Thứ sáu, 22/11/2024 22:39 (GMT+7)
Thứ năm, 13/01/2022 16:00 (GMT+7)

Cú "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh có khiến thị trường bất động sản thêm hệ lụy?

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá tỷ đô tại Thủ Thiêm. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, chứng khoán cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.

Thị trường thêm hệ lụy, doanh nghiệp mất tiền

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tỷ đô tại KĐT mới Thủ Thiêm với mức giá lên đến gần 2,4 tỷ đồng/m2, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng động thái này không quá bất ngờ và đã được nhiều người dự báo từ trước.

Cú “địa chấn” này đã xuất hiện không phải hoàn toàn do thông tin doanh nghiệp bỏ cọc mà nó đã được đặt ra từ lúc giá trúng đấu giá kỷ lục lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 được xác lập. Đây là một cuộc đua về giá vượt qua mọi logic thông thường, có thể do trong cuộc đấu giá các bên tham gia đã quá “say mồi”. Thông tin doanh nghiệp bỏ cọc cũng đã nằm trong dự đoán của nhiều người, ông Thiên cho hay.

Cú "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh có khiến thị trường bất động sản thêm hệ lụy? - Ảnh 1
Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm. Ông chủ Tân Hoàng Minh đã lên tiếng, xin rút khỏi lô đất ở Thủ Thiêm đã trúng đấu giá. (Ảnh: Quang Duy)

Theo nhận định của ông Thiên, việc doanh nghiệp bỏ cọc lô đất đấu giá tỷ đô nguyên nhân thực sự có lẽ chỉ có doanh nghiệp mới biết tuy nhiên hệ lụy là rõ ràng.

Đầu tiên nó đã tạo ra một cơn sốc khiến mọi giao dịch “đứng lại” khiến dòng tiền bị chững lại và quan trọng hơn nó làm thay đổi chuẩn mực về giá cả. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp đang phải chờ cơ quan thuế xem xét lại cũng như có không ít dự án dừng lại việc ra hàng để nghe ngóng diễn biến về giá.

Cú "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh có khiến thị trường bất động sản thêm hệ lụy? - Ảnh 2
PGS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Về việc ảnh hưởng của việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm với thị trường BĐS, PGS Trần Đình Thiên ví như “một cái tăm cắm đúng vào huyệt của lực sĩ” khi chỉ 1 hecta đất có thể khiến toàn bộ thị trường bị ảnh hưởng.

Cú "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh có khiến thị trường bất động sản thêm hệ lụy? - Ảnh 3
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đồng tình với quan điểm trên, chia sẻ nhanh với Diễn đàn Doanh nghiệp cho rằng, những hệ lụy đặt ra khi doanh nghiệp bỏ cọc chắc chắn là rất xấu. Bản thân doanh nghiệp khi bỏ cọc đương nhiên mất gần 600 tỷ tiền cọc, một số tiền không hề nhỏ.

TS Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh: "Bên cạnh đó, mức giá đấu quá lớn so với mặt bằng chung khiến thị trường “đứng hình” do giá kỳ vọng bị đẩy lên quá cao, nhiều dự án tạm dừng ra hàng để nghe ngóng. Những hậu quả gây ra cho thị trường BĐS và cả nền kinh tế cũng là không nhỏ".

Cần giải pháp căn cơ

Theo các chuyên gia, việc một doanh nghiệp trúng đấu giá rồi bỏ cọc là không hiếm, tuy nhiên đối với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm do giá trị trúng đấu giá là rất lớn nên đã được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của cả dư luận và các cơ quan chức năng.

Chia sẻ của nhiều chuyên gia và nhà quan sát quan điểm cho rằng, từ những tác động tiêu cực mà vụ bỏ cọc đấu giá đất tỷ đô tại Thủ Thiêm các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xem xét một cách nghiêm túc để có những giải pháp thực sự căn cơ nhằm điều tiết hoạt động đấu giá đất theo hướng vừa đảm bảo không thất thoát ngân sách vừa tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay, “sự cố” bỏ cọc đấu giá đất tỷ đô tại Thủ Thiêm đặt ra vấn đề cho các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để dự phòng trước những diễn biến tương tự trong tương lai để có những giải pháp phù hợp.

Cú "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh có khiến thị trường bất động sản thêm hệ lụy? - Ảnh 4
Hạ tầng nội khu của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh minh họa: Quang Nhựt/TTXVN)

Ông Thiên nhấn mạnh: "Việc trúng đấu giá rồi bỏ cọc là bình thường nhưng cần phải có những điều kiện ràng buộc để những tình huống cực đoan không xảy ra nữa. Cần xem xét lại toàn diện các quy tắc về đấu giá tài sản nói chung, đặc biệt là đấu giá đất nhằm chống thao túng, chi phối, đảm bảo công khai, minh bạch".

Cần xem lại các quy định của pháp luật trong các hoạt động đấu giá để tránh được cả việc đưa giá thấp hoặc đẩy giá quá cao vì các mục đích khác có thể gây ra các hệ lụy. "Hiện nay chúng ta đã xử lý những trường hợp cấu kết bỏ giá thấp nhưng cũng cần có chế tài để xử lý việc đẩy giá cao vô lý có mục đích. Nếu doanh nghiệp, cá nhân đã vi phạm có thể sẽ không cho tham gia đấu giá nữa", TS Đính nêu quan điểm.

Nhận định về câu chuyện đấu giá cao, bỏ cọc và các hệ lụy, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đặt vấn đề cần có cách nhìn với đất đai một cách hợp lý để đảm bảo sự hài hòa lợi ích từ đất đai.

Ông Thiên phân tích: "Những hệ lụy về xã hội là cần tính đến khi một mảnh đất GPMB cho người dân không cao nhưng giá doanh nghiệp đấu giá lên quá cao. Việc này xuất phát từ việc giá đất thị trường và giá nhà nước định đang không sát".

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cú "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh có khiến thị trường bất động sản thêm hệ lụy?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới