Thứ sáu, 22/11/2024 13:57 (GMT+7)
Thứ hai, 18/10/2021 07:00 (GMT+7)

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái của Viên ngọc xanh Cát Tiên

Theo dõi KTMT trên

Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý báu, có tiềm năng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái rất lớn.

Mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu

VQG Cát Tiên có tổng diện tích 71.350ha. Từ năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong VQG Cát Tiên là vùng đất ngập nước quan trọng thứ 1.499 của thế giới. 

Trước đó, năm 2001, VQG Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, như là một mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. 

VQG Cát Tiên hiện có 1.610 loài thực vật, trong đó có 38 loài có giá trị bảo tồn gen, 22 loài đặc hữu, 511 loài cây gỗ, 550 loài cây thuốc và nhiều loài có giá trị khác. Về động vật, VQG Cát Tiên đã ghi nhận được 103 loài thú, 348 loài chim, 120 loài bò sát và lưỡng thê, 130 loài cá nước ngọt, 435 loài bướm. 

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái của Viên ngọc xanh Cát Tiên - Ảnh 1
Vẻ đẹp hoang sơ tại VQG Cát Tiên.

Nhiều loài động vật quý hiếm, đặc hữu thuộc Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: Tê giác Việt Nam (Rhinoceros sondaicus unnamiticus), Gà so cổ hung (Arborophyla davidi), Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis)…

Ngăn cách VQG Cát Tiên với đời sống xã hội bên ngoài là con sông Đồng Nai uốn mình xanh trong bao quanh 73.000 ha rừng tự nhiên trải dài trên 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Hệ động thực vật phong phú và đa dạng đã tạo nên một Nam Cát Tiên nên thơ với nét tự nhiên hoang sơ. 

VQG Cát Tiên không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên có dạng khí hậu độc đáo. Cùng với địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi qui tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ. Ðây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp. 

Chính vì thế mà trong Hội thảo trực tuyến tham vấn Đề án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí VQG Cát Tiên đến năm 2030 mới được tổ chức hồi giữa tháng 9/2021, với 150 đại biểu tham dự đều đánh giá, tiềm năng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Cát Tiên là rất lớn. 

Các chương trình, sản phẩm du lịch như ngắm động vật hoang dã, ngắm thú đêm, ngắm vượn buổi sáng, xem cá sấu Xiêm ở Bàu Sấu là những điểm nhấn quan trọng. 

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái của Viên ngọc xanh Cát Tiên - Ảnh 2
VQG Cát Tiên là một trong những nơi dự trữ sinh quyển quan trọng của thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều điểm tham quan khác cũng thu hút khách du lịch trong ngày như thăm cây Tung, thăm các Trung tâm cứu hộ,... Các điểm tham quan hấp dẫn đều được bảo vệ tốt. Hệ thống cơ sở lưu trú xung quanh vườn có chất lượng tốt, giá tham quan và dịch vụ vừa phải, phù hợp với khách du lịch phổ thông.

Phát triển bền vững, đảm bảo môi trường

Theo thống kê từ năm 2016 – 2020, số lượng khách tham quan đến Vườn tăng trung bình 15%, đối tượng chủ yếu là khách du lịch trong nước.

Mặc dù được đánh giá là một trong những Vườn Quốc gia có sự phát triển tốt về hoạt động du lịch sinh thái, tuy vậy, rất nhiều điểm yếu trong hoạt động này như chi tiêu bình quân của khách du lịch còn thấp, sự tác động của khách du lịch vào môi trường, chưa tạo ra được nhiều việc làm và lợi ích từ du lịch cho cộng đồng địa phương xung quanh, các nguồn xã hội hóa đầu tư tham gia phát triển du lịch còn ít,…

Theo Ban Quản lý VQG Cát Tiên, từ năm 2012, Vườn đã phát động hạn chế sử dụng túi nilông khi vào vườn cũng như kêu gọi du khách sử dụng túi giấy để bảo vệ môi trường. Khi mới triển khai, nhân viên trong vườn cùng nhau làm túi giấy và phát miễn phí cho khách. 

Sau một thời gian, vườn đổi lại loại túi thân thiện có thể tái sử dụng nhiều lần, chất lượng tốt hơn. Việc sử dụng túi nilông khi vào Vườn giờ đã trở thành thói quen, thành quy định. Khách du lịch không tuân thủ sẽ bị từ chối phục vụ.

Ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, VQG Cát Tiên cho biết, đơn vị đang khai thác 20 tuyến du lịch, trong đó có nhiều tour đặc sắc, luôn cuốn hút du khách trong và ngoài nước. 

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái của Viên ngọc xanh Cát Tiên - Ảnh 3
Gềnh đá Bến Cự bên trong VQG Cát Tiên.

Vườn có một đơn vị chuyên quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật rừng; Nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, môi trường; Tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái. Nhờ đó, VQG Cát Tiên đã trở thành viên ngọc xanh, có tầm ảnh hưởng quan trọng không chỉ về môi trường mà còn đến cuộc sống của cộng đồng trong khu vực. 

“Điều đặc biệt ở trung tâm du lịch của VQG Cát Tiên là tất cả thực đơn trong các dãy nhà hàng không có món thịt rừng. Du khách mang thịt rừng từ ngoài vào cũng không được. Nhân viên nhà hàng nào để du khách sử dụng thịt thú rừng coi như tự sa thải mình”, ông Việt khẳng định.

Bên cạnh đó, hồi tháng 7/2021, Tổng cục Lâm nghiệp cùng với Ban quản lý VQG Cát Tiên đã ký thỏa thuận tài trợ thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên” với Tổ chức hợp tác rừng châu Á (AFoCO) với tổng kinh phí gần 1,3 triệu USD. Chương trình này được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên” sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 nhằm cải thiện công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm.

Cụ thể, dự án sẽ thực hiện các hoạt động nhằm các mục tiêu: Nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở địa phương. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và tác động xã hội đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên từ đó đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp. Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thử nghiệm các mô hình cải thiện sinh kế bền vững cho người dân sống ở vùng đệm.

Những nội dung trong dự án này sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì và phát triển nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tại VQG Cát Tiên trong tương lai.

Nguyễn Thật

Bạn đang đọc bài viết Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái của Viên ngọc xanh Cát Tiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh niên 9x khởi nghiệp với hoa cẩm cù
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Tin mới