi đủ điều kiện là được phép chuyển đổi trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư.

Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững. 

Về phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Về Hội đồng thẩm định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chỉ rõ thực tế, công tác xác định giá đất trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn, đó là việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, trường hợp giá gói thầu trên 100 triệu đồng thì phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đã mất rất nhiều thời gian để chọn đơn vị tư vấn giá.

Do đó, để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định trong một số trường hợp như không có đơn vị tư vấn giá đăng ký tham gia thầu hoặc dự án có tính chất đặc thù ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương thì giao cho địa phương thành lập Hội đồng khác và độc lập với Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể hoặc đơn vị tư vấn xác định giá đất trực thuộc Sở Tài nguyên môi trường có chức năng tư vấn, xác định giá đất và chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện nhằm để địa phương chủ động kịp thời quản lý và triển khai thực hiện các dự án ở địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều; trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo ban đầu lấy ý kiến nhân dân.

Đáng chú ý, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo luật lần này đã có rất nhiều quy định được bổ sung trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhân dân. Trong đó một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung và đã có đánh giá cũng tương đối sâu sắc về từng nhóm vấn đề.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH: Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.