Thứ bảy, 21/12/2024 19:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/10/2024 19:35 (GMT+7)

“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phát triển thị trường lao động gắn với an ninh xã hội.

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Thuỷ lợi phối hợp với 4 đơn vị đồng tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của phát triển bền vững.”

“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo.

Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành mục tiêu then chốt của mọi quốc gia, việc xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả thực hiện các mục tiêu này. Đặc biệt, đối với Việt Nam, việc gắn kết giữa chính sách pháp luật với thực tiễn tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội là nền tảng để đạt được sự phát triển bền vững.

Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những hạn chế hiện tại và đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc nâng cao năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của phát triển bền vững.

Hội thảo “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, và các giảng viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề chính sách pháp luật liên quan đến các trụ cột của phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế cho mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước.

“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 2
GS.TS Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi phát biểu tại khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội Thảo, GS.TS Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết “Hội thảo là diễn đàn khoa học lớn quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước cùng chung mục tiêu thảo luận và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về việc xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về phát triển bền vững.”

Hội thảo gồm 4 chủ đề chính rất phù hợp với tình hình hiện nay về phát triển bền vững, đặc biệt là phát huy nguồn nước: Quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách về môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước; kiểm soát ô nhiễm môi trường; phát triển thị trường lao động gắn với an ninh xã hội.

Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát huy giá trị tài nguyên nước

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ, đối với những người quản lý nhà nước, câu chuyện về thể chế là câu chuyện liên tục được đặt ra và cập nhập. Thể chế là một trong số các yếu tố để quyết định sự phát triển của một quốc gia.

Ông Nguyễn Hồng Khanh đặt vấn đề rằng “Lĩnh vực tài nguyên nước và lĩnh vực thủy lợi không thể tách rời nhau, chúng ta có câu chuyện làm sao tách rời, có những quy định tách biệt, hay có giao thoa trong hai lĩnh vực này.”

“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 3
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hồng Khanh phát biểu tại Hội thảo.

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn thông qua Hội thảo, các chuyên gia có những nghiên cứu đề xuất trong mối quan hệ giữa tài nguyên nước và thủy lợi, đồng thời, một hệ thống thể chế hoàn thiện trong thời gian tới để quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phát triển tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi.

“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 4
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trình bày tham luận tại Hội thảo.

GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã trình bày tham luận “Luật Tài nguyên nước năm 2023 nhìn từ các yêu cầu phổ quát - Kỳ vọng và những biến số tiềm ẩn cần lưu ý trong thi hành.”

GS.TS Lê Hồng Hạnh nêu rằng, yêu cầu đối với quản lý tài nguyên nước cần có tính phổ quát mà trên thế giới đều làm như vậy.

Thứ nhất, quản lý tài nguyên nước phải dân chủ, tạo sự tiếp cận cho các chủ thể có thể khai thác tài nguyên nước, sử dụng nước, song, điều đó gắn với trách nhiệm của cơ quan chức năng, làm thế nào để tiếp cận nguồn nước sạch.

Thứ hai, phải làm rõ về vấn đề sở hữu tài nguyên nước để phát huy giá trị tài nguyên nước. Tuy nhiên việc sở hữu tài nguyên nước là khó nhưng vẫn phải định hình, chúng ta sẽ có những cách để thực hiện vấn đề quản lý sử dụng trên nền tảng sở hữu toàn dân.

Thứ ba, thể chế về quản lý tài nguyên nước phải liên kết, hợp nhất.

GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng đã nêu ra nhóm giải pháp ngăn chặn rủi ro để thi hành hiệu quả Luật Tài nguyên nước 2023.

GS.TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch Uỷ ban Luật Quốc tế của Liên hiệp quốc, chuyên gia Khoa Luật và Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thủy lợi vấn đề xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững không chỉ giới hạn ở tầm một quốc gia, một địa phương mà phải ở cả tầm khu vực và thế giới.

Quản lý bền vững nguồn nước liên quốc gia như sông Mê Kông sẽ giúp các nước ven sông quản trị tốt hơn việc sản xuất lương thực và năng lượng, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp bảo vệ các hệ thống sinh thái nước chung của lưu vực sông Mê Kông, tính đa dạng sinh học và khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đầu tư an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững

TS Bùi Đức Hiển – Phó Chi hội trưởng Chi hội Luật gia - Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh, quyền được sống trong môi trường trong lành và phát triển bền vững có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, là mục tiêu, là động lực, trung tâm, chủ thể của phát triển bền vững. Phát triển bền vững là “chìa khóa”, phương thức để hiện thực hóa quyền được sống trong môi trường trong lành.

“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 5
TS Bùi Đức Hiển – Phó Chi hội trưởng Chi hội Luật gia - Viện Nhà nước và Pháp luật trình bày tham luận tại Hội thảo.

“Muốn đảm bảo con người được sống trong môi trường trong lành thì phải đảm bảo các hoạt động kinh tế không gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, tóm lại là phát triển bền vững” -  TS Bùi Đức Hiển nêu rõ.

TS Bùi Đức Hiển cũng cho biết, bên cạnh phát triển kinh tế, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến quyền được sống trong môi trường trong lành, từ các văn kiện Đại hội Đảng cho tới các nghị quyết, chỉ thị… nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

“Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 6
PGS.TS Nguyễn Hiền Phương - Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tiếp nối phần trình bày của TS Bùi Đức Hiển về phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương - Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết việc đảm bảo an sinh xã hội vừa là mục tiêu vừa là thước đo, phương thức để thực hiện phát triển bền vững.

Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Hiền Phương cũng chỉ ra hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế như: vấn đề giáo dục cơ bản, chăn sóc y tế ở cộng đồng, tiêm chủng dịch bệnh, tiếp cận thông tin….

Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam như: nhanh chóng thực thi luật bảo hiểm xã hội, sửa đổi các luật liên quan như luật việc làm, luật an toàn vệ sinh lao động, chú trọng quyền lợi cho các đối tượng phi chính thức, khu vực di cư…

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương hy vọng với những giải pháp đồng bộ sẽ mở ra hướng mới cho nền an sinh xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh rằng phát triển con người là mục tiêu của phát triển xã hội, đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển bền vững.

Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia khẳng định Hội thảo đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, có nhiều giá trị khai thác trong sự hoàn thiện thể chế của đất nước.

P.V

Bạn đang đọc bài viết “Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Dự án đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.