Cục trưởng Cục Khoáng sản yêu cầu khẩn trương đóng cửa mỏ đã khai thác bô xít ở Đắk Nông
Cục trưởng Cục Khoáng sản Nguyễn Trường Giang chỉ đạo làm nhanh các thủ tục đóng cửa mỏ bô xít tại Đắk Nông. Hiện đơn vị đã khai thác 425,8ha, hoàn thành 368,44ha và trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường 123,23ha.
Ngày 5/4, Hội đồng thẩm định Đề án Đóng cửa mỏ đã có buổi làm việc với Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV về việc đóng cửa mỏ khai thác bô xít ở Đắk Nông.
Chỉ đạo ý kiến tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Khoáng sản Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện nay, cơ sở pháp lý cho việc đóng cửa mỏ, trả một phần diện tích cho địa phương đã cơ bản hoàn thành. Các đơn vị liên quan có thể hoàn toàn yên tâm triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
"Đối với đặc thù khai thác bô xít, thời gian khai thác ngắn, diện tích chỉ có khoảng từ 5-7m bề mặt. Do đó, vấn đề phục hồi, cải tạo trả lại địa phương để phát triển kinh tế, xã hội là cần thiết", ông Giang nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Khoáng sản Nguyễn Trường Giang cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng làm các thủ tục đóng cửa mỏ bô xít tại Đắk Nông. Cục Khoáng sản đề nghị, Công ty Cổ phần Tin học, công nghệ, môi trường - Vinacomin (VITE) tiếp thu các ý kiến của hội đồng để sớm hoàn chỉnh đề án đóng cửa mỏ, nhanh nhất là 8/4/2024 là phải có.
Đặc biệt, phần quan trọng nhất là TKV làm việc với tỉnh Đắk Nông để có quy hoạch tổng thể cho hơn 3.000ha được cấp phép khai thác.
Các đơn vị cần phải có trách nhiệm cao nhất, chạy đua với thời gian sớm hoàn thiện thủ tục, để trình Bộ TN&MT làm hồ sơ đóng cửa mỏ, ra quyết định trả về cho địa phương quản lý.
Các bên rà lại các quy định, nếu cho phép sẽ nghiên cứu tích hợp luôn cả về phê duyệt đề án và quyết định đóng cửa mỏ, giúp giảm thời gian, bớt thủ tục.
TKV, Cục Khoáng sản Việt Nam phải đồng hành cùng địa phương, vừa bảo đảm quy định pháp luật, vừa phù hợp với điều kiện thực tế.
Được biết, hiện nay trên phần diện tích đã được cấp phép khai thác khoáng sản 3.074ha, Công ty Nhôm Đắk Nông đã thuê đất 481,22ha. Đơn vị đã khai thác 425,8ha; hoàn thành 368,44ha; trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường 123,23ha.
Khu vực đóng cửa mỏ 130ha thuộc phần diện tích đã khai thác và hoàn thành tại địa phận các xã Đắk Wer và Nghĩa Thắng. Trong đó, 111,7ha có trữ lượng đã khai thác, hoàn thành và 18,3ha không có trữ lượng khai thác, thuộc phần rìa ngoài thân quặng và hồ nước.
Đối với khu vực này, Công ty Nhôm Đắk Nông đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường như: Trồng cây 69,18ha; diện tích tuyến đường giao thông chăm sóc cây 24,39ha; diện tích hồ chứa nước 23,61ha; diện tích chưa bị tác động bởi dự án 12,82ha (phần diện tích không có trữ lượng)...
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm trưởng đoàn ngày 12/3, tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay quy định về thu hồi khoáng sản bô xít đang gặp vướng mắc đối với hầu hết công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Thực trạng này đang khiến các dự án tái định cư, đầu tư công… trong khu vực quy hoạch mỏ phải tạm dừng. Việc tận thu, vận chuyển quặng bô xít tại hầu hết các dự án theo quy định không hiệu quả do chi phí cao. Trong khi đó, với đặc thù địa hình, việc đào đắp tận thu quặng bô xít sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí.
Ngoài ra, địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi, đất san lấp) trong vùng quy hoạch mỏ bô xít. Toàn tỉnh hiện có hơn 80 mỏ đang vướng những khó khăn nêu trên. Theo quy hoạch, tỉnh có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 293 nghìn ha, chiếm khoảng 47% tổng diện tích tự nhiên nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong sử dụng đất, triển khai các dự án ổn định, tái định cư, định canh cho dân di cư không theo quy hoạch.
Hiện Đắk Nông đang gặp khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề liên quan đánh giá tổng thể tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô; kinh phí số hóa cơ sở dữ liệu địa chính; kinh phí cho dự án đo đạc, cấp đất từ các nông lâm trường… nên tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo hỗ trợ, sớm tháo gỡ để phát triển địa phương.
Đắk Nông là địa phương có trữ lượng bô xít lớn với hơn 1,3 tỷ tấn quặng tinh. Đây được coi là động lực, lợi thế cạnh tranh để Đắk Nông phát triển. Tuy nhiên, nếu không khai thác nhanh, bền vững thì đây lại là rào cản đối với địa phương.
Vào năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.
VIASEE nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bô xít Tây Nguyên. Những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít của các nhà khoa học VIASEE đã được hội đồng soạn thảo đánh giá rất cao, rất có ý nghĩa khi áp dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch đến triển khai trên thực tế tại Đắk Nông là một chặng đường dài, gian nan và còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết. Vì vậy, tháng 5/2024 tới đây, VIASEE sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Nông triển khai chương trình Hội thảo với chủ đề: “Kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến quặng bô xít gắn với phát triển an sinh xã hội tại Đắk Nông”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp, người dân và cơ quan thông tấn báo chí hiểu rõ hơn về chủ trương của tỉnh Đắk Nông. Đó là tiếp tục được khai thác, chế biến bô xít gắn với phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội trên địa bản tỉnh nói riêng và ngành công nghiệp chế biến khoáng sản hiếm nói chung.
Anh Thư