Công bố Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam - 2023”
Cuộc thi Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023 lần đầu được tổ chức trên phạm vi toàn quốc với 12 dòng nhạc Dân ca và Bolero.
Ngày 28/6, tại Nhà khách chính phủ 35 Hùng Vương, Hà Nội. Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ VIPTAM và Công ty Cổ phần truyền thông sự kiện D&B long trọng tổ chức buổi Công bố Báo chí, ra mắt cuộc thi: “Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023”, cuộc thi được kỳ vọng sẽ góp phần trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trong thời đại mới.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện Cuộc thi với quy mô lớn chưa từng có. Với 12 dòng nhạc Dân ca và Bolero kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trên phạm vi toàn quốc như: Dân ca Bắc Bộ, Dân ca Quan họ, Sân khấu Chèo, Dân ca Trung Bộ, Sân khấu dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, Sân khấu dân ca Huế - Bình Trị Thiên, Sân khấu dân ca Bài chòi, Dân ca Tây Nguyên, Sân khấu dân ca Khmer; Dân ca Nam Bộ, Nghệ thuật sân khấu Cải lương, Bolero.
Với mục đích lan tỏa những giá trị nghệ thuật đầy nhân văn trong đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người hâm mộ âm nhạc tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới và hải đảo. Tạo ra một sân chơi văn hóa lành mạnh, để mọi người xích lại gần nhau, xóa nhòa ranh giới về không gian, thời gian; phát huy tính đại đoàn kết các dân tộc của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023” được thực hiện theo Đề án M12: “Ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ công tác bảo tồn, phát triển một số lĩnh vực nghệ thuật Việt Nam” của Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM đã được các Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Công An; Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ và cho phép chính là sự khẳng định giá trị, mục đích, ý nghĩa và quy mô của Đề án cũng như Cuộc thi.
Điểm mới của cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023” đó là: Kết hợp giữa ứng dụng nền tảng số VDONE và sân khấu truyền thống trong quá trình tổ chức cuộc thi; quy mô tổ chức và giải thưởng lớn cho 12 dòng nhạc; tạo sự lan tỏa và tương tác giữa thí sinh và cộng đồng người hâm mộ một cách trực tiếp thông qua nền tảng công nghệ trong quá trình dự thi; phương pháp chấm điểm trên nền tảng số tạo sự minh bạch và công bằng cho các thí sinh; người dự thi có thu nhập từ bình chọn bằng Vote của người hâm mộ.
Cuộc thi áp dụng hình thức phát sóng trực tiếp trên nền tảng VDONE thông qua công nghệ Livestream, nhằm mục đích tạo dữ liệu số về loại hình âm nhạc nghệ thuật này, đồng thời số hóa việc bảo tồn lưu trữ dữ liệu số cũng như đưa ra giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống; hướng đến cộng đồng yêu âm nhạc trên mọi miền Tổ quốc lên mạng xã hội VDONE. Từ đó, tạo ra một môi trường âm nhạc trên nền tảng số giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sỹ,… có điều kiện tỏa sáng và tăng thêm thu nhập.
Phương pháp chấm điểm cho thí sinh bao gồm: Điểm Vote trực tiếp trên App VDONE của cộng đồng người hâm mộ; điểm do Ban giám khảo; điểm do Hội đồng chuyên môn và Nhà báo chấm.
Thông qua buổi họp báo công bố cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023” giúp cho thí sinh có đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc thi, từ đó có thêm động lực và cảm hứng trước khi bước vào cuộc thi này.
Giám khảo offline: NSND Thu Hiền; NSND Trịnh Hồng Lựu - Giám đốc, Trung tâm nghệ thuật truyền thống Nghệ An; NSND Phạm Thị Kim Oanh - Nghệ danh Kiều Oanh - Phó Giám đốc, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Tiến sĩ, Đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan - Nghệ danh Thanh Ngoan; Đạo Diễn, NSND Nguyễn Hoài Huệ - Ủy Viên Ban Thường Vụ - Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam; NSND Thúy Hường; Nghệ sĩ tài hoa Thanh Thanh Hiền - Nhà hát ca múa Thăng Long; NSƯT Kim Tử Long; Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyễn Đạt; Thượng tá, Nhạc sĩ Nguyễn An Hiếu.
Giám khảo online: Thạc sĩ, Đạo diễn, NSND Vũ Thúy Ngần; NSƯT Thanh Loan - Phó Trưởng đoàn Ca kịch, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; NSƯT Phong Thủy - Phó Trưởng đoàn Ba Vũ, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung Đình Huế; NSƯT Tạ Dương - Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ, Nhà hát Dân ca Nghệ An; Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng; Hoàng Thanh Sơn - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế; Thạc sĩ, Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Duy - Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật 2, Nhà hát Quan họ Bắc Ninh; Nhạc sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thanh - Phó Trưởng khoa, Khoa sáng tác, Chỉ huy, Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Huế; Thạc sĩ Bùi Thị Hiền (Nghệ danh Thảo Hiền) - Phó Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Hải Long - Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hồ Chí Minh; Thạc sĩ, Đạo diễn Đỗ Hải Yến - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Mai Lan - Ca sĩ Bolero, Phó chủ tịch Hội nghệ sỹ trẻ Hà Nội.
Hội đồng chuyên môn và nhà báo: Thạc sĩ Nghệ thuật, Soạn giả Mai Văn Lạng - Trưởng Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV); PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Giảng viên Cao cấp Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sài Gòn; Nhạc sĩ, Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc; Nhà báo Nguyễn Thanh Hiệp - Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà báo Ngô Khiêm - Báo Công an nhân dân, Phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật.
Hoài Thu