Công an TP.Hà Nội bắt giữ nhóm đối tượng tàng trữ, vận chuyển gần 1 tấn pháo
Tang vật mà Công an TP. Hà Nội thu giữ gồm 466 hộp pháo, 70 cuộn pháo dây (tổng khối lượng là 808,3 kg).
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự (Phòng PC02, Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với Công an huyện Thường Tín bắt giữ 03 đối tượng có hành vi Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trên địa bàn huyện Thường Tín. Tang vật thu giữ gồm 466 hộp pháo, 70 cuộn pháo dây (tổng khối lượng là 808,3 kg).
Các đối tượng gồm: Đào Văn Quý (sinh năm 1983), Đào Đức Hiển (sinh năm 1982) cùng trú tại thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội); Trần Văn Luân (sinh năm 1992, trú tại thôn Khoái Cầu, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội).
Theo thông tin ban đầu, khoảng tháng 7/2023, thông qua mạng xã hội, Quý đã liên lạc và mua các loại pháo nổ với giá tiền 600.000 đồng/01 hộp pháo hoa và 300.000 đồng/01 cuộn pháo dây. Đồng thời, Quý thuê 01 ngôi nhà tại thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín để làm kho cất giấu pháo nổ.
Ngoài ra, Quý bàn bạc với Trần Văn Luân (là em vợ của Quý) về việc cất giấu pháo tại nhà của Luân. Sau đó, Quý bán pháo nổ cho những người có nhu cầu sử dụng và thuê Đào Đức Hiển làm người vận chuyển pháo đi giao cho người mua.
Ngày 17/12/2023, Phòng PC02 đã phối hợp với Công an huyện Thường Tín bắt quả tang Đào Đức Hiển khi Hiển đang vận chuyển 01 thùng xốp bên trong có 25 hộp pháo, 05 cuộn pháo dây mang đi tiêu thụ theo chỉ đạo của Đào Văn Quý.
Tiến hành khám xét khẩn cấp kho tại nhà do Quý thuê của Đào Quang Hiệp phát hiện 314 hộp pháo hoa, 41 cuộn pháo dây, 19 pháo thanh dây; Kiểm tra nhà của Trần Văn Luân phát hiện 127 hộp pháo hoa, 05 pháo cuộn dây.
Ngay sau đó, Phòng PC02 đã trưng cầu Phòng PC09 (Công an TP. Hà Nội) giám định đối với số pháo đã tạm giữ. Kết quả xác định, toàn bộ số pháo đã tạm giữ đều là pháo nổ.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đào Văn Quý, Trần Văn Luân về hành vi Buôn bán hàng cấm (pháo nổ) theo quy định tại Điều 190 BLHS và Đào Đức Hiển về hành vi Vận chuyển hàng cấm (pháo nổ) theo quy định tại Điều 191 BLHS.
Thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp đến, không ít đối tượng hám lợi nắm bắt được nhu cầu mua, sử dụng pháo hoa của người dân, đã lợi dụng các hình thức để kinh doanh pháo trá hình.
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.
Quy định về điều kiện được sử dụng pháo hoa: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (2) khi sử dụng pháo hoa, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP).
Các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng và các cá nhân kinh doanh pháo hoa là vi phạm quy định của pháp luật; người dân tuyệt đối không được mua pháo của các cơ quan, tổ chức không được phép kinh doanh, các cá nhân hoặc trên các trang mạng xã hội, pháo lậu, pháo không hóa đơn, không nguồn gốc, xuất xứ…
Quy định về sản xuất, kinh doanh pháo hoa đã được nêu rõ tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, trong đó quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường (khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Huy Bình