Thứ bảy, 23/11/2024 04:20 (GMT+7)
Thứ năm, 23/12/2021 10:00 (GMT+7)

Chưa đủ cơ sở khẳng định nước biển nhấn chìm TP.HCM vào năm 2030

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Tổ chức Climate Central (Mỹ) đã đưa ra những nhận định về việc cảnh báo TP.HCM có thể bị chìm dưới mực nước biển vào năm 2030 là cảnh báo đáng quan tâm nhưng kết quả đưa ra còn nhiều điểm chưa chắc chắn.

Nhận định của Climate Central 

Tổ chức Climate Central (Mỹ) lập ra bản đồ những nơi trên thế giới có thể bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030 dựa trên dữ liệu của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc. Nhiều thành phố ven biển trên khắp thế giới, đặc biệt là 6 thành phố, trong đó, có TP.HCM, được cảnh báo có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm sớm hơn dự báo trước đây. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến băng ở 2 cực tan với tốc độ báo động.

Năm 2019, Scott A. Kulp và Benjamin H. Strauss thuộc Climate Central đã công  bố một kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Nature Communications, trong đó, đã đưa ra những nhận định về nguy cơ ngập gây ra bởi nước biển dâng cho các khu vực trũng thấp ven biển trên thế giới, trong đó, có Việt Nam. Các tác giả nhận định nước biển dâng có thể ảnh hưởng đến số lượng người cao hơn gấp ba lần so với những dự báo trước đó, thậm chí là xóa sổ một số thành phố ven biển. 

Chưa đủ cơ sở khẳng định nước biển nhấn chìm TP.HCM vào năm 2030 - Ảnh 1
Hệ thống cống kiểm soát triều lớn và đê kè trên sông Sài Gòn. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Cũng trong năm đó, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí (Bộ TN&MT) đã có thông tin chia sẻ để có cái nhìn rõ hơn trong việc đánh  giá nguy cơ ngập đối với ĐBSCL và TP.HCM. Đồng thời cho rằng, thông tin “vào năm 2050, TP.HCM và ĐBSCL sẽ bị xóa sổ” là chưa đủ cơ sở khoa học và chỉ dựa trên các giả định cực đoan. 

Năm 2021, Climate Central tiếp tục công bố những cảnh báo mới về nguy cơ ngập đối với các khu vực trũng thấp ven biển trên thế giới. Trong thông báo mới, Climate Central cảnh báo 9 thành phố lớn ven biển, trong đó, có TP.HCM có thể bị ngập sớm hơn và số lượng người dân chịu ảnh hưởng sẽ nhiều hơn so với dự tính trước đây. Điều đáng quan tâm là TP.HCM tiếp tục được cảnh báo có thể bị “nhấn chìm” trước năm 2030 (tức là chưa đầy 1 thập kỷ tính từ bây giờ) đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố có thể bị ngập trước. 

Các nhận định này được đưa ra dựa trên kết quả tính toán bản đồ nguy cơ ngập mới nhất được xây dựng của Climate Central. Số liệu phục vụ xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập dựa trên dự tính nước biển dâng mới được IPCC công bố và bộ số liệu mô hình độ cao số ven bờ (CoastalDEM). CoastalDEM (Kulp và Strauss, 2018) được phát triển dựa trên số liệu SRTM 3.0 từ dữ liệu vệ tinh radar của NASA vào năm 2000.

SRTM là mô hình số bề mặt, có nhiều sai số, đặc biệt ở các khu vực có nhiều cây cối rậm rạp và những khu dân cư đông đúc. Trên toàn cầu, ước tính sai số trung bình về độ cao của SRTM khoảng 6 feet (2 mét) cho các khu vực có độ cao từ 1-20 m. Chính vì độ chính xác về độ cao thấp như vậy nên các khu vực có chênh cao dưới 2 mét sẽ được gộp vào một vùng, ví dụ như: Khu vực có độ cao 1 m bị ngập lụt nhưng dữ liệu SRTM sẽ khoanh cả khu vực có độ cao < 3 m cũng được xem là ngập lụt.  

Climate Central đã chuyển đổi dữ liệu độ cao được tham chiếu trên mực triều cao  trung bình của địa phương (tính toán từ số liệu độ cao bề mặt biển đo bằng vệ tinh và sử dụng các mô hình thủy triều toàn cầu), so sánh các độ cao này với dự tính mực nước  biển dâng để tìm các khu vực có thể vĩnh viễn nằm dưới mức triều cường trong những  thập kỷ tới.

Climate Central đã bổ sung yếu tố mực nước lũ trung bình hàng năm  trong đánh giá nguy cơ lũ lụt cục bộ, cho phép phân tích kết hợp chiều cao nước lũ và mực nước biển dâng dự kiến khi xác định khu vực có nguy cơ rủi ro cao. Kết quả thể hiện nguy cơ ngập ở khu vực Đông TP.HCM (bao gồm Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) với các mực nước biển dâng là 0,2 m và 1 m, tương ứng với nước biển dâng theo kịch bản cao của Việt Nam vào năm 2050 và 2100, theo nghiên cứu của Climate Central. 

