Thứ sáu, 26/04/2024 14:58 (GMT+7)
Thứ tư, 10/08/2022 07:02 (GMT+7)

Chủ động ứng phó với bão số 2 trên biển Đông

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia thời điểm bão ảnh hưởng trực tiếp từ chiều đến đêm mai. Vì vậy cần đề phòng để giảm thiểu mọi khả năng tác động xấu.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia vào hồi 4h ngày 10/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.

Chủ động ứng phó với bão số 2 trên biển Đông - Ảnh 1
Hướng di chuyển của bão số 2 trong 48h tới.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4h ngày 11/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 80km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 106,5 đến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo,bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Việt Bắc của Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Chủ động ứng phó với bão số 2 trên biển Đông - Ảnh 2
Quang cảnh cuộc họp của Tổng cục Khí tượng Thủy văn chiều 9/8.

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24-36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm, khu nuôi trồng thủy sản đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.

Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ tối và đêm nay (10/8) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: đêm 10/8, ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh- Hải Phòng nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Cảnh báo mưa lớn: từ chiều tối nay (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, chiều 9/8 Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến thảo luận dự báo cơn bão số 2. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái dự trực tuyến và chỉ đạo từ điểm cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới.

Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, Đặng Thanh Mai, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục. Đại diện các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Viện Khoa học KTTV và BĐKH, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản... cùng các Đài KTTV khu vực từ các điểm cầu trực tuyến.

Theo các chuyên gia thời điểm bão ảnh hưởng trực tiếp từ chiều đến đêm mai. Vì vậy cần đề phòng để giảm thiểu mọi khả năng tác động xấu. Các khu vực ven biển du lịch, nuôi trồng thuỷ sản hải sản ở các  phía Bắc cần chủ động có kế hoạch ứng phó. Mưa lớn lũ quét sạt lở vẫn là mối nguy hiểm lớn nhất khi mưa lớn từ 10-11/8.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái yêu cầu toàn bộ hệ thống KTTV thực hiện nghiêm kỷ luật lao động và quy trình quy phạm để theo dõi dự báo Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy và Kịp thời. Bám sát thực tiễn để đưa ra những dự báo, cảnh báo đặc biệt chú ý về vấn đề mưa và lũ quét, sạt lở đất. Nâng cao ý nghĩa vai trò, phát huy tối đa ý kiến của các chuyên gia nhận định các tình huống. Đồng thời chủ động cung cấp đầy đủ các thông tin, tư vấn phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT và BCĐ các tỉnh thành phố trong vùng ảnh hưởng.

PV

Bạn đang đọc bài viết Chủ động ứng phó với bão số 2 trên biển Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới