Thứ tư, 18/09/2024 05:41 (GMT+7)
Thứ tư, 14/08/2024 14:02 (GMT+7)

Chiến lược bảo tồn và phát triển vật liệu xây dựng bền vững

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, hàng chục công trình trọng điểm như Cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, hàng trăm tòa cao ốc, hàng vạn cầu cống… đã, đang và sẽ được thi công

Nhu cầu về cát rất lớn trong khi nguồn cung ngày càng cạn kiệt. Tìm giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên cát đang là mục tiêu, nhiệm vụ tối quan trọng của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương…

Nghiên cứu các giải pháp nhằm đa dạng nguồn vật liệu

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú phục vụ việc sản xuất cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cho cát tự nhiên (cát sông) sử dụng trong làm bê tông và vữa. Việc sử dụng cát nhân tạo được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.

Chiến lược bảo tồn và phát triển vật liệu xây dựng bền vững - Ảnh 1
Cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc đang được nghiên cứu ứng dụng

Tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9/6/2017, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng, giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên. Đến nay, sản lượng tiêu thụ cát nhân tạo đã tăng lên, chiếm khoảng 20-30% khối lượng sử dụng. Ngoài ra, các dự án có nhu cầu sử dụng nguồn cát san lấp đã bước đầu áp dụng triển khai nguồn vật liệu thay thế (tro xỉ nhiệt điện, chất thải từ ngành công nghiệp khác), góp phần giảm tình trạng khan hiếm cát tự nhiên, hạ giá thành nguồn vật liệu đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường.

Để đảm bảo đáp ứng kịp thời nguồn cát đắp cho các dự án giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ TN&MT đã triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”; Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các đề tài về: Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện, nghiên cứu sử dụng cát mặn làm cốt liệu cho kết cấu, nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn để xây dựng công trình giao thông và làm vật liệu san lấp.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã triển khai Dự án thí điểm sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông. Kết quả thí điểm cho thấy cát biển khu vực các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật làm nền đường ô tô, có thể sử dụng cát biển/cát nhiễm mặn đắp nền đường ô tô đối với phạm vi nền đường phía dưới (K95) trong điều kiện nhiễm mặn tương tự như khu vực thí điểm.

Chiến lược bảo tồn và phát triển vật liệu xây dựng bền vững - Ảnh 2
Khai thác mỏ cát trên sông Hậu (thuộc thị trấn Trà Ôn, huyện Trà ôn, tỉnh Vĩnh Long)

Thời gian tới, các vật liệu thay thế, trong đó có cát nhân tạo (cát nghiền), các chất thải, phế thải công nghiệp, cũng như cát biển sẽ được sử dụng rộng rãi hơn để thay thế cho cát tự nhiên trong công trình xây dựng nói chung và các công trình san lấp hạ tầng, đắp nền cho các dự án giao thông nói riêng. Một hướng đi khác để giải quyết bài toán thiếu cát đắp nền đường giao thông là sử dụng giải pháp xây dựng không cần đến nhiều cát bằng các cầu cạn thay cho đường giao thông phải đắp nền cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các vật liệu thay thế cát tự nhiên

Theo PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), công tác quản lý, khai thác, sử dụng cát trong xây dựng tại các địa phương nhìn chung khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng khai thác tiêu thụ cát tự nhiên không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra tại một số nơi dẫn đến tiêu thụ, sử dụng cát nhân tạo, vật liệu thay thế cát tự nhiên bị cạnh tranh về giá thành. Cùng với đó là thói quen sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng đã hình thành từ lâu, được chủ đầu tư, nhà thầu và người sử dụng ưu tiên hơn cũng làm cho các vật liệu thay thế cát tự nhiên gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ chế khuyến khích đối với các cơ sở sản xuất và các tổ chức, cá nhân tiêu thụ vật liệu thay thế cát tự nhiên bao gồm cát nhân tạo, phế thải thay thế cát tự nhiên vẫn chưa được cụ thể. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách thuế, các quy định của pháp luật ưu đãi, linh hoạt để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản đối với cát tự nhiên; đôn đốc các cơ quan chuyên môn tăng cường nghiên cứu ứng dụng rộng rãi công nghệ sản xuất cát nhân tạo, các vật liệu thay thế cát tự nhiên khác để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, tạo điều kiện sử dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn.

Đảm bảo nguồn cát cho các dự án trọng điểm

Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 31/5/2024 về chủ trương khai thác cát biển thuộc khu B1 để góp phần đảm bảo nguồn cát phục vụ các dự án đường cao tốc, hạ tầng giao thông, đô thị theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.

