Thứ sáu, 04/04/2025 03:38 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/12/2020 09:11 (GMT+7)

Đẩy nhanh chương trình trọng điểm điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Theo dõi KTMT trên

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị triển khai, thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN&MT biển và hải đảo đến năm 2030.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, mục tiêu của Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN&MT biển và hải đảo đến năm 2030 phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trong từng giai đoạn để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển.

Theo đó, giai đoạn 2020 – 2025 sẽ thực hiện 36 nhiệm vụ, dự án. Trong đó, Bộ TN&MT chủ trì thực hiện 21 nhiệm vụ, dự án; Bộ Quốc phòng thực hiện 6 nhiệm vụ, dự án; Bộ NN&PTNT thực hiện 2 nhiệm vụ, dự án; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện 4 nhiệm vụ, dự án; Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện 2 nhiệm vụ, dự án;  Trường Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện 1 nhiệm vụ, dự án.

Giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện 5 nhiệm vụ dự án: Bộ TN&MT thực hiện 3 nhiệm vụ, dự án; Bộ Quốc phòng thực hiện 1 nhiệm vụ, dự án; Bộ NN&PTNT thực hiện 1 nhiệm vụ, dự án.

Đẩy nhanh chương trình trọng điểm điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Internet)

Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo, hiện nay có 15 nhiệm vụ, dự án chuyển tiếp sang Chương trình trọng điểm, trong đó có 7 nhiệm vụ, dự án đang triển khai thực hiện, 8 nhiệm vụ, dự án đang trong quá trình xây dựng thuyết minh dự toán trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án mở mới đều chậm so với yêu cầu tại Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, mới có 11/36 nhiệm vụ, dự án mở mới giai đoạn 2020 -2025 đang lấy ý kiến góp ý, tiến hành các thủ tục thẩm định để phê duyệt.

Đồng thời, trong quá trình triển khai, các đơn vị gặp nhiều khó khăn do kinh phí thực hiện Chương trình trọng điểm chủ yếu được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích, huy động nguồn kinh phí khác, do vậy hiện nay các nhiệm vụ, dự án chưa đảm bảo được nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo tổng thể về tình hình triển khai Chương trình trọng điểm của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; các ý kiến tham luận của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Cục Viễn thám quốc gia và các ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nêu rõ: Các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm được triển khai chậm so với yêu cầu. Đến nay, mới có 8 trong số 36 nhiệm vụ, dự án mở mới giai đoạn 2020 -2025 được hoàn thiện thuyết minh đề cương và đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để nâng cao giá trị và hiệu quả đầu tư cao của các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đơn vị chủ trì dự án khẩn trương hoàn thành, giao nộp sản phẩm về Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT). Các đơn vị có dự án chuyển tiếp cần rà soát, đánh giá, tổng kết để điểu chỉnh mục tiêu, quy mô, nội dung dự án để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện dự án. Các đơn vị chủ trì các nhiệm vụ, dự án mở mới khẩn trương trình phê duyệt, làm căn cứ bố trí ngân sách và triển khai thực hiện từ năm 2021.

Bên cạnh đó, các đơn vị chủ trì dự án, cơ quan chủ quản cần rà soát, đề xuất, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; đề xuất cơ chế, chính sách để huy động và đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với vai trò thực hiện nhiệm vụ Văn phòng cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tích cực tham mưu, đôn đốc các dự án, phát hiện kịp thời các bất cập để kiến nghị Ủy ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục và tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án, Tổng cục hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp quản lý thực hiện Chương trình trọng điểm theo ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Đẩy nhanh chương trình trọng điểm điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.
Sắp áp hạn ngạch phát thải cho 150 doanh nghiệp lớn nhất
Chính phủ dự kiến phân bổ hạn ngạch khí nhà kính cho các cơ sở thuộc ba ngành: nhiệt điện, thép và xi măng, chiếm 40% tổng lượng phát thải toàn quốc. Cơ chế này nhằm thúc đẩy giảm phát thải và phát triển thị trường carbon trong nước.

Tin mới

Hải Phòng thu ngân sách cao kỷ lục
Ba tháng đầu năm, TP. Hải Phòng thu ngân sách đạt hơn 47.800 tỷ đồng, hơn 40% dự toán thu ngân sách cả năm nay. Đây là thông tin được công bố tại phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 3 của UBND Thành phố Hải Phòng diễn ra sáng nay (3/4).
Kinh tế Hải Dương tăng trưởng tích cực trong quý 1
UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị (mở rộng) để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, theo đó, trong 3 tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực của Hải Dương đạt mức tăng trưởng rất tích cực.