Thứ năm, 25/04/2024 17:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/07/2020 15:20 (GMT+7)

Cơ hội nào cho gạo Việt tại EU?

Theo dõi KTMT trên

Với cam kết giảm thuế sâu, hạt gạo Việt Nam được kỳ vọng tăng hiện diện tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thành hiện thực nếu hạt gạo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.

Cơ hội nào cho gạo Việt tại EU? - Ảnh 1
Gạo Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu vào EU.

Cơ hội lớn cho hạt gạo Việt

Từng thâm nhập thành công thị trường EU một vài năm gần đây, dù kim ngạch xuất khẩu chưa cao, song Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình vẫn coi EU là một trong những thị trường đầy tiềm năng. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 tới được kỳ vọng giúp sản phẩm của công ty hiện diện rõ hơn ở thị trường này nhờ mức thuế nhập khẩu giảm dần và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, trước đây, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam vào EU bị áp thuế lên tới 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Mức thuế này khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ Campuchia. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK gạo vào EU sẽ giảm và dần tiệm cận về mức 0%, tạo điều kiện cho gạo Việt tăng sức cạnh tranh khi XK vào khu vực thị trường này.

“Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chưa cao, song EU vẫn là thị trường đầy tiềm năng của hạt gạo Việt. Lý do, đây là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao và nếu thâm nhập thành công, hạt gạo Việt sẽ có một “bàn đạp” vững chắc để tiến vào nhiều thị trường khác. Khi gạo Việt được giảm thuế, giảm giá thành, sức cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên”, ông Phạm Thái Bình cho hay.

Dù không phải là thị trường quá lớn của gạo Việt, song năm 2019, kim ngạch XK gạo vào EU đã đạt 10,9 triệu USD, tăng đến 92,4% so với năm 2018. Theo các chuyên gia, gạo tuy không phải là thực phẩm chính tại EU, song thị trường này vẫn có nhu cầu nhất định với một số sản phẩm, đặc biệt là gạo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Những năm gần đây, gạo Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn, đặc biệt sau hai lần lọt Top gạo ngon nhất thế giới (Top 3 vào năm 2015 với gạo Hạt Ngọc trời và Top 1 năm 2019 với gạo ST25). Tuy nhiên, hiện thuế suất EU áp lên gạo Việt Nam vẫn tương đối cao với 175 Euro/tấn với gạo xay xát, 65 Euro/tấn với gạo tấm và 211 Euro/tấn với thóc. Với mức thuế này, gạo thơm Việt Nam nhập khẩu vào EU đã đội giá lên hơn 1.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với gạo của Campuchia, Myanmar (được miễn thuế). Hiện mỗi năm, Việt Nam chỉ XK được khoảng hơn 20 nghìn tấn gạo sang EU.

Những trở ngại về thuế sẽ dần được xóa bỏ khi EVFTA có hiệu lực. Theo cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo/năm với thuế suất 0%, bao gồm 30 nghìn tấn gạo xay xát, 20 nghìn tấn gạo chưa xay xát và 30 nghìn tấn gạo thơm. Riêng gạo tấm, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn. Còn sản phẩm từ gạo, EU đưa thuế suất về 0% sau từ 3 đến 5 năm. Dự báo, những ưu đãi này sẽ giúp Việt Nam XK khoảng 100 nghìn tấn gạo vào EU mỗi năm.

Đáp ứng yêu cầu khắt khe

Dù cơ hội lớn, nhưng để gạo Việt vào được thị trường EU, ông Phạm Thái Bình cho rằng, thách thức cũng không nhỏ. Bởi lẽ, EU yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp (DN). Thêm vào đó, thị trường này đang quen thuộc với các sản phẩm gạo của Thái Lan, Campuchia, Myanmar…

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, thị trường đã mở cửa, nhưng vấn đề lại nằm ở việc các doanh nghiệp trong nước có đáp ứng được tiêu chuẩn rất gắt gao của thị trường này hay không. EU là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới. Đặc biệt, với nông sản, thủy sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý.

Riêng với gạo thơm, theo Bộ Công thương, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, các lô hàng thuộc diện hạn ngạch thuế quan khi XK vào thị trường EU phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo hạn ngạch thuế quan của EVFTA.

Chưa kể, do trước đây Việt Nam xuất khẩu gạo sang EU với sản lượng nhỏ lẻ, không đáng kể nên nhà nhập khẩu chưa ban hành quy chuẩn chính thức. Khi thực hiện theo cam kết EVFTA, việc quốc gia nhập khẩu ban hành quy chuẩn nhập khẩu là điều có thể xảy ra. Cho nên, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng các điều kiện, tiêu chuẩn nhằm đáp ứng các điều kiện này.

Bài học từ những loại gạo đã chinh phục thành công thị trường EU như gạo Campuchia, gạo Myanmar cho thấy, một trong những yếu tố tiên quyết để gạo Việt Nam chinh phục thị trường này là chất lượng. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm sẽ rất khó nhập vào thị trường này.

Do đó, doanh nghiệp được khuyến cáo thay đổi trong canh tác, trồng trọt so với trước đây theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất nhằm kiểm soát các khâu sản xuất. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm sản phẩm cuối cùng đáp ứng chất lượng theo tiêu chuẩn của EU.

Hà Anh

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội nào cho gạo Việt tại EU?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.