Chị Nguyễn Thị An - 20 năm 'lăn lộn' với rác
Chị Nguyễn Thị An là một trong những công nhân phụ trách vệ sinh môi trường của tỉnh Gia Lai.
Gia Lai là mảnh đất hoang dã, hùng vĩ, trù phú và nhộn nhịp. Những năm gần đây, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang phấn đấu trở thành thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, tập trung phát triển kinh tế lại trở thành áp lực cho vấn đề đảm bảo môi trường.
Chúng tôi đến thăm thành phố Pleiku, trung tâm phát triển của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, trên các con đường lớn trong thành phố, rác thải vương vãi khắp nơi, dưới lòng đường, trên vỉa hè, thậm chí là trước cửa nhà dân. Chúng tôi quan sát thấy các chị lao công vừa mới thu gom rác thải, bỏ vào các xe ben và đang đến khu vực tập kết rác, chờ xe thu gom rác đến chở đi. Thế nhưng, khi nhìn lại hai bên đường nơi vừa mới được thu gom rác thì từ lúc nào đã lại xuất hiện những đống rau vụn, bao bì nilon.
Ảnh minh họa. |
Chị Nguyễn Thị An (Công nhân quét, thu gom rác đường phố - Công ty CP Công trình đô thị Gia Lai) là một trong những công nhân phụ trách vệ sinh môi trường của tỉnh Gia Lai. Chị là nhóm trưởng sản xuất chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh đường phố trên địa bàn được phân công quản lý, bố trí luồng tuyến quét dọn phù hợp cho từng thành viên trong nhóm.
Chị An đã có gần 20 năm làm công nhân quét rác, được người dân gần gũi gọi là chị lao công. Cũng như hơn 150 chị em trong công ty, công việc của chị gắn với đường phố Gia Lai, gắn với môi trường Gia Lai. Bao nhiêu năm làm trong nghề, thật khó để kể hết những câu chuyện đầy vất vả và tủi hờn mà chị đã trải qua.
Địa bàn chị phụ trách là khu vực trung tâm thành phố, nơi có lượng rác thải rất lớn. Dù là trung tâm nhưng địa hình nơi đây đặc biệt có nhiều hẻm sâu, độ dốc cao nên để thực hiện công tác thu gom, quét dọn rác thì gặp nhiều trở ngại và rất nguy hiểm.
Trò chuyện với chị An, chúng tôi được nghe những tâm sự về công việc hàng ngày của một người lao công. Chị kể: “Địa bàn của chị thì rác nhiều lắm. Cả ngày cứ lăn lộn ngoài đường, tiếp xúc với đủ thứ mùi hôi thối, ám ảnh đến mức lắm hôm về nhìn cơm còn chả buồn ăn nữa. Đi tắm, đi ngủ mà vẫn còn ám mùi rác trên người, cảm giác như mầm bệnh khắp người. Các chị em trong nhóm thì đau nhức cơ thể là chuyện bình thường, viêm khớp, viêm mũi, viêm phế quản hầu như ai cũng bị”.
Chị cũng tâm sự công việc vốn đã khó khăn nhưng điều kiện hành nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Phương tiện để thu gom rác chưa đầy đủ, địa hình lắt léo, đi thu gom, chị phải vào từng hẻm sâu gom rác ra ngoài.
Nhưng rác nhiều, vất vả cũng chẳng buồn bằng ý thức của người dân. Nhiều bà con vẫn chẳng thèm quan tâm việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Nói đến đây, giọng chị thay đổi, vừa buồn vừa giận. “Bây giờ cũng đỡ rồi nhưng nói chung người dân ý thức còn kém lắm. Cứ đêm hôm trước quét dọn sáng hôm sau rác thải đã ngập tràn trên đường. Sau khi chợ đêm tan, bao nhiêu rác đủ thể loại bị vứt vô tội vạ, nào rau thối, thịt thà, bì nilon,... Có người còn đổ cả nước giết mổ gia cầm đỏ lòm ra đường. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc”.