Chiến lược bảo tồn và phát triển vật liệu xây dựng bền vững - Ảnh 3
Ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở TN&MT Sóc Trăng

Hiện tại, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trình UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và các nội dung liên quan đến nghĩa vụ tài chính của các nhà thầu thi công khai thác cát sông, cát biển.

Đồng thời, Sở TN&MT còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát sông, cát biển trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; thường xuyên hướng dẫn các nhà thầu thi công lập thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản để phục vụ các dự án theo cơ chế đặc thù.

Qua đó, Sở TN&MT tỉnh cũng đã tiếp nhận, thẩm định 2 hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức họp Hội đồng xét duyệt hồ sơ trình UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác cát sông cung cấp cho Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng đã đăng ký.

Hiện tại, một số nhà thầu thi công đã triển khai khai thác cát sông, cát biển trên địa bàn. Sự nỗ lực, cố gắng của Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng sẽ góp phần đảm bảo nguồn cát phục vụ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia cũng như của tỉnh trong thời gian tới.

Tập trung kiểm tra, đánh giá trữ lượng

Theo kế hoạch, tổng khối lượng cát phân bổ cho tỉnh An Giang cung cấp cho các dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang và đoạn qua tỉnh Hậu Giang; cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau… là 23.821.000m3. Đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh An Giang cấp bản xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản tại 10/11 khu mỏ được giao phục vụ công trình đường cao tốc với tổng trữ lượng đã cấp xác nhận thu hồi là 15.218.593m3; bố trí nguồn cát từ các dự án nạo vét và các khu mỏ trước đây với trữ lượng 3.423.341m3. Như vậy, tổng trữ lượng đã bố trí cho các công trình, dự án đoạn dự án được gần 18.642.000m3, trong đó, đã cung cấp cho các công trình được hơn 1.00.000m3.

Hiện tại, ngoài việc tham mưu UBND tỉnh An Giang cấp bản xác nhận thu hồi khoáng sản để phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sở TN&MT tỉnh An Giang còn tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2008 - 2020 định hướng đến năm 2030; tích hợp phương án khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản vào quy hoạch của tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản, kể cả các khu vực nạo vét, tỉnh An Giang cũng đều thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ lòng bờ, bãi sông.

Để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, tỉnh An Giang hiện đang tập trung đo đạc, kiểm tra, đánh giá trữ lượng còn lại của tất cả các khu mỏ cát, dự án nạo vét thông luồng, chỉnh trị dòng chảy; lắp đặt hệ thống giám sát, thiết bị theo dõi phương tiện khai thác cát; rà soát, điều chỉnh bổ sung các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát nhằm góp phần bảo vệ khoáng sản, môi trường, lòng, bờ, bãi sông.

Đề xuất được áp dụng theo cơ chế đặc thù

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bến Tre được giao cung ứng gần 7,3 triệu m3 cát cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các nhà thầu thi công tiến hành khảo sát nhanh các khu vực khoáng sản để bổ sung vào hồ sơ khảo sát.

Chiến lược bảo tồn và phát triển vật liệu xây dựng bền vững - Ảnh 4
Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre

Đến nay, các nhà thầu đang khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo để bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng trong hồ sơ thiết kế theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Để đảm bảo khối lượng, công suất đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn vật liệu san lấp 7,3 triệu m3 cát nêu trên và nhu cầu hiện tại trên địa bàn tỉnh vào khoảng 4-5 triệu m3, UBND tỉnh đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn tỉnh trong việc giao khu vực mỏ theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre còn báo cáo và trình Chính phủ điều chỉnh phân kỳ khai thác các khu vực tiềm năng của giai đoạn 2026 - 2030 thành giai đoạn 2021 - 2030 trong Quy hoạch tỉnh.

Theo phương án này, tỉnh Bến Tre sẽ cơ bản đáp ứng đủ lượng cát phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực theo yêu cầu, đồng thời, đáp ứng lượng cát phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn phải hỗ trợ đối với các dự án đang có khó khăn về nguồn hoặc công suất khai thác theo tiến độ do các nguyên nhân khách quan và tiếp tục cân đối để cung ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược bảo tồn và phát triển vật liệu xây dựng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò
Thiếu nguồn lực tài chính, kèm theo sức ép từ việc đảm bảo đời sống kinh tế cho cộng đồng sinh sống và “điểm nóng” tội phạm là những trở ngại đối với nỗ lực bảo vệ và bảo tồn rừng tại Khu bảo tồn thiên nhân Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình).

Tin mới