Thứ sáu, 22/11/2024 12:30 (GMT+7)
Thứ ba, 08/08/2023 06:00 (GMT+7)

Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển

Theo dõi KTMT trên

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, các doanh nghiệp, chuyên gia đều khẳng định, việc đầu tư cảng biển Trần Đề là vô cùng cần thiết, là giải pháp tối ưu để phát triển vùng ĐBSCL. Đây cũng là cánh cửa đưa khu vực này vươn ra thế giới.

Ngày 7/8, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề. Hội thảo nhằm trao đổi thông tin liên quan việc quy hoạch, định hướng phát triển cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT. Về phía tỉnh Sóc Trăng có ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các phòng ban, chuyên môn, các doanh nghiệp…

Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển - Ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: An Tran.

Mảnh ghép để đồng bộ hạ tầng giao thông

Theo bản báo cáo Triển vọng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tỉnh Sóc Trăng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại hội thảo xác định, trong khu vực, Sóc Trăng là tỉnh có vị trí nổi trội về phát triển kinh tế biển. Đó là khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, nông lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, thương cảng, dịch vụ biển, vận tải biển…Đồng thời, Sóc Trăng là đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL với đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy theo cá trục dọc và trục ngang.

Về kinh tế, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Sóc Trăng đạt 7,71%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. GRDP bình quân đầu người đạt 54,86 triệu đồng/năm.

Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển - Ảnh 2
Phối cảnh cảng Trần Đề.

Về định hướng phá triển cảng Trần Đề, mặc dù cảng biển Sóc Trăng nói chung và bến Trần Đề nói riêng được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt có chức năng của ngõ hoặc trung chuyển quốc tế nhưng UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ GTVT cần xác định quy mô đầu tư cho phù hợp với nhu cầu vận chuyển hàng hóa dự báo trên thực tế. Đồng thời, cần định hướng cảng sẽ phục vụ tàu biển đi các tuyến xa hay gần, trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông Bắc Á, Trung Đông hay Châu Âu, Châu Mỹ. Ngoài ra, định hướng về phân chia thị phần với cảng biển chung chuyển quốc tế của khu vực Nam Bộ là cảng Cái Mép – Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển - Ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương tham dự hội thảo. Ảnh: An Tran.

Đối với việc huy động vốn, đây là vấn đề cốt yếu trong đầu tư phát triển cảng Trần Đề là phải huy động được nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư. Vì thế, tỉnh cần phối hợp với Bộ GTVT đẩy mạnh hoạt động vận động, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ cũng lưu ý đến vấn đề làm rõ nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến cảng, có phân kỳ đầu tư phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng cảng và nhu cầu vận tải trên thực tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, khu vực ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, khu vực đạt được kết quả khá toàn diện, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa phát triển đồng đều, thiếu tính liên kết, chưa có cảng cửa ngõ và các trung tâm logistics.

"Hiện nay, hơn 70% hàng xuất khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên TP.HCM dẫn tới tăng chi phí, mất nhiều thời gian, giảm tính cạnh tranh, chất lượng hàng hóa".
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, thời gian gần đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung nguồn lực đầu tư khu vực ĐBSCL, nhất là về hạ tầng giao thông. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.

Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển - Ảnh 4
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: An Tran.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.

“Với những định hướng và chủ trương trên là căn cứ quan trọng để hình thành cảng Trần Đề, với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL. Đây là mảnh ghép hoàn hảo giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu khẳng định.

Vị này nói thêm, để triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã và đang khẩn trương phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề. Đồng thời, định hướng đầu tư xây dựng các khu chức năng, kết nối, logistics để phát huy hiệu quả, đồng bộ các dự án hạ tầng khác.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu quan điểm tại hội thảo, để tháo gỡ nút thắt cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, mà trọng tâm là giảm dần chi phí logistics của ĐBSCL, việc đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, là sự lựa chọn tối ưu cho vùng.

Tiếp đó, việc đầu tư cảng Trần Đề là sự phối hợp đồng bộ với hệ thống hạ tầng kết nối như các tuyến cao tốc và các hạ tầng đã, đang và sẽ được quy hoạch như sân bay.

“Theo tính toán, nghiên cứu, quy hoạch của đơn vị tư vấn, về quy mô của cảng Trần Đề là phù hợp với vai trò chức năng cảng cửa ngõ của ĐBSCL. Đầu tư cảng Trần Đề sẽ mang lại nguồn lợi. Vốn đầu tư được đưa ra không phải là đắt, có thể nói là rẻ, khả năng thu hồi là khả thi, hiệu quả. Đầu tư cho cảng Trần Đề là lựa chọn tối ưu”, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định.

Cảng Trần Đề giúp DN giảm nhiều chi phí, rủi ro

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (chuyên nuôi tôm, chế biến tôm, nông sản đông lạnh xuất khẩu) cho biết, 27 năm qua, doanh nghiệp này phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua cảng TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì cung đường khá xa, phí vận chuyển hai chiều lên đến 1.000 USD mỗi chuyến. Bên cạnh đó, vì đường xa nên tiềm ẩn nhiều rủi ro như kẹt xe, sự cố giao thông…nhiều khi hàng không tới kịp cảng, gây thiệt hại lớn.