Chị An nhớ lại những ngày đầu tiên mới vào làm công nhân vệ sinh tại thành phố này. Mọi thứ khi đó đối với chị rất kinh khủng. Nhưng làm lâu rồi cũng thành quen. Mùa nắng, bãi rác bốc mùi hôi thối khó chịu, ruồi nhặng bay vào nhà đậu khắp nơi. Đến mùa mưa, nước từ bãi rác theo nước mưa cuốn cả rác thải tràn ra lênh láng cả đoạn đường dài. Quả thật, nếu không quen thì không thể chịu nổi. “Lắm lúc mệt quá cảm thấy uất ức vô cùng, vừa dọn xong sạch sẽ, người dân lại đổ rác tràn lan ra đường lại bẩn thỉu. Nhưng thôi, nghĩ mình cứ chăm chỉ quét dọn và kiên nhẫn tuyên truyền cho người dân rồi dần dần mọi thứ sẽ cải thiện thôi”. Chị vừa nói vừa nở một nụ cười hiền hậu.
Chị An vào công ty làm từ năm 2000, được một thời gian ngắn chị lên làm nhóm trưởng sản xuất. Ngoài công việc quét, thu gom rác đường phố, chị còn phải kiểm tra chất lượng vệ sinh đường phố trên địa bàn và phụ trách phân công ca kíp, luồng tuyến cho mọi người trong nhóm. Công việc quét rác được chia thành nhiều ca, mỗi ca có những khó khăn, đặc thù nhất định nên chị phải cân nhắc làm sao phân công cho công bằng, phù hợp. Thương các chị em nên chị An luôn suy nghĩ sắp xếp ca kíp làm sao cho mỗi người đỡ vất vả mà vẫn đảm bảo chất lượng vệ sinh.
“Khó khăn nhất là những ngày lễ tết. Nói thật, với nhiều người lễ tết là vui nhưng chị thì sợ lắm. Những ngày đấy, người dân tứ phương đổ đến rồi các hoạt động lễ hội diễn ra khiến rác thải tràn lan, vô kể. Cứ người dọn người xả, tất cả các chị em đều phải quét dọn cả ngày cũng không hết việc. Nghĩ mà thương. Các chị em cứ lầm lũi quét đi quét lại đường phố vẫn bẩn”. Chị An chia sẻ.
Chị An sợ những ngày lễ, tết cũng phải thôi. Những ngày đấy, ngoài công việc quét dọn của mình, chị còn phải động viên, lo lắng cho chị em trong nhóm. Nhiều khi thấy chị em làm việc bị mệt vì quá sức, chị lại phải tăng ca làm thay. Chị bảo “Mình là nhóm trưởng thì phải chăm sóc, đỡ đần cho mọi người vì mọi người đã tin tưởng mình”.
Hoàn cảnh của chị An cũng rất đặc biệt. Dường như cả công việc và cuộc sống cá nhân của chị đều mang dấu ấn của nghề vệ sinh môi trường. Chị vẫn sống đơn thân nuôi em cùng các cháu và đều đã vào công ty làm việc, đều đang góp sức trong việc giữ gìn môi trường của thành phố Pleiku.
Trò chuyện với chúng tôi được một lúc, chị An lại tiếp tục công việc của mình. Bóng dáng lầm lũi của chị lao công nhỏ dần nhỏ dần trên con đường. Người phụ nữ nhỏ bé ấy không chỉ là công nhân tiêu biểu của Công ty CP Công trình đô thị Gia Lai mà còn của cả thành phố Pleiku, được Chủ tịch UBND thành phố trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua năm 2011. Nhiều năm liên tục, chị là lao động giỏi của Công ty, được Ban lãnh đạo và các đồng nghiệp đều yêu quý. Bao năm nay vẫn vậy, người phụ nữ ấy lầm lũi làm sạch phố phường, cũng chẳng mong ai thương cảm cho mình, chỉ mong mọi người có ý thức hơn để môi trường, đường phố được sạch đẹp.