Thứ năm, 06/02/2025 17:15 (GMT+7)
Thứ năm, 06/02/2025 13:45 (GMT+7)

Chiến tranh thương mại có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu

Theo dõi KTMT trên

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã báo cáo với Thủ tướng về động lực tăng trưởng từ xuất khẩu.

“Thủ tướng nhận định rằng xuất khẩu trong năm 2025 có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam” Thứ trưởng Phương nói.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Phương, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Chiến tranh thương mại có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu - Ảnh 1
Nguy cơ thương chiến Mỹ - Trung leo thang làm dấy lên lo ngại có thể tác động trực tiếp tới tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường, tiến hành phân tích kỹ lưỡng để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ những biến động của thương mại thế giới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác các hiệp định thương mại mới. Trong đó, đáng chú ý là các hiệp định với khu vực Trung Đông, cùng một số FTA khác đang trong quá trình đàm phán.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo phải đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa đầu vào và đầu ra của sản xuất. Nếu không duy trì được đầu ra ổn định, sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn. Do đó, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sản xuất, ổn định tăng trưởng trong thời gian tới.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ sáng ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình thế giới và khu vực diễn biến khó lường, tác động trực tiếp đến xuất khẩu, sản xuất, và kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, đặc biệt là khả năng chiến tranh thương mại có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và thu hẹp thị trường xuất khẩu, cần các giải pháp phản ứng nhanh chóng, không để bị động và giữ đà phát triển.

Vừa qua, tình hình thương mại thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng khi Mỹ công bố áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada lên 25%, Trung Quốc thêm 10% từ ngày 4/2.

Tuy nhiên sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo dừng áp thuế với Mexico và Canada trong một tháng. Còn lệnh tăng thuế 10% với hàng Trung Quốc vẫn có hiệu lực, khiến Bắc Kinh lập tức tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với than và các sản phẩm khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG; mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô động cơ lớn nhập khẩu từ Mỹ.

Các động thái này khiến nguy cơ thương chiến Mỹ - Trung leo thang, làm dấy lên lo ngại có thể tác động trực tiếp tới tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 260,65 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 161,89 tỷ USD, nhập khẩu đạt 98,76 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt. Ngày càng có nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và được người tiêu dùng của đất nước tỷ dân này ưa chuộng.

Trong khi đó, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ gần 119 tỷ USD. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt 13 tỷ USD. Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Chiến tranh thương mại có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vượt “cơn gió ngược"
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định như những cơn gió ngược, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn là một bức tranh có nhiều điểm sáng, đánh dấu sự phát triển, vị thế của đất nước.

Tin mới