Như vậy, bản đồ nguy cơ ngập mới nhất của Climate Central chỉ có sự cập nhật số liệu dự tính mực nước biển dâng của IPCC dựa trên nền tảng dữ liệu độ cao với độ chính xác rất thấp so với các nguồn dữ liệu khác như Lidar.

Đối với TP.HCM, dù tốc độ tan băng được cho là xảy ra nhanh hơn so với  dự tính trước đây, nhưng mực nước biển dâng trung bình chỉ vào khoảng 2 - 4 mm/năm; Nghĩa là từ nay đến năm 2030, mực nước biển tăng khoảng 2 - 4 cm, chỉ tương đương  mức độ sụt lún (2 - 4 cm/năm). Ngoài ra, thành phố còn nhiều khu vực có hệ thống đê bao, cống ngăn triều, đường giao thông có mặt bằng cao hơn mực nước biển trung bình. 

Vì vậy, việc cảnh báo TP.HCM có thể bị chìm dưới mực nước biển vào năm 2030, theo Climate Central là cảnh báo đáng quan tâm nhưng kết quả đưa ra, còn nhiều điểm chưa chắc chắn.  

Có thể thấy các kết quả dự tính của Climate Central dựa trên số liệu quy mô toàn  cầu, độ chính xác không cao và các kịch bản cực đoan nên đã đưa ra các cảnh báo có  mức độ trầm trọng hơn. Kết quả tính toán của các nhà khoa học Việt Nam được dựa trên các nguồn số liệu chi tiết, chính xác và cập nhật hơn nên có mức độ cảnh báo ít trầm trọng hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong tất cả các dự tính đều có sự chưa chắc chắn do các mô hình chưa thể mô phỏng đầy đủ và chính xác các quá trình nhiệt động lực học băng và nhiều nguyên nhân khác.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam

Để đánh giá nguy cơ ngập khu vực TP.HCM theo kịch bản biến đổi  khí hậu, Viện KH KTTVBĐKH tiến hành nghiên cứu dựa trên các nguồn số liệu về: Dự tính mực nước biển dâng; Số liệu địa hình chi tiết, mới nhất của Bộ TNMT; Kết quả đánh giá mức độ sụt lún; Mức độ ngập do triều cường.

Cụ thể, về dự tính mực nước biển dâng, năm 2019, IPCC đã công bố Báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và băng quyển  đại dương (SROCC). Báo cáo đề cập đến kết quả của các nghiên cứu gần đây cho thấy, mực nước biển đang tăng nhanh do băng tan ở cả 2 khu vực Greenland và Nam Cực (độ tin cậy rất cao). Tan băng ở Nam Cực trong giai đoạn 2007-2016 gấp 3 lần so với giai  đoạn 1997-2006. Đối với Greenland, khối lượng băng tan gấp 2 lần trong cùng giai  đoạn.

Chưa đủ cơ sở khẳng định nước biển nhấn chìm TP.HCM vào năm 2030 - Ảnh 2
Ngập lụt tại TP.HCM ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)

Việc băng tan nhanh ở Nam Cực được quan sát thấy ở vùng biển Amundsen ở Tây Nam Cực và ở Wilkes Land, Đông Nam Cực (độ tin cậy rất cao) dẫn đến mực nước biển  trung bình toàn cầu dâng cao hơn so với dự tính trước đây. Trong báo cáo này, kịch bản  nước biển dâng đã có những thay đổi đáng kể do đã đánh giá lại đóng góp của băng tan  ở Nam Cực. Cụ thể, dự tính mực nước biển trung bình toàn cầu vào năm 2100 theo kịch bản RCP8.5 trong SROCC là 84 cm cao hơn 10 cm so với số liệu trong Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5).  

Dự tính mực nước biển dâng toàn cầu thay đổi dẫn đến dự tính ở các khu vực  khác nhau trên thế giới cũng thay đổi. Vì vậy, kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam phiên bản 2020 đã được cập nhật theo số liệu công bố mới nhất này (SROCC, 2019).  

Kết quả dự tính mới nhất cho thấy mực nước biển dâng khu vực Biển Đông và ven biển Việt Nam không có sự khác biệt đáng kể so với dự tính trước đây (kịch bản năm 2016, khi chưa tính đến sự đóng góp nhiều hơn của băng tan ở Nam Cực).  

Đối với khu vực TP.HCM, các dữ liệu sau phản ánh về xu thế nước  biển dâng ở khu vực: Số liệu đo mực nước tại trạm Vũng Tàu cập nhật đến năm 2018 cho thấy tốc độ tăng mực nước là 2,9 mm/năm. Theo số liệu đo từ vệ tinh thì mực nước có xu thế tăng  chậm hơn ở các tỉnh từ TP.HCM đến Trà Vinh với mức tăng là 2,2 ÷ 2,5  mm/năm. Như vậy, xu thế tăng mực nước khu vực TP.HCM ước tính lớn nhất khoảng 3 mm/năm. Nếu so với thời kỳ 1986-2005, đến năm 2030 (sau 25 năm) thì mực nước biển khu vực TP.HCM sẽ dâng khoảng 7,5 cm và đến 2050 (sau 45 năm) là 13,5 cm.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chưa đủ cơ sở khẳng định nước biển nhấn chìm TP.HCM vào năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới