Châu Âu vừa trải qua tháng 3 nóng kỷ lục
Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (C3S) ngày 6/4 đã công bố nhiệt độ trong tháng 3/2020 được ghi nhận ở mức kỷ lục cùng tháng 3 của năm 2017 và 2019.
(Ảnh minh họa) |
TTXVN dẫn thông tin từ C3S cho biết, nhiệt độ trong tháng 3/2020 đã tăng 0,68 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 3 thống kê từ năm 1981 đến năm 2010 và tương đương nhiệt độ của tháng 3/2017 và 2019 - thời gian ghi nhận nhiệt độ nóng thứ 2 sau kỷ lục về nóng của tháng 3/2016.
Trước đó, châu Âu cũng đã trải qua mùa đông nóng nhất lịch sử. C3S cho biết nhiệt độ trung bình trong tháng 12/2019, tháng 1 và tháng 2/2020 là 1,4 độ C, tương đương với nhiệt độ kỷ lục mùa đông trước đó vào giai đoạn 2015-2016. Mùa đông ở châu Âu nóng hơn 3,4 độ C so với nhiệt độ trung bình từ năm 1981-2010.
Nhiệt độ tăng cao đã dẫn đến các sự kiện thể thao ở Thụy Điển và Nga phải nhập khẩu tuyết. Trong khi đó, lũ lụt ở Anh cũng được cho là trở nên tồi tệ hơn bởi nhiệt độ tăng cao.
C3S nêu rõ nhiệt độ toàn châu Âu đã tăng gần 2 độ C so với nhiệt độ trung bình được theo dõi.
Trong khi đó, nhiệt độ toàn cầu cũng đã tăng hơn 1 độ C kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp do lượng khí thải sản sinh từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người liên tục tăng cao bất chấp cảnh báo của giới khóa học.
Nhiều nhà khoa học dự báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ tăng nhiệt độ cực đoan và điều này đang tiếp tục trên khắp thế giới. Australia, nơi đã hứng chịu những trận cháy rừng thảm khốc, vừa xác nhận mùa hè nóng thứ hai trong lịch sử, chỉ mát hơn một chút so với kỷ lục được ghi nhận năm trước.
Sức nóng ở các đại dương trên thế giới đã đạt đến một mức kỷ lục mới vào năm 2019. Ở Nam Cực, lần đầu tiên nhiệt độ đã tăng lên trên 20 độ C vào tháng 2/2020, cao hơn so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1982.
Năm năm qua cũng là 5 năm nóng kỷ lục của Trái Đất và năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử cùng với năm 2016 - thời điểm nhiệt độ toàn thế giới tăng cao do hiện tượng El Nino.
Các nhà khoa học cảnh báo nếu các quốc gia trên thế giới không thực hiện các biện pháp thiết thực để cắt giảm lượng khí thải carbon, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng tới 3-4 độ C. Và điều này có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Bên cạnh đó, C3S cũng đề cập đến nguy cơ từ các tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Nga và trong các khu vực rừng ở Canada, nơi đang "lưu giữ" tới 1.500 tấn carbon dioxide, gấp 40 lần lượng khí thải sản sinh hằng năm trên toàn thế giới. Nếu nhiệt độ tại Nga tăng cao sẽ đẩy nhanh tốc độ tan chảy của các tầng đất đóng băng vĩnh cửu này và dẫn đến hiện tượng lượng khí thải từ chính các tầng băng đó phát thải ra ngoài sẽ ngày càng gia tăng, qua đó khiến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu thêm trầm trọng.
Mai Anh