Đại dịch Covid-19 có thể khiến GDP năm 2020 tăng dưới mốc 6%
Do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Covid-19, Bộ Kế hoạch Đầu tư dự báo hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020, tương ứng giả thiết dịch Covid-19 được khống chế trong quý 1/2020 và quý 2/2020. Nếu dịch bệnh kéo dài tới quý 2, tăng trưởng GDP năm 2020 có thể chỉ đạt mức 5,96%.
Chiều 12/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19); đồng thời cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà đầu tư mới có thể dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dịch bệnh do virus Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Theo đó, nếu khống chế được dịch trong quý 1/2020 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo ở mức 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, quý 1 tăng trưởng ở mức 4,52%; quý 2 tăng 6,08%; quý 3 tăng 6,92% và quý 4 dự kiến tăng 6,81%.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý 1/2020; trong đó, quý 1 sẽ tăng 4,52%; quý 2 tăng 5,1%; quý 3 tăng 6,70% và quý 4 tăng 6,81%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lý giải nguyên nhân dẫn tới việc CPI tăng cao đến từ nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn...) tăng cao. Trong khi giá thực phẩm tươi sống, các dịch vụ ăn uống - vui chơi, giải trí ngoài gia đình sẽ giảm trong ngắn hạn. Trường hợp dịch kéo dài sang quý 2, báo cáo dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ giảm theo xu hướng thế giới.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu về cơ bản sẽ giảm. Các mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng chính gồm nông lâm thủy sản, giày dép, điện thoại và các loại linh kiện điện tử, mức giảm dự báo khoảng từ 22-40% tổng giá trị so với quý 1/2019. Hoạt động nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sẽ đối mặt với sự thiếu hụt đối với các mặt hàng tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng.
Nhất là ngành da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý 2 sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày Việt Nam.
Dịch Covid-19 có thể khiến GDP năm 2020 tăng dưới mốc 6%. |
Cũng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virut Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.
Riêng đối với ngành vận tại, vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch thì đã hủy toàn bộ chuyến.
Vận tải đường bộ và đường sắt, xe buýt, taxi cũng bị sụt giảm về sản do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.
Các ngành dịch vụ khác như kinh doanh lưu trú, du lịch gặp nhiều khó khăn do khách hàng hủy tour, hủy đặt phòng, hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng do tâm lý người dân hạn chế đến những nơi đông người.
Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dịch cúm gia cầm H5N6, H5N1 trong thời gian tới, thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ, dịch nCoV.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dịch nCoV không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, mà khu vực sản xuất, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.
Cơ cấu kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ nhiều điểm yếu và khả năng chống chịu trước tác động từ bên ngoài, từ đó đưa ra khuyến nghị đẩy nhanh các giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019; trong đó Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN, tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam.
Nguyễn Luận