Thứ bảy, 27/07/2024 06:56 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/06/2023 15:40 (GMT+7)

Công tác quản lý bến thủy nội địa tại TP.HCM còn nhiều khó khăn

Theo dõi KTMT trên

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, việc cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa của các địa phương còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ đề ra theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong công tác công bố, quản lý hoạt động bến thủy nội địa.

Trước đó, theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, trong quý 1/2023, Thanh tra Sở đã chủ trì, phối hợp cùng Cảng vụ Đường thủy nội địa TP. HCM, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III đã kiểm tra, rà soát các cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động không phép trên địa bàn TP. HCM và ghi nhận có tổng cộng 52 bến thủy nội địa đang hoạt động không có giấy phép.

Trong tổng số 52 bến thủy nội địa không phép, có 3 bến thủy nội địa không phép đang hoạt động trên các tuyến sông, kênh, rạch do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III quản lý: Bến Long Phú, bến Ngọc Thành trên sông Đồng Nai (phường Long Bình, TP. Thủ Đức)…

Công tác quản lý bến thủy nội địa tại TP.HCM còn nhiều khó khăn - Ảnh 1
Bến thủy nội địa không phép tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông đường thủy; an toàn bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. HCM.

Có 49 bến thủy nội địa hoạt động trên các tuyến sông, kênh rạch do Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM quản lý. Các bến này chủ yếu là vận chuyển vật liệu xây dựng, neo đậu sửa chữa đóng phương tiện… Cụ thể, tại quận 8 (4 bến), huyện Bình Chánh (12 bến) TP. Thủ Đức (15 bến), quận 12 (1 bến) huyện Hóc Môn (5 bến), huyện NHà Bè (4 bến), huyện Cần Giờ (5 bến)…

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, Sở đã có hướng dẫn UBND các địa phương trong công tác quản lý tại đối với các bến thủy nội địa sau khi được Sở công bố hoạt động.

Hiện nay, trên địa bàn TP. HCM có 78 bến thủy nội địa xếp dỡ vật liệu xây dựng ở TP do Sở Giao thông Vận tải công bố hoạt động, còn hiệu lực. Các bến thủy nội địa bảo đảm các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định. Các chủ bến thủy nội địa, chủ phương tiện, thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện đã nhận thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, để chuyển đổi quy hoạch, định hướng tổ chức quản lý các bến thủy nội địa, UBND TP.HCM đã giao các địa phương cập nhật 411 vị trí định hướng đầu tư xây dựng bến thủy nội địa giai đoạn 2020-2030 vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện, tuy nhiên công tác cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa của địa phương còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ đề ra theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong công tác công bố, quản lý hoạt động bến thủy nội địa.

Chính vì vậy, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM kiến nghị, các vị trí bến thủy nội địa ưu tiên cập nhật quy hoạch trong năm 2023 làm cơ sở để Sở tiếp tục thực hiện công bố gia hạn hoạt động bến trên địa bàn Thành phố. Qua đó nhằm đảm bảo các điều kiện pháp lý để thực hiện đầu tư xây dựng mới các vị trí bến thủy nội địa nhằm phát triển vận tải hành khách, du lịch bằng đường thủy.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Công tác quản lý bến thủy nội địa tại TP.HCM còn nhiều khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.