Thứ hai, 25/11/2024 13:09 (GMT+7)
Chủ nhật, 31/05/2020 15:18 (GMT+7)

Chuyên gia kinh tế đồng tình việc lùi thời điểm sửa đổi Luật Đất đai 2013

Theo dõi KTMT trên

Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng: Việc hoàn thiện Luật Đất đai phải tính đến yêu cầu đảm bảo tính ổn định, khả thi, toàn diện và dự báo được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Vì vậy, việc lùi thời gian sửa đổi toàn diện Luật Đất đai là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Chuyên gia kinh tế đồng tình việc lùi thời điểm sửa đổi Luật Đất đai 2013 - Ảnh 1
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Sửa Luật Đất đai: Lùi một bước để tiến nhiều bước

Nếu ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại thời điểm hiện nay là chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra, chưa thể giải quyết tận gốc những vướng mắc, mâu thuẫn, kiến nghị và mong muốn của doanh nghiệp và người dân. Việc hoàn thiện Luật Đất đai phải tính đến yêu cầu đảm bảo tính ổn định, khả thi, toàn diện và dự báo được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Vì vậy, việc lùi thời gian sửa đổi toàn diện Luật Đất đai là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Hiện nay, việc triển khai thi hành Luật Đất đai còn một số tồn tại, bất cập lớn như: Việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai; Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc áp dụng phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập; Việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh… chưa chặt chẽ; Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất; việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT chưa chặt chẽ, còn bị lợi dụng… Đặc biệt, xuất hiện nhiều những xung đột trong các đạo luật mới ban hành như Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công…

Có nhiều nội dung cốt lõi, căn bản trong quản lý và sử dụng đất đai, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và tác động trực tiếp đến các tầng lớp trong xã hội, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cần có sự nghiên cứu sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, như: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; việc xử lý thu hồi đất do vi phạm, chậm đưa đất vào sử dụng; việc xây dựng khung giá đất; chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài; chính sách thuế, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp…

Hiện tại, nếu sửa những điều trên trong một thời gian ngắn e rằng sửa sẽ không được chuẩn, rồi lại phải sửa lại tiếp. Bởi thời gian vừa qua, một số quy định càng sửa càng rối. Do đó, cần tập trung nghiên cứu cho việc sửa sau này. Nên lập thành các nhóm vấn đề, có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, ví dụ vấn đề đó liên quan đến bộ, ngành nào thì cần cho bộ, ngành đó chủ trì, các bộ khác tham gia. Chỉ khi phân thành từng nhóm vấn đề thì sửa mới trúng. Còn khi giao trách nhiệm hết cho một bộ, rồi các bộ khác chỉ tham gia thì sửa rồi sẽ nảy sinh ra các vấn đề khác.

Có thể thấy rằng, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - chính trị, xã hội của đất nước, nhất là trong thời điểm hiện nay, nên việc sửa đổi cần lựa chọn thời điểm thích hợp, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có nội dung định hướng lớn về tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.

Theo tôi, trong trường hợp rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chính phủ cần giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát các vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các luật khác, nhằm sớm đề xuất phương án khắc phục để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Nghị quyết của Quốc hội phải sửa được nhiều điều ở các luật khác nhau có liên quan, mâu thuẫn, chồng chéo. Song song với quá trình rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, địa phương.

Vấn đề trọng tâm là, Chính phủ cần tiếp tục tiến hành tổng kết thi hành Luật Đất đai kỹ lưỡng, nghiên cứu, rà soát, làm rõ những vấn đề bất cập, vướng mắc để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung sau Đại hội Đảng, đặc biệt là việc tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới... Việc sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Đất đai cần được tiến hành một cách nghiêm túc, khẩn trương và khoa học.

Luật pháp của Việt Nam thường đi sau nhiều nước. Trước hết, các nhà làm luật cần khảo sát thật kỹ thực tiễn hiện nay. Đồng thời, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo Luật Đất đai của các nước trên thế giới. Nhiều nước cũng gặp những vấn đề giống hệt như Việt Nam. Một ví dụ nhỏ như một số nước Đông Nam Á (như Thái Lan, Malaysia, Philippines…) không chia ruộng đất cho dân, ruộng đất nằm trong tay điền chủ, khác biệt với Việt Nam nên không thể tham khảo. Tuy nhiên, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tương tự như Việt Nam, chia ruộng cho dân, nên có thể tham khảo được.

Chuyên gia kinh tế đồng tình việc lùi thời điểm sửa đổi Luật Đất đai 2013 - Ảnh 2
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế.

Tạm lùi sửa Luật Đất đai để nghiên cứu, xây dựng bài bản một bộ luật mới

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế:

Động thái lùi thời gian sửa đổi Luật Đất đai nhận được một số ý kiến trái chiều. Một trong số đó là những băn khoăn, lo ngại rằng, việc trì hoãn sửa đổi có thể tiếp tục xếp chồng thêm những phát sinh tiêu cực từ lỗ hổng trong luật, nhất là khi phát sinh tiêu cực từ đất đai đang gia tăng. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu và có những góc nhìn khách quan, để đánh giá chính xác, toàn diện quyết định lùi thời gian sửa Luật này.

6 lần sửa đổi của Luật Đất đai

Tính đến thời điểm hiện tại, Luật Đất đai trải qua 6 lần sửa đổi. Luật Đất đai đầu tiên được ban hành vào năm 1987, thay thế cho Sắc lệnh quy định về chính sách ruộng đất. Luật Đất đai 1987 có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật Đất đai năm 1993 ra đời thay thế Luật Đất đai năm 1987 với bảy chương, 89 điều, có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Luật Đất đai 1993 được sửa đổi bổ sung 2 lần vào năm 1998 và năm 2001. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 2003 với bảy chương, 146 điều và sửa đổi, bổ sung năm 2009. Luật đất đai năm 2013 đã thay thế Luật Đất đai năm 2003 và có hiệu lực đến hiện tại.

Việc sửa đổi Luật Đất đai luôn nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tế. Qua mỗi lần sửa đổi, Luật Đất đai ngày càng hoàn thiện hơn, về cơ cấu lẫn nội dung các quy định. Bên cạnh số lượng điều khoản gia tăng, sự thay đổi về chất của Luật Đất đai hướng tới bổ sung thêm các quy định về bảo vệ, mở rộng quyền của người sử dụng đất, mở rộng thêm các chủ thể có quyền sử dụng đất, hay bổ sung các quy định về các hình thức giao đất, cho thuê đất, thời hạn thuê đất, các trường hợp không thu tiền sử dụng đất.

Đặc biệt, năm 2013, Luật Đất đai mới đã có hiệu lực với những quy định cụ thể như quyền hạn, nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo vệ người sử đụng dất, mở rộng thời gian giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm. Luật Đất đai 2013 đặc biệt cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển sử dụng đất nông nghiệp để có thể sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn. Điểm sáng của Luật Đất đai 2013 là ghi nhận hội nhập quốc tế khi thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư trương và ngoài nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các Dự án có sử dụng đất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, Luật Đất đai được đánh giá vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập như khung giá đất chưa sát với thị trường, vấn đề giải phóng mặt bằng…Hệ lụy của lỗ hổng đó ngày càng gia tăng, gây khó khăn cho chủ thể tham gia thị trường, làm thất thoát ngân sách Nhà nước, gây ra những mâu thuẫn trong xã hội...

Sửa đổi hợp lý, bài bản, toàn diện thay vì chắp vá

Có thể thấy, một số vấn đề phức tạp trong nội dung của dự án luật không dễ dàng giải quyết, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Cụ thể như: Khung giá đất; kinh tế, tài chính đất đai; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo...

Liên quan đến việc tạm lùi sửa đổi Luật Đất đai, nguyên nhân chính bởi đây là bộ luật quan trọng, phức tạp và tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.

Thực tế thời gian qua, rất nhiều vụ việc tiêu cực nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội xuất phát từ lỗ hổng của Luật Đất đai. Điều này không thể một sớm, một chiều đưa ra sự thay đổi hoàn chỉnh cho dự luật mới, nhất là tốc độ biến động của thị trường không hề nhỏ dẫn tới nhiều phát sinh mới khó điều chỉnh kịp thời.

Có thể lấy một ví dụ: Luật Đất đai ở Mỹ và Việt Nam khác nhau hoàn toàn. Nếu như ở Mỹ, đất đai thuộc tư hữu, cơ chế soạn thảo luật tinh gọn. Tại Việt Nam, căn cứ theo Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điều này đã tạo ra sự khác biệt lớn và gia tăng mức độ ảnh hưởng cao của Luật Đất đai đến thị trường. Do đó, việc soạn thảo luật ở Việt Nam cũng phức tạp hơn nhiều.

Phải nhìn nhận rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là điều cần thiết và cấp thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật Đất đai 2013 cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường và mức độ phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

Tạm lùi để bàn thảo, nghiên cứu đưa ra bộ luật mới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn, trở thành bệ đỡ cho thị trường là yêu cầu, xu hướng tất yếu phải đặt lên hàng đầu. Một bản luật sửa đổi “đốt cháy giai đoạn” sẽ chỉ tạo ra sự chắp vá, thiếu hoàn chỉnh. Hệ luỵ dẫn tới là những phát sinh khiếu kiện, giải trình… và lại có thể phải sửa đổi lần nữa trong một thời gian ngắn ngủi.

Vậy nên, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần tiếp tục có sự đánh giá tổng quan sâu về yêu cầu hiện tại, khả năng giải quyết những phát sinh xảy ra. Dự thảo sửa đổi cần có sự tham gia đóng góp ý kiến các chủ thể như doanh nghiệp, người dân, các nhà nghiên cứu làm luật. Tạm lùi không có nghĩa là hoãn, mà phải đặt ra yêu cầu xây dựng bộ luật hoàn chỉnh, mới, phù hợp với thực tiễn.

Nguyễn Quân

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia kinh tế đồng tình việc lùi thời điểm sửa đổi Luật Đất đai 2013. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới