Chậm sáp nhập HDBank- PGBank: Người trong cuộc nói gì?
Tại Đại hội cổ đông của hai ngân hàng, lãnh đạo HDBank và PGBank đã chia sẻ lý do chậm trễ sáp nhập. Hoạt động của PGBank đã chững lại chờ sáp nhập, còn Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo cho rằng “sự lựa chọn này của ngân hàng là không dễ dàng”.
Tại ĐHCĐ thường niên ngày 25/4, nhiều cổ đông PGBank đã chất vấn ban lãnh đạo về tiến độ thực hiện sáp nhập PGBank và HDBank đang bị chậm, trong khi cam kết đưa ra trước đó là hoàn thành sáp nhập sau 6 tháng kể từ sau khi ĐHCĐ thường niên 2018 của hai ngân hàng thông qua.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cho biết: “Thời gian và tiến trình sáp nhập không thuộc sự kiểm soát của chúng ta vì những gì cần làm chúng ta đã làm hết rồi. HDBank cũng đã cử những cán bộ kinh nghiệm, uy tín sang giúp PG Bank tổ chức công việc sáp nhập, theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đó là ông Lý Vinh Quang sang làm cố vấn cho PG Bank”.
Nhưng ông Bảo kỳ vọng việc sáp nhập hai nhà băng sẽ được hoàn tất vào quý 3 và quý 4 năm nay.
“Cá nhân tôi cam kết sẽ triển khai và hoàn tất sáp nhập sau 45 ngày, sau khi NHNN có quyết định phê duyệt”, ông Bảo cam kết với cổ đông.
Còn tại ĐHCĐ của HDBank ngày 23/4, ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDbank chia sẻ, cơ bản đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập nộp lên NNNH cho ý kiến. Trước đó, cổ đông hai ngân hàng đã biểu quyết thông qua việc sáp nhập và NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập này.
Thời gian qua, công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập đang được HĐQT và Ban điều hành HDBank xúc tiến những bước tiếp theo liên quan đến kinh doanh, vận hành… “Để thuận lợi cho quá trình sáp nhập, xử lý những tồn đọng tại PG Bank, HDBank đã cử người tham gia quản trị điều hành của PG Bank. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn tất sáp nhập hai ngân hàng” – ông Nguyễn Hữu Đặng nói.
Tuy vậy, quá trình sáp nhập hai ngân hàng trải qua nhiều quy trình, thủ tục về mặt pháp lý, đánh giá và xây dựng lại phương án một ngân hàng với chiến lược kinh doanh, nhân sự… nhất là phải cùng nhìn về một hướng và hài hoà lợi ích các bên.
Theo chia sẻ của Chủ tịch PGBank, điều đáng tiếc là cơ chế thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước dẫn đến việc Petrolimex phải có những quyết định cơ cấu lại hoạt động của PGBank theo hướng rút vốn khỏi ngân hàng. Khi thành lập Petrolimex chiếm 40% vốn tại PG Bank, sau đó giảm xuống 20%. Trong 4 năm nay, Petrolimex đã tìm kiếm đối tác, phương thức thoái vốn mà giữ nguyên được giá trị cốt lõi của ngân hàng. Bởi khi có Petrolimex hậu thuẫn và tiềm năng phát triển thì PGBank có thể đứng đầu ở một số lĩnh vực.
“Sự lựa chọn này của ngân hàng là không dễ dàng”, ông Bảo nói khi thời gian triển khai dự án sáp nhập đã kéo dài hơn một năm và đã mất nhiều năm để tìm hướng tái cơ cấu, loay hoay thoái vốn…
Được biết, hai ngân hàng đã chấp thuận tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu PG Bank và HDBank là 1:0,621, đồng thời cam kết sẽ không chia bất kì các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối dưới bất kỳ hình thức nào trừ các trường hợp đã thoả thuận.
Do đó, PG Bank dự kiến sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% cho các cổ đông sau khi sáp nhập xong.
Về vấn đề nhân sự, ĐHCĐ của PG Bank chưa đưa ra tờ trình về bổ nhiệm HĐQT do chưa được NHNN thông qua.
Về kết quả kinh doanh, do năm 2018 PGBank vẫn loay hoay với việc sáp nhập và tình hình khó khăn, nên lợi nhuận trước thuế sụt giảm 24%, chỉ đạt 159 tỷ đồng và bằng 87% kế hoạch. Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của PG Bank đạt 29.900 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ đạt 22.052 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,1%.
Trong năm 2018, PGBank đã mua lại 650 tỷ đồng nợ từ VAMC và trích lập dự phòng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho số trái phiếu VAMC còn lại.
Do còn chờ sáp nhập nên PGBank cũng không đầu tư thêm vào công nghệ thông tin, ảnh hưởng tương đối lớn tới việc phát triển ngân hàng số và hướng phát triển dài hạn. Ngân hàng cũng không mở rộng thêm mạng lưới mà tập trung nâng cao chất lượng của các điểm giao dịch hiện có.
PGBank thận trọng đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2019
Dù vậy, ngân hàng vẫn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 cao hơn với lợi nhuận trước thuế đạt 211 tỷ đồng, tăng 33%, huy động vốn tăng 11%, cho vay tăng 8%. PG Bank dự kiến thu hồi được 715 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu là 228 tỷ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 424 tỷ đồng, thu nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro là 63 tỷ đồng.
Kim Anh