Thứ ba, 19/03/2024 10:19 (GMT+7)
Thứ tư, 20/11/2019 07:31 (GMT+7)

Chuyện ‘trồng người’ ở ‘Quần đảo bão tố’

Theo dõi KTMT trên

“Gieo chữ” ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh đã khó khăn bội phần, vậy mà giữa ngàn trùng sóng gió phía đường biên ngoài biển xa nhất của Tổ quốc Việt Nam, có những thầy giáo vừa dạy chữ, vừa lo cho các em từng bữa ăn giấc ngủ. Đó là những thầy giáo khoác áo lính Hải quân đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, hi sinh tuổi thanh xuân của mình để “truyền chữ” cho con em vạn chài giữa nắng gió Trường Sa.

Cô giáo đầu tiên của đảo Trường Sa- chuyện giờ mới kể

Bắt đầu từ năm 2008, thực hiện chủ trương đưa Trường Sa trở thành thị tứ giữa trùng khơi với đầy đủ cơ quan chức năng, trong đó việc “truyền chữ” cho con, em vạn chài, tức là con em những ngư dân sinh sống tại các đảo Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây được Đảng, Nhà nước và Quân chủng Hải quân đặc biệt quan tâm. Và đây là “mốc” quan trọng đánh dấu sự nghiệp “trồng người” ở “quần đảo bão tố”.

Chuyện ‘trồng người’ ở ‘Quần đảo bão tố’ - Ảnh 1
Những đứa trẻ Trường Sa trên đường băng. Ảnh: Trọng Thiết

Để đưa giáo viên ra Trường Sa dạy học vào những năm 2008-2010 không dễ. Khi nói đến ra Trường Sa dạy chữ, nhiều cô giáo dù yêu mến Trường Sa vẫn “e dè” vì “phận gái yếu liễu đào tơ”, sao chịu được “sóng vùi, cát bỏng” ở nơi “quanh năm mặt trời rọi lửa”. Trong nhiều người “e dè” ấy, thì có một cô giáo trẻ đã tình nguyện viết đơn xin ra Trường Sa dạy học. Đó là cô giáo Bùi Thị Nhung.

“Ra đảo Trường Sa dạy học - một nghĩa cử vô cùng thiêng liêng luôn thúc dục tim tôi. Bạn bè nói tôi “điên”, họ không muốn tôi đến nơi gian khổ. Tôi nghĩ, các chiến sĩ Trường Sa kiên cường nơi gian khó, thì tôi cũng có thể là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận dạy chữ cho học sinh, nghĩ vậy, tôi đã xung phong ra Trường Sa mà không hề do dự. Sau thời gian dạy học ở Trường Sa, tôi trở lại đất liền, nhưng nếu được tiếp tục đến Trường Sa dạy học, tôi vẫn đi, và đó là ước mơ của tôi”, cô giáo Nhung chia sẻ.

Từ năm 2008-2013, nếu ai đã đặt chân đến Trường Sa lớn thì không thể không ghé thăm “lớp học đặc biệt” của cô giáo Nhung. Đó là lớp học “5 trong một”, tức là một mình cô dạy 5 trình độ cho các em học sinh nhưng chỉ trong một lớp. Trong khuôn viên nhỏ hẹp ấy, để dạy “một lượt” cho các em, cô Nhung thực hiện dạy “xoay vòng”.

Chuyện ‘trồng người’ ở ‘Quần đảo bão tố’ - Ảnh 2
Cô giáo Bùi Thị Nhung- cô giáo đầu tiên của Trường Sa. Ảnh: Trọng Thiết

Khi giảng bài cho học sinh lớp 1, thì các học sinh khác tự ôn bài. Ngược lại khi giảng bài cho học sinh lớp 5, học sinh khác “tự nghiên cứu”. “Những năm 2008 việc dạy học ở Trường Sa còn nhiều khó khăn. Nhưng để các em không bị lạc hậu so với các bạn trong đất liền, tôi dạy tin học cho các em qua máy vi tính và hướng dẫn các em các môn học ngoại khoá như múa, hát ngoài trời. Qua các chương trình trên internet”, cô Nhung nói.

Những năm 2008-2013, cô giáo Nhung được coi như bảo mẫu đặc biệt của học sinh. Bởi cô Nhung vừa là cô giáo, vừa thay cha mẹ các em lo từ bữa ăn, giấc ngủ trưa. Các em học sinh đều gọi cô giáo Nhung là mẹ. Ngoài dạy kiến thức cho các em nhỏ, cô Nhung còn dạy các em ý tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc.

“Sự dũng cảm và chịu đựng gian khổ của các chú bộ đội Trường Sa ảnh hưởng rất sâu sắc đến hình thành nhân cách của các em học sinh. Ngoài kiến thức chuyên môn, các em được học tinh thần dũng cảm, sự gan dạ kiên cường. Có thể nói mỗi học sinh Trường Sa là một chiến sĩ nhí. Các em học ngay từ sự gương mẫu của các chú bộ đội. Ở đây không có sự cạnh tranh, phân biệt, chỉ có sự thi đua học tốt, dạy tốt, sống tốt, cô trò thương yêu nhau như mẹ con trong một gia đình”, cô giáo Nhung cho biết.

Nếu không có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, không một đời tâm huyết “truyền chữ” cho thể hệ tương lai, chắc chắn những thầy, cô giáo dạy học ở Trường Sa không thể làm làm được điều diệu kỳ đến thế.

Niềm vui cống hiến của những “bảo mẫu” đặc biệt

Là thiếu sót nếu không kể ra đây những thầy giáo trẻ tuổi “ten” dạy học ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn. Họ đang ngày đêm thầm lặng, cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Nhiều người gọi họ là “bảo mẫu” đặc biệt, có người gọi là con ong chăm chỉ gieo chữ nơi tuyến đầu Tổ quốc

Từ 2013 trở về trước, việc dạy học ở Trường Sa Lớn do các cô giáo đảm nhiệm mà người đầu tiên xung phong ra “gieo chữ” là cô giáo Bùi Thị Nhung. Để thuận tiện việc đi lại, cơ động và hợp lý hóa gia đình, từ năm 2013 đến nay, dạy học ở các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn do các thầy giáo đảm nhiệm.

Chuyện ‘trồng người’ ở ‘Quần đảo bão tố’ - Ảnh 3
Học sinh ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: Trọng Thiết

Thầy Bành Hữu Tình 36 tuổi sinh năm 1983 kiêm “bảo mẫu” ở Trường Tiểu học đảo Trường Sa Lớn hơn đã 3 năm gắn bó với lớp học bên bờ sóng này có rất nhiều kỷ niệm. Song, kỷ niệm xúc động nhất là lần đầu tiên bước chân xuống tàu đi đảo. Khi con tàu xa dần thành phố Cam Ranh, nước mắt Tình rưng rưng hẹn ngày gặp lại. Khi đảo Trường Sa hiện dần trước tầm mắt, anh xúc động nghẹn lời. Đặt chân lên cầu cảng, cũng là lúc những học sinh ra cầu cảng đón anh.

Thầy Tình choàng tay ôm những đứa trẻ chưa biết tên. Anh bảo, thầy sẽ dạy các em học chữ. “Kỷ niệm ấy tôi không bao giờ quên. Được dạy học ở Trường Sa, với tôi đó không chỉ là niềm vinh hạnh, mà còn là sự cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc. Dẫu ở Trường Sa còn nhiều khó khăn trở ngại và nỗi nhớ đất liền luôn cháy bỏng ruột gan, song tôi cho đó là thời gian thử sức thời trai trẻ”, thầy Tình, nói

Chuyện ‘trồng người’ ở ‘Quần đảo bão tố’ - Ảnh 4
Học sinh Trường Sa bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: Trọng Thiết

Chia sẻ về những khó khăn trở ngại khi người trẻ đảm nhiệm “các khâu” cho học sinh, thầy Tình cho biết, do đặc thù ở Trường Sa học sinh ít, nên phải học ghép. Mình thầy đảm nhiệm dạy bốn lớp khác nhau. Một phòng học có bốn lớp. Để thuận lợi, lớp học được bố trí “xoay vòng”. Tức là bảng được treo ở bốn bức tường, học sinh học lớp nào thì ngồi hướng về bảng ấy. Trong khi giảng bài cho lớp 3 thì học sinh lớp 1 tự ôn, hoặc làm bài tập. Ra chơi cùng một giờ, trò chơi tất cả chơi chung.

“Dạy học nhưng tôi cũng làm “bảo mẫu” luôn. Có em khóc đòi về với ba mẹ, thì dỗ giành, các em cãi nhau mình phải phân giải, có khi đang học có em đi kêu muốn đi vệ sinh, mình cũng dẫn các em đi. Tất cả việc đó lúc đầu thấy hơi ngại, nhưng sau quen và trở nên bình thường. Ngày nào không thấy các em là ngày đó cảm giác trống trải”, thầy Tình chia sẻ.

"Bộ đội, ngư dân, học sinh đang sinh sống ở các đảo như một khối đoàn kết thống nhất rất nghĩa tình. Bộ đội có niềm vui, ngư dân cùng hưởng ứng; ngư dân, học sinh đau ốm, bộ đội cứu chữa nhiệt tình. Với học sinh Trường Sa, bộ đội yêu quý như những chồi non hiếm hoi nơi đầu sóng ngọn gió”, Ông Hoàng Phước Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Trường Sa nói.

28 tuổi đời, thầy giáo Lê Xuân Quyết có 7 năm gieo chữ ở đảo Song Tử Tây. 7 năm ấy biết bao thay đổi, song có một thứ không bao giờ mờ phai trong tâm khảm người giáo viên trẻ này là cảm xúc lần đầu đặc chân đến đảo. Đó là tháng 3/2013. Thầy Quyết từ Cam Ranh ra Trường Sa cùng đoàn công tác. Sau 14 ngày lên đênh trên con tàu hải quân đến 13 đảo, điểm đảo và nhà giàn, thầy Quyết bước chân lên đảo Song Tử Tây với niềm hân hoan phấn khởi.

“Đêm đầu tiên nằm trên mảnh đất của Tổ quốc phía đường biên, tôi không sao chợp mắt. Một phần vì nhớ đất liền, một phần xúc động, thiêng liêng. Tôi mường tượng ra lớp học chỉ có vài em học sinh thơ ngây, tiếng trẻ ê a đọc chữ bên bờ sóng. Phải mất cả tuần sau tôi mới bắt nhịp được cuộc sống ở đảo. Thời tiết khắc nghiệt, nỗi nhớ đất liền càng tăng thêm. Các em học sinh ở đảo, vừa vừa là học sinh, vừa là bạn, vừa là cháu của mình. Càng gắn bó với các em, tôi càng thấy yêu đời, yêu nghề dạy học”, thầy Quyết chia sẻ.

Cùng dạy học với thầy Quyết, có thầy Lê Văn Mạnh. Cũng là thầy giáo trẻ xung phong đi đảo gieo chữ, thầy Mạnh gác tất cả chuyện riêng tư, gia đình tập trung cho dạy học. “Với tôi, được dạy học ở đảo Trường Sa không chỉ là vinh dự, mà còn là khát vọng. Tôi khát vọng dạy học ngoài đảo vì muốn cùng các em học sinh ở đảo học con chữ, để khẳng định rằng, ở tận đường biên xa xôi của Tổ quốc, học sinh Trường Sa vẫn được học tập như ở đất liền. Điều đó với tôi là tất cả. Còn khó khăn, gian khổ dần sẽ quen, sẽ vượt qua”, thầy Mạnh, nói.

Song song với học chữ, học sinh Trường Sa được bộ đội hải quân ở các đảo huấn luyện thể chất như tập thể dục nâng cao sức khỏe, tổ chức các trò chơi vận động bên bờ sóng, tham gia một số hoạt động quân sự như chào cờ Tổ quốc trước cột mốc chủ quyền, vui chơi, đón khách từ đất liền ra thăm, hát múa cùng bộ đội ở đảo. Ngoài ra, học sinh và ngư dân cũng thường xuyên được các bác sĩ ở đảo chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám định kỳ và đột xuất. Việc làm nghĩa cử ấy không những bảo đảm sức khỏe cho bà con ngư dân, mà còn thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết quân dân, cùng nhau chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền và xây dựng đảo ngày càng mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắt chặt tình quân dân như cá với nước.
Bạn đang đọc bài viết Chuyện ‘trồng người’ ở ‘Quần đảo bão tố’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Xem xét nới thời gian đăng kiểm xe ô tô cá nhân
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Pu Ta Leng - Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Tây Bắc
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) nổi tiếng trong giới mê leo núi là một trong những đỉnh khó chinh phục bậc nhất với vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ. Quyết tâm chinh phục chúng tôi mới hiểu vì sao ngọn núi này hấp dẫn đến vậy.