Thứ tư, 04/12/2024 10:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/04/2023 14:12 (GMT+7)

Chuyên gia IMF nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ là điểm sáng toàn cầu năm 2023 và 2024

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Daniel Leigh, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thế giới, thuộc Vụ nghiên cứu của IMF, mặc dù tốc độ sẽ chậm lại nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức rất cao, dự kiến đạt 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024.

Chia sẻ với TTXVN tại kỳ họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Daniel Leigh - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thế giới, thuộc Vụ nghiên cứu của IMF, cũng là một trong những tác giả của Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm nay - về tình hình kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sau những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới những năm gần đây.

Ông Leigh cho rằng nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid và cuộc xung đột tại Ukraine. Dù đầu năm nay, quá trình phục hồi đã diễn ra tốt hơn, song thế giới lại tiếp tục chứng kiến tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ.

Những nhân tố này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với triển vọng kinh tế thế giới. Do đó, ông dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, từ mức 3,4% năm 2022 xuống còn 2,8% vào năm 2023, trước khi dần phục hồi ở mức 3%.

Đây là khoảng thời gian đầy thách thức và một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Các ngân hàng trung ương đang cố gắng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng

Đánh giá về Việt Nam và phần lớn các nước châu Á, chuyên gia Leigh cho rằng đây là những điểm sáng của kinh tế thế giới năm nay, bởi khu vực này đang phát triển tương đối nhanh so với phần còn lại của thế giới.

Ông Leigh nhận định đối với Việt Nam, mức tăng trưởng khoảng 8% năm 2022 là một điểm sáng của khu vực.

Chuyên gia IMF nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ là điểm sáng toàn cầu năm 2023 và 2024 - Ảnh 1
Nền kinh tế Việt Nam sẽ là điểm sáng toàn cầu năm 2023 và 2024.

IMF vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam theo hướng tốt hơn kỳ vọng trước đó. Nguyên nhân một phần là từ sự phục hồi sau COVID-19 và xu hướng chuyển hướng thương mại. Một số khoản đầu tư đang chuyển sang Việt Nam và đây cũng là một động lực tốt.

Ông Leigh cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ở mức cao, dự kiến 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024. Lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp, 3,15% vào năm 2022 và đang tăng lên, một phần do nền kinh tế năng động, nhưng IMF cho rằng lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu, khoảng 4,3% vào năm 2024.

Chuyên gia Leigh đã đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những quý còn lại của năm nay và 5 năm tới, đó là chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào việc giảm lạm phát ở mức có thể xảy ra, chính sách tài khóa cần tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Về ổn định tài chính, Việt Nam cần ưu tiên hỗ trợ ổn định thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các công cụ cụ thể, song điều này không nên làm xao lãng chính sách tổng thể hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định.

Ghi nhận tốc độ tăng trưởng đạt 3,3%

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 3 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng đạt 3,3% so cùng kỳ. Trong đó, ngành dịch ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 6,8% và đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào GDP.

Cụ thể, báo cáo của WB cho biết, GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,3% trong quý I/2023, chậm lại so với mức 5,9% trong quý IV/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng quý I (so với cùng kỳ) thấp thứ hai trong thập kỷ qua.

Tốc độ tăng trưởng thấp phần lớn là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp (giảm 0,4% so với cùng kỳ) trong quý I/2023, so với mức trung bình 5,3% trong giai đoạn 2020-2022 và ảnh hưởng đến tăng trưởng (giảm 0,1 điểm phần trăm đóng góp vào GDP). Sự suy giảm trong ngành công nghiệp phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu sản phẩm chế tạo thu hẹp, ngành dịch vụ lại là điểm sáng đáng chú ý khi tăng trưởng 6,8% (so với cùng kỳ) trong 3 tháng đầu năm 2023, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào GDP.

Mặc dù chỉ đóng góp khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng của các ngành dịch vụ đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 3/2023, với doanh thu của cơ sở lưu trú và ăn uống tăng 25,5% (so với cùng kỳ) và doanh thu của dịch vụ lữ hành tăng 113,9% (so với cùng kỳ). Lượng khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt người trong quý I/2023, so với 91 nghìn lượt cùng kỳ năm ngoái.

Cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt tương đối nhỏ trong quý I/2023 so với các quý trước, dần tiệm cận về mức trước đại dịch. Điều này phần lớn là do xuất khẩu dịch vụ phục hồi, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch quốc tế đến Việt Nam. Du lịch nước ngoài đóng góp 2,7 tỷ USD vào xuất khẩu dịch vụ trong quý, cao hơn tới 250% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5% và đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng trong quý I/2023.

Bất chấp sự sụt giảm chung trong quý, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu cải thiện tạm thời trong tháng 3/2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) trong quý đầu năm thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, IPI đã được cải thiện vào tháng 3/2023, tăng 9,4% (so với tháng trước), đối lập với mức giảm mạnh vào tháng 1 (giảm 22,7% so với tháng trước, một phần do nghỉ Tết Âm lịch) và mức tăng trưởng yếu (3,5% so với tháng trước) vào tháng 2.

Báo cáo của WB chỉ rõ, hầu hết các ngành và phân ngành công nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng (so cùng kỳ tháng) trong tháng 3/2023 đặc biệt là ngành khai khoáng, dệt may, sản xuất kim loại và sản xuất phương tiện vận tải.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia IMF nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ là điểm sáng toàn cầu năm 2023 và 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới