Thứ sáu, 26/04/2024 10:39 (GMT+7)
Thứ tư, 13/11/2019 14:43 (GMT+7)

Chân dung nhà đầu tư muốn rót 2 tỉ USD vào Khu Kinh tế Nghi Sơn

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Minmetals là một trong những doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản lớn nhất tại Trung Quốc. Với tham vọng trở thành một doanh nghiệp khoáng sản đẳng cấp nhất thế giới, gần đây Minmetals đã thực hiện các cuộc “viễn chinh” đến các quốc gia để đầu tư kinh doanh khoáng sản, trong đó có cả Việt Nam.

Mintal “cánh tay nối dài” của Minmetals

Theo thông tin được đăng tải trên trang website của mình, Tập đoàn Mintal là công ty đầu tiên sử dụng công nghệ hợp kim tiên tiến, thân thiện với môi trường để sản xuất ferro chrome và kim loại màu. Với những đặc tính vượt trội như thiết bị lớn, công nghệ thông minh, tiết kiệm hiệu quả chi phí sản xuất và giảm thiểu đáng kể các vấn đề ô nhiễm môi trường nhờ mức tiêu thụ năng lượng, phát thải thấp hơn so với mức chuẩn công nghiệp.

Tập đoàn Mintal có 3 đơn vị kinh doanh chính: Công ty Công nghệ chrome Mintal hoạt động trong lĩnh vực khai thác và tuyển luyện chrome, một nguồn tài nguyên chiến lược mang tầm nhìn toàn cầu của tập đoàn. Hai doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng sạch Mintal và Công ty TNHH Công nghệ sạch Mintal với sứ mạng nghiên cứu & ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Chân dung nhà đầu tư muốn rót 2 tỉ USD vào Khu Kinh tế Nghi Sơn - Ảnh 1
Dự án Las Bambas - một trong những dự án Minmetals đầu tư ở Thụy Sĩ

Mintal là công ty con thuộc Tập đoàn kinh doanh khoáng sản Minmetals. Đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, thuộc sự quản lý trực tiếp của Ủy ban giám sát tài chính Trung Quốc. Minmetals có tổng tài sản 1,6 nghìn tỉ nhân dân tệ tương đương với 238 tỉ USD và sở hữu 8 công ty con. Hiện tại, tập đoàn này đang quản lí, sở hữu các dự án trải rộng trên 60 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Những năm qua, Minmetals luôn coi trọng định hướng chiến lược của mình là phấn đấu trở thành lực lượng chủ chốt trong hoạt động cung cấp các dịch vụ toàn diện cho toàn ngành công nghiệp với tầm nhìn “là doanh nghiệp khoáng sản đẳng cấp nhất thế giới”. Trong lĩnh vực khoáng sản, Minmetals có trữ lượng tài nguyên rất dồi dào, công ty này sở hữu nhiều mỏ kháng sản đặt tại các nước Châu Á, Châu Đại Dương, Nam Mỹ và Châu Phi, đặc biệt một số mỏ lớn như mỏ đồng Bangbus, mỏ Drif River và mỏ Baxin Ruimu.

Bên cạnh những thành quả đạt được trong hoạt động kinh doanh khoáng sản, Minmetals cũng là một trong những đơn vị mắc nhiều sai phạm về các vấn đề ô nhiễm môi trường đã bị Bộ bảo vệ môi trường Trung Quốc cáo buộc nhiều lần.

Theo thông tin được đăng tải trên Wechat của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, Công ty TNHH Minmetals Yingkou Medium-Sized Plate ở phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh đã không thay thế dây truyền sản xuất lỗi thời của mình và xử lý đúng cách những vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Năm 2013, các công ty con của tập đoàn này cũng không xử lí và tiến hành điều tra hàng chục những trường hợp vi phạm môi trường.

Theo thông cáo đặc biệt của địa phương, từ năm 2014-2018, các công ty con của tập đoàn Minmetals đã nộp phạt 23,3 triệu nhân dân tệ (tương đương với 3,3 triệu đô la) do gian lận trong hoạt động áp dụng nhà máy xanh.

Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã tham gia vào cuộc đấu tranh mạnh mẽ giữa chính quyền với các công ty được chính phủ hậu thuẫn. Gần đây, họ tăng cường điểm mặt và chỉ trích mạnh mẽ những doanh nghiệp không tuân thủ các hướng dẫn về chất lượng không khí và xử lý nước thải.

Những cuộc “viễn chinh” của Minmetals với tham vọng toàn cầu

Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp khoáng sản đẳng cấp nhất thế giới, Minmetal không ngừng tìm kiếm nguồn năng lượng, “thôn tính’’ năng lượng của nhiều quốc gia. Điển hình, năm 2014, Tập đoàn MMG Limited thuộc tập đoàn Minmetals Trung Quốc tiếp quản dự án Las Bambas với giá 6 tỷ USD từ hãng Glencore Xstrata của Thụy Sĩ - một trong những dự án khai thác và sản xuất đồng lớn nhất thế giới, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 315.000 tấn.

Đặc biệt, những năm gần đây tập đoàn Minmetals tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Theo tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 16/8/2019, đoàn công tác của Tập đoàn Mintal do ông Tao Jing - Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với UBND tỉnh về việc tìm hiểu xúc tiến đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Trong buổi làm việc, ông Tao Jing đã bày tỏ mong muốn có cơ hội đầu tư Nhà máy sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ và kim loại màu tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Nếu được chấp thuận, dự kiến Tập đoàn Mintal sẽ cần khoảng 300ha đất gần khu vực bến cảng để xây dựng nhà máy với công suất giai đoạn 1 là 1,5 triệu tấn Ferrochrom Carbon một năm, giai đoạn 2 là 1 triệu tấn thép không gỉ và 1 triệu tấn kim loại màu.

Chân dung nhà đầu tư muốn rót 2 tỉ USD vào Khu Kinh tế Nghi Sơn - Ảnh 2
Phối cảnh toàn bộ Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tổng kinh phí thực hiện hai giai đoạn cho dự án là 2 tỉ USD, trong đó 80% nguyên liệu cho sản xuất sẽ được nhập khẩu tại Nam Phi, còn 20% nguyên liệu còn lại dự kiến sẽ thu mua tại Việt Nam.

Dự án hàng tỉ USD tại Nghi Sơn: Cơ hội hay cạm bẫy?

Nhiều dự án lớn mong muốn rót vốn đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng, song cũng không thể không đặt ra những mối lo liên quan đến công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường. Bài học được rút ra từ sự cố môi trường biển Formosa vào năm 2016 vẫn còn nóng hổi.

Quan tâm đến dự án Nhà máy sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ và kim loại màu tại Khu kinh tế Nghi Sơn, PGS.TS Tô Duy Phương – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Đúc luyện kim Hà Nội nhấn mạnh đến việc giám sát đặc biệt về công nghệ mà nhà đầu tư sử dụng trong dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào? “Nếu tập đoàn Trung Quốc đưa sang Việt Nam công nghệ tiên tiến, hiện đại đúng như họ cam kết thì không sao. Thế nhưng nếu họ tháo dỡ, đưa những nhà máy "cổ lỗ sĩ", công nghệ lạc hậu mà họ không còn dùng trong nước họ nữa sang Việt Nam thì đấy lại điều rất đáng lo ngại”.

Có thể thấy, tập đoàn Minmetals là doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản lớn ở Trung Quốc, sở hữu nhiều dự án trên 60 quốc gia và khu vực trên thế giới. Tập đoàn này thông qua công ty con là Tập đoàn Mintal mong muốn rót 2 tỉ USD vào Khu kinh tế Nghi Sơn để xây dựng Nhà máy sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ và kim loại màu là một cơ hội tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm tại địa phương. Song chúng ta cũng cần phải cẩn trọng trong quá trình xem xét và cấp chứng nhận đầu tư, cũng như giám sát chặt chẽ quá trình triển khai đầu tư kinh doanh sau này.

Thiên Anh - Hoàng Linh

Bạn đang đọc bài viết Chân dung nhà đầu tư muốn rót 2 tỉ USD vào Khu Kinh tế Nghi Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới