Cháy rừng tại Australia là ví dụ về rủi ro an ninh do biến đổi khí hậu
Các khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những hậu quả an ninh nghiêm trọng và thảm khốc nhất do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó không có khu vực nào miễn nhiễm.
Báo cáo An ninh và Khí hậu thế giới được công bố ngày 5/6, đã gọi thảm họa cháy rừng hồi cuối năm 2019, đầu năm 2020 ở Australia là một ví dụ điển hình về rủi ro an ninh do biến đổi khí hậu.
Do Hội đồng Quân sự về Khí hậu và An ninh quốc tế thực hiện, báo cáo nhằm xem xét các mối đe dọa do sự kết hợp của biến đổi khí hậu và các rủi ro toàn cầu khác như đại dịch Covid-19.
Báo cáo cũng đánh giá những rủi ro do biến đổi khí hậu, bao gồm cả các thảm họa thiên nhiên vừa xảy ra, gia tăng trước khi các cộng đồng có thể phục hồi hoặc thích nghi với những thảm họa trước đó.
Cụ thể, theo báo cáo, các khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những hậu quả an ninh nghiêm trọng và thảm khốc nhất do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó không có khu vực nào miễn nhiễm. Minh chứng rõ nét nhất là các vụ cháy rừng thảm khốc chưa từng có ở Mỹ và Australia trong năm 2020.
Cũng theo báo cáo này, đại dịch Covid-19 đã cho thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới đã không có sự chuẩn bị để đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời và lực lượng quân đội sẽ ngày càng được mở rộng khi tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng.
Theo các chuyên gia phân tích, khi tốc độ và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, các quốc gia sẽ ngày càng phụ thuộc vào lực lượng quốc phòng với tư cách là những người đầu tiên ứng phó rủi ro.
Cựu giám đốc quốc phòng Australia Chris Barrie, thành viên của Nhóm các nhà Lãnh đạo An ninh Khí hậu Australia, cho rằng việc giải quyết mối liên quan giữa rủi ro khí hậu và an ninh cần được ưu tiên.
Ông khẳng định báo cáo trên một lần nữa nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại đối với an ninh chung của thế giới. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động có hại đến môi trường an ninh, cơ sở hạ tầng, thể chế, cuộc sống và sinh kế.
Theo ông Barrie, so với các đồng minh lớn khác, đặc biệt là Mỹ hay các quốc gia châu Âu, Australia đang tỏ ra “chậm chân” hơn trong vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu. Ông kiến nghị chính phủ Australia cần cam kết đánh giá rủi ro an ninh và khí hậu toàn quốc một cách khẩn cấp và toàn diện hơn.
Trong báo cáo An ninh và Khí hậu thế giới, một cuộc khảo sát do các chuyên gia về bảo mật thực hiện, cho thấy “an ninh nguồn nước” hiện được coi là vấn đề rủi ro nhất trong năm nay. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2031, vấn đề hàng đầu sẽ chuyển sang "an ninh hệ sinh thái" và năm 2041 sẽ là "an ninh quốc gia."
Báo cáo trích dẫn một loạt các ví dụ về nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu mà chính phủ các nước đang thực hiện, chẳng hạn như một dự án khôi phục đất đồng thời cũng tạo ra "một bể chứa carbon" mới giúp giảm thiểu lượng khí thải này, tạo cơ hội mới để sản xuất lương thực và sinh kế.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Australia Scott Morison sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Anh vào cuối tuần này, với tư cách khách mời. Dự kiến, trong chương trình nghị sự của hội nghị có bàn tới vấn đề an ninh và khí hậu.
Diệu Linh