“Khi nghe quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề, chúng tôi hết sức vui mừng. Cảng nằm sát địa bàn ĐBCSL sẽ hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp nhiều mặt, giúp giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng độ tin cậy với đối tác trong việc giao nhận hàng hóa. Việc hình thành cảng là mong đợi của các đơn vị sản xuất là các doanh nghiệp xuất khẩu”, đại diện công ty Sao Ta chia sẻ.

Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển - Ảnh 5
Tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát cảng nước sâu Trần Đề (Ảnh: Moit.gov.vn)

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Tập đoàn T&T, cho rằng cảng Trần Đề gần với các tuyến đường biển quan trọng, nằm trong khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ gắn với vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các ngành công nghiệp. Cảng Trần Đề sẽ đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối toàn bộ vùng cực nam Tổ quốc với tuyến hàng hải quốc tế, là cơ hội mở rộng cánh cửa giúp ĐBSCL đột phá vươn ra thế giới.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng Hải Việt Nam khẳng định, thực tế cho thấy, việc hàng hóa từ ĐBSCL về TP.HCM không phát huy được thế mạnh của hệ thống đường thủy nội địa trong vùng. Để tháo gỡ nút thắt, giảm chi phí logistics của vùng tiệm cận với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và khu vực, cần thiết phải hình thành một cửa ngõ vùng ĐBSCL tại ngoài khơi của Trần Đề.

Cảng Trần Đề cần bảo đảm phù hợp với vai trò, chức năng là cảng cửa ngõ làm hàng xuất khẩu trực tiếp vùng ĐBSCL, tiếp chuyển hàng hóa XNK cho Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mêkong theo các tuyến đường thủy nội địa.

“Đây là dự án mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội, an xin xã hội, an ninh quốc phòng của toàn vùng ĐBSCL. Nó còn có tính chất thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển. Tuy nhiên, do vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, cần được Nhà nước xem xét hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, hạ tầng kỹ thuật và giao thông kết nối đến hàng rào cảng nhằm tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân”, ông Trung đề xuất.

Cần chính sách đặc thù

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Trước hết cá nhân tôi hết sức ủng hộ chủ trương đầu tư cảng biển Trần Đề. Với tài liệu cơ quan chức năng trình bày tại hội thảo hôm nay, chúng ta thấy rằng đây là dự án có triển vọng rất lớn, không chỉ có ý nghĩa đối với Sóc Trăng mà có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, cảng Trần Đề có thể trở thành con đường vận chuyển hàng hoá quan trọng từ Campuchia qua Việt Nam ra biển”.

Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển - Ảnh 6
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tham dự hội thảo. Ảnh: An Tran.

Vị này cho rằng, để hiện thực hoá chủ trương đầu tư, kêu gọi được nguồn vốn rất lớn theo từng giai đoạn còn rất nhiều việc phải làm bởi tiềm năng là một chuyện, biến tiềm năng thành thế mạnh lại là việc khác.

“Theo tôi, trước hết cần rà soát lại quy hoạch, đánh giá quy hoạch thật tốt là bước đầu tiên bảo đảm cho dự án khả thi. Cho dù Trần Đề là cảng biển có tiềm năng rất lớn bởi vị trí cuối nguồn sông Hậu, là đầu mối giao thông thuỷ của khu vực, được hỗ trợ bởi tuyến cao tốc đường bộ Châu Đốc - Trần Đề, nhưng cần phải tính toán kỹ mạng lưới kết nối từ các cảng đường thuỷ nhỏ. Đặc biệt, tới đây, chúng ta đầu tư siêu cảng Cần Giờ thì vai trò của mỗi cảng như thế nào, tính kết nối, hỗ trợ lẫn nhau ra sao?”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc cũng lưu ý rằng, cần phải tính toán phân kỳ đầu tư thật tốt, bởi dự án cần số vốn rất lớn, trong bối cảnh nhiều cảng biển của Việt Nam chúng ta đang trong quá trình đầu tư, chuẩn bị đầu tư, nên thu hút nguồn lực không phải là vấn đề đơn giản. Đặc biệt, dự án chỉ có thể thành công khi được áp dụng chính sách đặc thù, vượt trội. Cho dù cảng có tiềm năng lớn, nhưng với cơ chế hiện nay thì chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư, bởi lợi nhuận đầu tư vào cảng thường không lớn, thu hồi vốn lâu. Hơn nữa, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là sản xuất hàng hoá nông nghiệp, chưa phát triển được sản xuất công nghiệp lớn nên dư địa phát triển cảng còn ở tương lai. Chính vì vậy, qua cuộc hội thảo hôm nay, điều tôi trông đợi nhất là các khuyến nghị về chính sách đặc thù, vượt trội để dự án mang tính khả thi.

Ông Tâm khẳng định: “Tôi tin rằng, với khát vọng phát triển và sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, chúng ta sẽ dần thấy hình hài của cảng Trần Đề - một cảng biển lớn tầm cỡ quốc tế. Đầu tư từ hôm nay là đầu tư cho tương lai con cháu chúng ta”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của đại biểu để đưa ra những giải pháp tối ưu trong lộ trình quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước… đầu tư cảng biển Trần Đề. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xem xét kiến nghị đầu tư cầu dẫn bằng ngân sách Nhà nước giống như đã đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư cảng biển Trần Đề là cần thiết, giải pháp tối ưu để ĐBSCL phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới