Thứ sáu, 22/11/2024 15:03 (GMT+7)
Thứ hai, 13/07/2020 06:43 (GMT+7)

Chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo dõi KTMT trên

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai vừa có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong 24 giờ qua, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Mt số trạm có lượng mưa lớn như: Thân Thuộc (Lai Châu) 191mm, Mường Báng (Điện Biên) 93mm, Mường Giôn (Sơn La) 64mm, Chế Tạo (Yên Bái) 84mm, Nậm Xé (Lào Cai) 74mm, Việt Vinh (Hà Giang) 110mm, Thượng Lâm (Tuyên Quang).

Chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 1
Mưa to cục bộ ở nhiều nơi khiến mực nước tại các sông, suối, hồ, đập trên địa bàn tỉnh Lai Châu dâng cao... (Ảnh: VOV)

Đồng thời, hồi 12h21 ngày 12/7/2020, một trận động đất có độ lớn 4,6, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km xảy ra ở Vân Nam, Trung Quốc (cách biên giới Việt Nam tại địa phận huyện Mường Tè, Lai Châu khoảng 12km).

Để chủ động ứng phó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình mưa để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.

Chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 2
Mưa lớn trên diện rộng ở Lai Châu đang diễn biến phức tạp, gây sạt lở trên nhiều tuyến đường. (Ảnh: VOV)

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh cần chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, kiểm tra những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi động đất, đặc biệt đối với các khu vực hồ chứa, cơ sở hạ tầng xung yếu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 3
Hiện cơ bản các tuyến đường tỉnh Lai Châu đã thông tuyến tạm thời và các tuyến đường liên bản, liên xã đang được chỉ đạo tích cực khắc phục. (Ảnh: VOV)

Trong 6 tháng đầu năm nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã ghi nhận 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó có 8 đợt trên diện rộng. Đặc biệt mưa đá xuất hiện ngay trong đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán - đây là hiện tượng thời tiết dị thường rất hiếm gặp. Ngoài ra còn có 2 trận lũ quét, sạt lở đất và 12 trận động đất. Trong đó, có trận động đất xảy ra lúc 13h12 trưa 16/6/2020, với độ lớn 4,9 độ richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Tính đến ngày 9/7, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 căn nhà bị sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; khoảng 10.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính về kinh tế 610 tỉ đồng.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới