Thứ bảy, 23/11/2024 06:34 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/03/2020 17:27 (GMT+7)

Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19?

Theo dõi KTMT trên

Phòng điều trị cách ly áp lực âm là nơi không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và không thể thoát ra qua phía đó. Nó thường được sử dụng để cách ly các bệnh nhân lao, sởi, thủy đậu, cúm, SARS, Ebola và bây giờ là Covid-19.

Mới đây truyền thông đăng tải thông tin ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng đạo diễn Cao Trung Hiếu, nhà sản xuất Võ Đỗ Minh Hoàng và một số người bạn đã tài trợ thiết bị máy móc để thiết lập 3 phòng điều trị cách ly áp lực âm tại TP.HCM, Hà Nội và Quảng Ninh. Theo phía nam ca sĩ thì các phòng điều trị cách ly áp lực âm nhằm sử dụng cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 hoặc nghi nhiễm F1.

Được biết, toàn bộ số tiền tài trợ mua thiết bị và lắp đặt ba phòng cách li áp lực âm trên do cá nhân Hà Anh Tuấn và một số người bạn của anh ủng hộ, trong đó, chi phí tài trợ cho một phòng trung bình là 25.000 Euro (tương đương 650 triệu đồng).

Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 1
Ê-kíp tiến hành lắp đặt thiết bị trong phòng điều trị

Theo đó, từ ngày 3-12/3, đoàn chuyên gia kỹ thuật của Đức đã tới làm việc và tiến hành thiết lập, chuyển giao để đưa vào hoạt động 3 phòng cách ly áp lực âm theo đúng tiêu chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và US CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) tại Bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi, TP.HCM (vào ngày 3/3), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh (ngày 9/3) và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Long Biên, Hà Nội (ngày 12/3).

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 13/3, Sở Y tế TP.HCM cho biết bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đã được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi vào sáng nay 13/3 đã được cách ly tại phòng cách ly áp lực âm của khu 1.

Bệnh viện dã chiến tại Củ Chi đã được lắp đặt 3 phòng cách ly áp lực âm, chuyên dùng cách ly cho những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 có kết quả dương tính hoặc đang chờ xét nghiệm lần 2.

Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 2
Đường đi của không khí và mầm bệnh trong phòng áp lực âm. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Phòng cách ly áp lực âm là gì?

Phòng điều trị cách ly áp lực âm là một căn phòng có áp suất thấp hơn xung quanh, nơi không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và không thể thoát ra qua phía đó.

Nếu có một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang cách ly trong đó, các giọt bắn chứa virus của họ sẽ không thể nào lội ngược dòng không khí này để thoát ra bên ngoài cửa. Lúc này, hiện tượng lây nhiễm chéo qua dòng không khí giữa các bệnh nhân sẽ được dập tắt.

Theo Trí thức trẻ, để tạo ra được áp suất thấp hơn từ một phía của căn phòng, nó sẽ phải được thiết kế kín nhất có thể, với trần nguyên khối, cửa ra vào khít - chỉ để hở khe dưới cánh với độ cao khoảng nửa inch, tương đương 1,27cm. Cửa sổ (nếu có) cũng phải đảm bảo kín khít và có khóa niêm phong. Các ổ cắm điện, đường dây, đường ống ra vào căn phòng cũng đều phải đảm bảo không tạo ra khe hở.

Áp suất trong phòng sẽ được giảm xuống nhờ một hệ thống bơm hút gió. Không khí sẽ được hút ra khỏi phòng áp lực âm qua một đường ống, thường đặt ngay gần đầu giường bệnh. Để đảm bảo mầm bệnh từ các giọt bắn mà người bệnh phát tán được giữ lại, bệnh viện sẽ sử dụng một hệ thống lọc không khí hiệu quả cao HEPA (High-efficiency particulate air).

Virus SARS-Covid-19 sẽ được giữ lại trên các màng lọc này, cho đến khi chúng tự chết hoặc bị giết chết khi bộ lọc của HEPA được các nhân viên kỹ thuật bệnh viện khử trùng và thay mới.

Không khí bù vào phòng áp lực âm là dòng không khí sạch tự nhiên, được lấy từ các cửa hút. Khối lượng không khí được luân chuyển trong phòng áp lực âm mỗi giờ thường gấp 12 lần thể tích căn phòng. Vì vậy, có thể hiểu toàn bộ không khí trong phòng sẽ được thay mới mỗi 5 phút.

Các căn phòng áp lực âm như thế này thường được xây dựng trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm của bệnh viện. Nó thường được sử dụng để cách ly các bệnh nhân lao, sởi, thủy đậu, cúm, SARS, Ebola và bây giờ là Covid-19.

Bên trong phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn nên bác sĩ, nhân viên y tế nếu tham gia làm nhiệm vụ tại phòng cách ly áp lực âm phải chấp hành nghiêm các quy trình khử khuẩn, mặc áo bảo hộ, đeo kính và đeo khẩu trang phòng bệnh. Phòng áp lực âm có 2 buồng đệm, trước khi vào phòng cách ly, nhân viên y tế phải qua buồng đệm đầu tiên, sau khi điều trị, nhân viên y tế dời khỏi phòng cách ly bằng buồng đệm thứ 2, tại đây các vật tư y tế tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được lấy ra và tiêu hủy, đảm bảo việc virus lây nhiễm không thể thoát ra môi trường.

Phòng cách ly áp lực âm được trang bị đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị cấp cứu. Người bệnh được cách ly và giám sát qua màn hình camera, nhân viên của bệnh viện dễ dàng trao đổi với người bệnh qua hệ thống camera.

Dưới đây là một số hình ảnh của phòng cách ly áp lực âm vào sử dụng tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi:

Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 3
Phòng cách ly áp lực âm tại BV dã chiến (Củ Chi) đã chính thức hoạt động. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 4
Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 5
Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 6
Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 7
Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 8
Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 9
Phòng cách ly áp lực âm được trang bị đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị cấp cứu
Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19? - Ảnh 10
Người bệnh được cách ly và giám sát qua màn hình camera, nhân viên của BV dễ dàng trao đổi với người bệnh qua hệ thống camera.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Có gì đặc biệt bên trong phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới