Thứ bảy, 23/11/2024 00:47 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 08:00 (GMT+7)

'Đã có bài học kinh nghiệm về nguyên liệu làm cao tốc Bắc - Nam'

Theo dõi KTMT trên

Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) khi Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết, vấn đề mỏ nguyên liệu cho dự án được các đại biểu đặt nhiều hoài nghi.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng chia sẻ với báo chí: “Một trong những thách thức lớn với đầu tư công là vùng nguyên liệu. Khi làm đường, nguyên liệu đất đá để san lấp nền không phải nơi nào cũng sẵn sàng. Ở phía Bắc, đường qua đồi qua núi thì cứ bạt đồi bạt núi là có đất mà đắp đường. Nhưng tại đồng bằng sông Cửu Long là phải chở từ chỗ khác đến, phải có nhiều mỏ công suất rất lớn mới đáp ứng được nhu cầu đất đá để san nền làm đường”.

Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn lớn mà dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) gặp phải cũng chính là vấn đề thiếu trầm trọng mỏ nguyên liệu. Do vậy, khi Quốc hội họp bất thường xem xét thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025), vấn đề mỏ nguyên liệu một lần nữa lại được đại biểu đặc biệt quan tâm.

'Đã có bài học kinh nghiệm về nguyên liệu làm cao tốc Bắc - Nam' - Ảnh 1
Khi làm đường, nguyên liệu đất đá để san lấp nền không phải nơi nào cũng sẵn sàng. (Ảnh minh họa)

Về nguồn cung nguyên vật liệu cho dự án cao tốc Bắc – Nam được các đại biểu hoài nghi

Tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 10/1, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhận định trong giai đoạn 2022-2023, sẽ có nhiều dự án quan trọng trên cả nước được khởi công theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng lớn hơn rất nhiều so với trước.

'Đã có bài học kinh nghiệm về nguyên liệu làm cao tốc Bắc - Nam' - Ảnh 2

Đại biểu Nga cho biết, trong Tờ trình của Chính phủ nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình này có nêu sơ bộ giải pháp rằng ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương đánh giá cụ thể về nhu cầu sử dụng, nguồn cung cấp vật liệu, hiện trạng khai thác. Trên cơ sở đó sẽ phối hợp với các địa phương triển khai ngay việc điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết và thực hiện nâng công suất, gia hạn các mỏ đang khai thác, cấp phép mỏ mới, đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu cho dự án.

Đại biểu Nga phân tích: "Như vậy, việc đánh giá nhu cầu sử dụng vẫn đi sau, bị động và chưa có gì đảm bảo chúng ta sẽ khai thác đủ nguyên vật liệu để tiến hành dự án trong thời gian đã nêu”.

Cũng theo đại biểu này, việc nâng công suất khai thác, cấp phép mỏ mới nếu làm vội vã, thiếu thận trọng và thiếu sự đánh giá kỹ lưỡng sẽ để lại nhiều hậu quả, tác động rất xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân.

Quan ngại vấn đề thiếu nguyên liệu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thời hạn thực hiện dự án, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất Quốc hội xem xét không nhất thiết phải hoàn thành cơ bản dự án cao tốc Bắc - Nam trong năm 2025 mà xem xét lùi thời gian hoàn thành sang năm 2026.

'Đã có bài học kinh nghiệm về nguyên liệu làm cao tốc Bắc - Nam' - Ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

"Việc đánh giá nhu cầu sử dụng vẫn đi sau, bị động và chưa có gì đảm bảo chúng ta sẽ khai thác đủ nguyên vật liệu để tiến hành dự án trong thời gian đã nêu".

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến các dự án đầu tư công chậm tiến độ là thiếu mỏ nguyên liệu. Do đó, theo ông rất cần có sự vào cuộc quyết liệt trong việc chuẩn bị cho phương án thi công tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2.

'Đã có bài học kinh nghiệm về nguyên liệu làm cao tốc Bắc - Nam' - Ảnh 4
Đại biểu Trần Đình Gia.

“Sắp tới chúng ta triển khai dự án cao tốc Bắc Nam mà nói bảo đảm bảo đáp ứng được nguyên liệu thì tôi thấy hoài nghi".

Căn cứ từ thực tế các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, đại biểu Hoàng Văn Hữu (Bắc Kạn) thì chỉ ra bài học đắt giá: “Công tác chuẩn bị chưa lường hết những khó khăn phát sinh khi nhiều dự án đồng loạt triển khai dẫn đến thiếu vật liệu cục bộ, giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức đầu tư của dự án”.

Đại biểu này cũng bày tỏ sự đồng tình với việc Chính phủ cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng làm vật liệu thông thường, qua đó thực hiện dự án như dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, để đảm bảo công tác quản lý, đại biểu đề xuất Chính phủ sớm có văn bản chỉ đạo các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch mỏ, kế hoạch khai thác, đảm bảo cho triển khai thi công đáp ứng yêu cầu cung cấp vật liệu cho dự án.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) kiến nghị Chính phủ rà soát kỹ, đánh giá, hoàn tất các thủ tục về cấp phép khai thác mỏ mới, gia hạn nâng công suất đối với các mỏ vật liệu, quản lý giá vật liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường, đời sống dân sinh trong quá trình khai thác và cung cấp vật liệu xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: "Đã rút được bài học kinh nghiệm"

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề mỏ nguyên liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ rút kinh nghiệm bài học từ quá trình triển khai dự án cao tốc giai đoạn 1.

'Đã có bài học kinh nghiệm về nguyên liệu làm cao tốc Bắc - Nam' - Ảnh 5
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu trước Quốc hội chiều 10/1 (Ảnh: Media Quốc hội)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Trong giai đoạn 2, sẽ giao nhiệm vụ cho tư vấn ngay từ bước lập dự án để xác định đầy đủ các mỏ đất, những mỏ đất đang khai thác thì mở rộng được bao nhiêu, những mỏ đất nằm trong quy hoạch đã có rồi sẽ làm thủ tục mở mỏ ngay, những chỗ chưa có đủ mỏ đất thì chúng ta phải khảo sát địa chất để bổ sung mỏ và đưa vào quy hoạch của địa phương, sẽ tiến hành mở các mỏ đất để đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi cũng đã rút được bài học kinh nghiệm”.

Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2: “Chúng tôi nghĩ đây là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Nếu các đại biểu Quốc hội ủng hộ thì xem như đã ủng hộ tinh thần. Đây là yếu tố quyết định để Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng bày tỏ kỳ vọng.

Vấn đề thời gian triển khai dự án, Bộ trưởng cho biết sẽ nỗ lực hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 vào cuối năm 2025.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Đã có bài học kinh nghiệm về nguyên liệu làm cao tốc Bắc - Nam'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới