Thứ sáu, 26/04/2024 19:31 (GMT+7)
Thứ hai, 31/10/2022 14:42 (GMT+7)

Chi phí vốn gia tăng mạnh - ngân hàng chịu áp lực lớn

Theo dõi KTMT trên

Dù hàng loạt ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức rất cao trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022, chi phí vốn gia tăng mạnh đang gây áp lực lớn tới lợi nhuận của ngân hàng trong các tháng tới đây.

Chi phí vốn gia tăng mạnh

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định rằng: Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán về chi phí vốn tăng lên, trong khi lãi suất cho vay có thể sẽ không tăng lên tương ứng, dẫn đến NIM bị ảnh hưởng. Thậm chí chi phí vốn của ngân hàng hiện đang có xu hướng tăng mạnh khi thanh khoản thị trường giảm, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng cao.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng được các ngân hàng liên tục điều chỉnh lên từ tháng 5 cho đến nay, đặc biệt là từ tháng 8 trở đi, trong bối cảnh tỉ giá tăng dần, lãi suất đồng USD tăng lên đáng kể.

Chi phí vốn gia tăng mạnh - ngân hàng chịu áp lực lớn - Ảnh 1
Chi phí vốn gia tăng mạnh - ngân hàng chịu áp lực lớn. (Ảnh minh họa)

Với diễn biến trên, các tổ chức tư nhìn nhận lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022 sẽ rất khó có đột biến. Lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong các đợt vừa qua, có lợi thế về tỉ trọng lớn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cùng với những ngân hàng đẩy mạnh được các nguồn thu ngoài lãi. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng.

Dự báo về lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó vẫn có 6,8% dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại dự báo rằng: Ngay trong quí III hoạt động ngân hàng bắt đầu chịu nhiều áp lực khi biên lãi ròng có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022.

Để ứng phó với diễn biến này, trong các tháng cuối năm 2022, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và có giải pháp linh hoạt với sự biến đổi của thị trường. Lợi thế cũng sẽ thuộc về các ngân hàng mạnh dạn đầu tư số hóa, mang lại hiệu quả tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn CASA cao tới 40 - 50%. Tỉ trọng CASA cao là yếu tố sức mạnh tài chính cho các ngân hàng, giúp duy trì lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhưng việc điều chỉnh lãi suất đầu ra có độ trễ nhất định.

Biên lợi nhuận có dấu hiệu đi xuống

Theo các báo cáo tài chính quý III/2022 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy: Hàng loạt ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm. Nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ thậm chí ghi nhuận tăng trưởng lợi nhuận từ 35%, thậm chí tới 79% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên giá vốn huy động đầu vào liên tục tăng trong thời gian qua khiến chi phí vốn của các ngân hàng liên tục tăng mạnh trong thời gian qua và kéo theo biên lãi ròng (NIM) có dấu hiệu giảm sút. Như tại ngân hàng Techcombank, dù vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng gần 22% đưa lợi nhuận trước thuế 9 tháng lên 20.800 tỉ đồng, biên lãi ròng của ngân hàng có xu hướng đi xuống so với quý trước và so với cùng kỳ.

Phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy: Trong quý III/2022, biên lãi ròng của Techcombank đạt mức 5,02%, giảm 28 điểm cơ bản so với quý liền kề và 46 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Sự sụt giảm của biên lãi ròng chủ yếu đến từ chi phí vốn tăng lên nhanh hơn nhiều mức tăng của lợi suất sinh lời trên tài sản. Dù Techcombank cũng gia tăng lãi suất cho vay tuy nhiên đối với các khoản vay dài hạn cũ thông thường được tái xác định lãi suất 6 tháng 1 lần vì vậy có độ trễ nhất định làm cho tỉ suất sinh lợi tăng chậm hơn so với lãi suất đầu vào.

Thực tế Techcombank liên tục tăng lãi suất huy động từ cuối quý I tới nay. So với đầu năm, mức tăng bình quân lãi suất huy động ở các kỳ hạn chính vào khoảng 2%. BVSC cho rằng, đây là mức tăng lãi suất huy động tương đối mạnh và điều này tác động lên chi phí vốn của Techcombank trong quý III. Ngay trong quý III/2022, BVSC cho hay chi phí vốn của Techcombank đạt mức 2,83%, dù thấp hơn so với đại đa số các ngân hàng khác trong hệ thống nhưng mức chi phí này cao hơn 62 điểm cơ bản so với quý liền kề và cao hơn 59 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Trong khi đó lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi lãi suất điều hành có thể sẽ vẫn còn đợt tăng trong năm 2023 và thanh khoản hệ thống vẫn còn thiếu hụt.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Chi phí vốn gia tăng mạnh - ngân hàng chịu áp lực lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới