Có thể lĩnh án tù nếu nhập khẩu tôm hùm đất?
Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, tổ chức, cá nhân nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù 1 đến 5 năm. Loài tôm hùm đất đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu và phát triển từ năm 2013.
Sinh vật ngoại lai xâm hại và những bài học đắt giá |
Chiều 28/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa phát hiện có sự xuất hiện của tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ) trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng kinh doanh, sản xuất loại tôm nguy hại này. Qua đó, khi phát hiện có dấu hiệu phát tán tôm hùm đất ra môi trường, cơ quan chức năng lập tức có biện pháp khoanh vùng và tiêu diệt chúng theo quy định.
Cấm nhập khẩu, sản xuất, phát tán tôm hùm đất ra thị trường. |
Được biết, tôm hùm đất đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu và phát triển từ năm 2013. Theo đó, hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này là vi phạm Luật Đa dạng sinh học 2018.
Ông Nguyễn Minh Đức - Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tôm hùm đất có thể sống trong bất kỳ môi trường nước nào, có khả năng sinh sản rất nhanh, đào hang sâu và chống chịu rất tốt trước biến động của môi trường. Đặc biệt, càng tôm to khỏe, có thể ăn các loại cây non, cắt ngang thân lúa và ăn các loại thủy hải sản nhỏ. Đồng thời, tôm hùm đất có thể phá hoại hệ thống kênh mương, thủy lợi vì loài sinh vật ngoại lai có thể đào hang sâu từ 1 đến 2m.
Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên. c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500 triệu đồng trở lên. d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng. b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 3 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm. |
Phi Hoàng