Đại dịch Covid-19 cản trở nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Các nỗ lực giúp các nước châu Phi thích ứng với những rủi ro khí hậu hay tái thiết sau thiên tai vốn đã tiến triển chậm, nay lại bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Các nỗ lực giúp các nước châu Phi thích ứng với những rủi ro khí hậu hay tái thiết sau thiên tai vốn đã tiến triển chậm, nay lại bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Đây là cảnh báo của các nhà lãnh đạo châu Phi đưa ra trong cuộc họp trực tuyến do Trung tâm Thích ứng Toàn cầu (GCA) và Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) tổ chức ngày 6/4.
Các nhà lãnh đạo cũng đề nghị đẩy nhanh các nỗ lực bởi biến đổi khí hậu không thể chờ để đối phó với Covid-19
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch AfDB Akinwumi Adesina cho biết hiện chỉ 3% nguồn tài trợ chống biến đổi khí hậu của quốc tế đến được với "Lục địa Đen."
Đầu năm nay, AfDB đặt mục tiêu gây quỹ 25 tỉ USD đến năm 2025 để thúc đẩy hành động khí hậu ở châu Phi, trong đó ít nhất 50% quỹ dành để hỗ trợ các dự án nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước hạn hán, bão, lũ và nước biển dâng ngày một nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến các nền kinh tế và các quỹ dành cho phát triển trên khắp thế giới, việc gây quỹ của AfDB càng trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, Tổng thống Gabon, ông Ali Bongo, cảnh báo nếu châu Phi không thể làm dịu tác động của biến đổi khí hậu, 25 tỉ USD sẽ là số tiền mà "Lục địa Đen" cần mỗi năm. Theo ông Bongo, bão, lũ và hạn hán đang ngày một khắc nghiệt hơn và diễn ra thường xuyên hơn, khiến mùa màng thất bát, kéo theo người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum thì cho rằng Covid-19 đã kéo nền kinh tế đi xuống, khiến tỉ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng, đẩy những thanh niên trẻ không có việc làm vào các nhóm tội phạm có tổ chức và khủng bố.
Về phần mình, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu đối với các nền kinh tế châu lục. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra các hành động chống biến đổi khí hậu để giúp phát triển bền vững và các kế hoạch phục hồi xanh hậu Covid-19.
Tổng thống Kenya cho biết đại dịch Covid-19 đã đẩy hơn 40 triệu người châu Phi vào cảnh nghèo cùng cực và tất cả các nước châu Phi sẽ cần tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài chính để phục hồi nền kinh tế và duy trì việc phục hồi với việc phát thải thấp CO2, ổn định và bao trùm.
Hiện Kenya đã triển khai các nguồn lực đáng kể trong nước để đẩy mạnh nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, ông cũng kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân và hỗ trợ nhiều hơn từ các đối tác phát triển để giúp châu Phi đạt được chương trình nghị sự thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tấn Đạt - Ngọc Hà