Thứ bảy, 23/11/2024 22:22 (GMT+7)
Thứ hai, 05/08/2024 15:20 (GMT+7)

Đà Nẵng: Bất an với phương tiện chở phế thải xây dựng gây ô nhiễm giữa phố du lịch

Theo dõi KTMT trên

Nhiều xe ô tô chở đất lưu thông trên các tuyến đường của TP. Đà Nẵng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân và khách du lịch tham quan...

Mục tiêu xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” đã trở thành nội dung được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân. Tháng 4/2021, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường giai đoạn 2021 - 2030” nhằm đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương. Việc triển khai thực hiện Đề án giai đoạn này có mục tiêu, các tiêu chí hết sức rõ ràng, mang tính hệ thống, đảm bảo huy động các nguồn lực và lộ trình thực hiện.

Hằng năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; trong giai đoạn 2021 - 2023, TP. Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác BVMT bằng các hành động hết sức cụ thể như: Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đồng thời, thành phố cũng chủ động hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành, các địa phương.

Điều đó cho thấy Đà Nẵng rất chú trọng việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và điều kiện sống của người dân, du khách. Chính những việc làm mang tính kiên quyết đó đã tạo nên một Đà Nẵng đáng sống như hiện nay.

Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam từng cho rằng, ở đô thị lớn, việc xây dựng, phá công trình cũ để làm các công trình mới diễn ra thường xuyên và liên tục. Nhiều công trình không được che chắn theo quy định; phát tán bụi cả trong và ngoài công trường. Tuy nhiên, số công trình bị phạt nặng hay đình chỉ thi công do gây bụi thì rất ít.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, các chuyên gia cho rằng, các tổ chức, cá nhân khi tháo dỡ công trình cần tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường. Các đơn vị thi công hè, đường phải nghiêm khắc hơn trong việc "làm gọn, dọn sạch" - không để vương vãi cát, xi măng, phế thải... sau khi thi công.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng theo phân cấp cần tăng cường giám sát, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, phải chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý.

Cũng liên quan đến câu chuyện ô nhiễm môi trường từ hoạt động vận chuyển chất thải xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng, vừa qua một số người dân phường Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng thành phố, cần vào cuộc kiểm tra xử lý tình trạng xe chở đất phế thải từ Công trình xây dựng khách sạn tại giao lộ Hoàng Kế Viêm và An Thượng 6 (phường Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) chạy ra đường gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân, ảnh hưởng đến khách du lịch và mỹ quan đô thị.

Theo đó, ghi nhận của Phóng viên, tuyến đường Hoàng Kế Viêm có chiều dài 840m, rộng 7,5m, lề 4m, nằm trong khu dân cư Bắc Mỹ An. Điểm đầu trên đường Châu Thị Vĩnh Tế, điểm cuối giao với đường Võ Nguyên Giáp, tuyến đường thuộc Khu phố du lịch An Thượng, các hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn cực kỳ nhộn nhịp. Đường phố giao cắt: Mai Thúc Lân, Lê Quang Đạo, Trần bạc Đằng.

Tuy nhiên, từ khi công trình xây dựng khách sạn tại giao lộ Hoàng Kế Viêm và An Thượng 6 đi vào triển khai xây dựng, thì tình trạng các xe ô tô tập kết chở đất khiến ô nhiễm môi trường tăng lên, gây tắc đường và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Đà Nẵng: Bất an với phương tiện chở phế thải xây dựng gây ô nhiễm giữa phố du lịch - Ảnh 1
Xe tải lớn ra vào trung chuyển đất, đá, chất thải trên tuyền đường cấm Hoàng Kế Viêm.

Ông Nguyễn Văn Long (người dân buôn bán trên đoạn tuyến) chia sẻ: “Tôi bán đồ ăn vặt, nước uống cho du khách khu vực này đã khá lâu nhưng thời gian gần đây tình trạng xe tải lớn ra vào đoạn đường với mật độ dày, nên nhiều lúc đoạn đường kẹt cứng, cùng với đó do là đoạn đường cấm nên các tài xế khi đi qua đều chạy nhanh để tránh bị phát hiện, rất nguy hiểm…

Đà Nẵng: Bất an với phương tiện chở phế thải xây dựng gây ô nhiễm giữa phố du lịch - Ảnh 2
Đoạn tuyến luôn trong tình trạng xung đột giao thông

Tại thời điểm PV có mặt ghi nhận nhiều xe tải lớn ngang nhiên ra vào vận chuyển đất thải từ dự án, xe chạy với tốc độ cao, che chắn sơ sài, đất, đá rơi vãi gây bụi bẩn và ô nhiễm môi trường.

Đà Nẵng: Bất an với phương tiện chở phế thải xây dựng gây ô nhiễm giữa phố du lịch - Ảnh 3
Sau khi lấp đầy hàng, các phương tiện phóng nhanh ra đường Võ Nguyên Giáp để đến nơi tập kết.

Một số người dân sinh sống gần tuyến đường cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do sự thiếu ý thức, không chấp hành pháp luật về giao thông của nhiều tài xế ô tô. Trong đó, đơn vị thi công dự án phớt lờ mọi cảnh báo, họ ngang nhiên tự cho mình quyền điều động phương tiện vào đoạn đường để trung chuyển, trong khi đoạn tuyến đã được ngành chức năng thông báo cấm xe tải lớn lưu thông vận chuyển.

Đà Nẵng: Bất an với phương tiện chở phế thải xây dựng gây ô nhiễm giữa phố du lịch - Ảnh 4
Mặc dù vận chuyển chất thải xây dựng nhưng các xe che chắn sơ sài khi lưu thông tốc độ cao, thường xảy ra rơi vãi, bụi bẩn.

Bà Huỳnh Thị Nhung người dân trong khu phố bày tỏ: “Nhiều lúc đang đi mà thấy cảnh xe tải lớn chở đất, đá bất chấp phóng nhanh, bóp còi inh ỏi, tôi rất bức xúc. Tuyến đường thì nhỏ xe lớn chạy lấn nhau rất nguy hiểm cho người cùng tham gia. “Việc xử lý mạnh tay với các phương tiện, đối tương vi phạm luật giao thông là điều rất cần thiết”.

Vào sáng các ngày, 30 - 31/7 và 01 - 2/8,  phóng viên ghi nhận bên trong dự án 1 xe máy xúc lớn múc đất lên các phương tiện, xuất hiện tình trạng phế thải xây dựng, sinh hoạt như; đất đá, trạc thải, bê tông, rác thải sinh hoạt, bao bì, rác thải sinh hoạt, bao tải rứa,....

Đà Nẵng: Bất an với phương tiện chở phế thải xây dựng gây ô nhiễm giữa phố du lịch - Ảnh 5
Trước đó, lực lượng Thanh tra giao thông Đà Nẵng đã phát thông báo vi phạm đối với các phương tiện, nhưng sự việc vẫn tái diễn hàng ngày.

Theo quy định hiện hành, chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và các cơ sở, khu vực xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng đã được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt. 

Theo đại diện Thanh tra giao thông, Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, vụ việc đã được lực lượng thanh tra phát hiện trước đó và đã cảnh báo các cá nhân, phương tiện vi phạm, đã gửi giấy mời yêu cầu chủ phương tiện lên làm việc và xử phạt theo quy định.

Tuy nhiên, khi vắng mặt lực lượng chức năng, một số chủ phương tiện vẫn có hành vi vi phạm. Lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra để xử lý triệt để vấn đề này.

Tạp chí Financial Times từng nhận định Đà Nẵng là một trong những thành phố có môi trường đầu tư tốt nhất Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cũng cùng chung nhận định. "Bản thân Đà Nẵng có những tiềm năng, hữu xạ tự nhiên hương. Người ta quan tâm đến Đà Nẵng vì thấy đây là nơi có thể kinh doanh tốt, đầu tư tốt", chuyên gia Võ Trí Thành nhận xét. 

Tạp chí  Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Phạm Trọng Nghị

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Bất an với phương tiện chở phế thải xây dựng gây ô nhiễm giữa phố du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới