Thứ bảy, 23/11/2024 07:38 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/01/2021 06:15 (GMT+7)

Cơ chế nào cho điện mặt trời mái nhà?

Theo dõi KTMT trên

Việc EVN tạm dừng tiếp nhận yêu cầu đấu nối từ điện mặt trời mái nhà khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng bởi "trống" chính sách sẽ khiến sự phát triển của doanh nghiệp ngắt quãng.

Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020 nhưng đến nay chưa có quyết định mới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã có văn bản gửi các tổng công ty điện lực về việc dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020.

Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành này lo lắng bởi "trống" chính sách sẽ khiến sự phát triển của doanh nghiệp ngắt quãng, đội ngũ nhân công đầu tư cho một thời gian phát triển "nóng" sẽ buộc phải ngồi chờ chính sách.

Chia sẻ với TTXVN, theo ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty Năng lượng Mặt trời đỏ – đơn vị sản xuất và thi công các công trình điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời trong thời gian qua được khuyến khích phát triển bằng các chính sách giá, ưu đãi và hỗ trợ nhiều về lắp đặt từ phía ngành điện. Điều này đã giúp cho Việt Nam phát triển rất nhanh loại hình năng lượng này, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.

Đây là xu hướng phát triển trong tương lai, được nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia hưởng ứng. Công ty đã sản xuất các thiết bị đạt tiêu chuẩn và thi công nhiều dự án tại mái của các nhà hàng, khách sạn, sản lượng điện tiết kiệm rất đáng kể, ông Diệp Bảo Cánh cho hay.

Vị đại diện Công ty Năng lượng Mặt trời đỏ cũng cho hay, EVN có văn bản về việc dừng tiếp nhận vừa qua là đúng nhiệm vụ và quy định nhà nước. Trong thời gian chờ cơ quan quản lý đưa ra chính sách giá mới thì tập đoàn dừng mua điện để đảm bảo về mặt tài chính.

“Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó cho các doanh nghiệp đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng dự án. Trên thực tế, tại nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, nhiều người đã nắm rõ các quy định, thời hạn tiếp nhận điện mặt trời mái nhà đến 31/12/2020 nhưng vẫn hy vọng vào việc lắp đặt, hòa lưới và sẽ được trả lại tiền sau khi có chính sách mới. Do đó, đến thời điểm hiện tại, việc EVN dừng mua sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới những người đã xây dựng xong rồi nhưng vì chậm tiến độ mà không thể kịp hoà lưới trước ngày 1/1/2021. Là doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm có phương án giá cho giai đoạn tới”, Tổng giám đốc công ty Mặt trời đỏ này cho hay.

Việc chưa có quyết định mới về điện mặt trời khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Đại diện Công ty M2 cho biết, công ty có mặt bằng nhà xưởng hàng chục nghìn m2 đang thực hiện dự án lắp điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đến nay cũng rất băn khoăn, không rõ chính sách trong thời gian tới ra sao, tiếp tục thi công hay dừng lại, mức giá bán lên lưới sẽ như thế nào...

Cơ chế nào cho điện mặt trời mái nhà? - Ảnh 1
Điện mặt trời mái nhà bùng nổ trong những năm qua. (Ảnh: Internet)

Còn theo chia sẻ của ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho biết, chính sách chưa có sẽ khiến doanh nghiệp rất khó đưa ra chiến lược, thực hiện. Doanh nghiệp cần chính sách mang tính liên tục, nhất quán, không nên để khoảng trống chính sách. Trong thời gian chờ chính sách mới, doanh nghiệp sẽ phải hoạt động, định hướng ra sao. Vấn đề này tạo khó khăn cho cả EVN, doanh nghiệp và đối tác…; đó là chưa kể sự ảnh hưởng tới vay vốn ngân hàng, dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư trong thời gian dài tới đây.

Theo ông Tân, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì chính sách phải xuyên suốt, liên tục mới thu hút được nhà đầu tư bỏ công sức, nguồn lực. Còn như hiện tại, chính sách bỏ lửng chỉ tạo cơ hội cho những nhà đầu tư chộp giựt, cơ hội.

Chính sách cũ đã hết hạn, chính sách mới chưa có. Theo các chuyên gia năng lượng, Chính phủ có thể kéo dài Quyết định 13 từ 3-6 tháng để hoàn thiện và có Quyết định  và trong thời gian đó sẽ hoàn thiện quyết định mới về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho hay, chính sách mới phải có thời gian kéo dài để doanh nghiệp nhìn vào đó, xây dựng chính sách phát triển, huy động vốn, dòng tiền, công nghệ… Nếu đưa chính sách khuyến khích trong ngắn hạn, sẽ tạo sự phát triển nóng, đầu tư ồ ạt, ngoài ra là mối lo về đầu cơ dự án, chộp giật…

Những năm gần đây, do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã mang lại sự phát triển bùng nổ đối với năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở Việt Nam.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến 31/12/2020 đã có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp.

Thực tế, số lượng dự án và công suất đấu nối đã tăng 'khủng' ngay phút 89 trước khi quyết định 13 hết hiệu lực. Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam của chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31/12. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chạy nước rút đấu nối vào lưới điện để được hưởng mức giá ưu đãi (giá FIT) điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm. Sau thời điểm này, Chính phủ sẽ tính lại giá mua điện cũng như ban hành cơ chế mới.

Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỉ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỉ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,15 tỉ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

EVN đánh giá trong những năm gần đây, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã mang lại sự phát triển bùng nổ đối với năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện cũng đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng điện mặt trời đang có giá ưu đãi, nếu tiếp tục có cơ chế giá theo như Quyết định 13 thì EVN sẽ khó có nguồn bù cho khoản chênh lệnh mà Nhà nước đã có giá ưu đãi khuyến khích năng lượng mặt trời.

“Giá mua điện mặt trời cao hơn nhiều so với giá bán và so với nhu cầu nên EVN không thể nào có nguồn bù đắp. Với mức giá ưu đãi như thế thì việc bán ra là lỗ nên Nhà nước cũng chỉ có thể ưu đãi trong một khoảng thời gian nhất định, địa bàn cụ thể, không thể nào kéo dài ưu đãi, khuyến khích suốt đời được” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ ý kiến.

Ông Thịnh cũng cho rằng thời gian vừa qua các doanh nghiệp điện khác như nhiệt điện, thủy điện đều cảm thấy bất bình đẳng trong cạnh tranh. Do đó, đã đến lúc Nhà nước đưa ngành điện phát triển theo kinh tế thị trường. Mà để làm được thì việc đầu tiên là điện phải được mua theo giá thị trường.

Về cơ chế giá cho điện mặt trời thời gian tới, ông Thịnh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự nghiên cứu để xem xét việc phát triển điện mặt trời thế nào cho phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển điện năng nói chung.

Đặc biệt là việc xử lý các phế thải của điện mặt trời như pin, các biện pháp để đảm bảo năng lượng sạch và vệ sinh môi trường về lâu về dài. Đồng thời cũng cần xem xét giá bán điện để tính chi phí mua điện cho hợp lý. Vì mua điện xong cũng cần chi phí cho truyền tải điện, cho phân phối điện, chi phí quản lý... như vậy mới định ra được mức giá chung cho các ngành năng lượng, kể cả năng lượng mặt trời hay điện gió, điện than, thủy điện...

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế nào cho điện mặt trời mái nhà?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới