Thứ tư, 24/04/2024 18:47 (GMT+7)
Thứ hai, 15/03/2021 07:43 (GMT+7)

Chấm dứt tình trạng quá tải đường dây truyền tải đối với dự án năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

"Thời gian qua EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân…, nên cơ bản đến nay quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Chiều 12/3, dưới sự điều hành cuộc họp báo thường kỳ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có phần trả lời báo chí liên quan đến vấn đề phát triển điện mặt trời. 

Theo đó, ông Dũng nhấn mạnh, hiện nay điện mặt trời mái nhà (MTMN) là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải, tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối…, do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Chấm dứt tình trạng quá tải đường dây truyền tải đối với dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trả lời báo chí. 

Lý giải về việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Công Thương rà soát phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây, ông Dũng cho biết, việc quá tải diễn ra vào năm 2019 và đầu 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận vì tốc độ phát triển dự án rất nhanh. Với dự án điện mặt trời tốc độ xây dựng chỉ từ 4-6 tháng, nhưng với đường dây truyền tải thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng.

Tuy nhiên, “Thời gian qua EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân… nên cơ bản đến nay quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”, ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định.

Đồng thời, ông Dũng chia sẻ thêm, vừa rồi có trường hợp dư thừa công suất, gây ra khó khăn cho vận hành hệ thống điện. Đầu năm 2021 rơi vào Tết Nguyên đán sản lượng điện cũng được yêu cầu thấp hơn, nên tất cả các nhà máy không chỉ mặt trời mà các nguồn truyền thống đều phải cắt giảm công suất.

Chấm dứt tình trạng quá tải đường dây truyền tải đối với dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 2
Tình trạng quá tải đường dây truyền tải đã được giải quyết. Ảnh minh họa. 

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có công văn gửi EVN và địa phương báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 13 và ngày 5/3 đã lập đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra 10 tỉnh, thời gian thực hiện 40 ngày và khi có kết quả sẽ thông tin. Thời gian kiểm tra diễn ra trong 40 ngày. Kết quả của quá trình kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông tin công luận được biết.

Liên quan đến quy hoạch điện VIII, với nhu cầu vốn lên đến 150 tỉ USD, nhu cầu phụ tải duy trì mức cao 8-9%/năm, tổng công suất 140.000 MW gấp đôi so với hiện nay, nên cần nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm cần 12-13 tỉ USD là thách thức lớn cho phát triển.

Do vấn đề nguồn vốn là phức tạp nên với từng dự án thì chủ đầu tư phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể, nhưng quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn huy động và giải pháp chính. Trong đó, với huy động vốn đề xuất giải pháp là tăng khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn.

“Với nguồn vốn hàng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải,… để huy động nguồn lực” - ông Hoàng Tiến Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, giá thiết bị phục vụ cho việc lắp đặt điện mặt trời áp mái giảm nhanh, hiệu suất tấm pin cao hơn nhiều và cho nhiều điện hơn, do đó, mức giá dự kiến giảm sâu chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án nhưng vẫn mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và sản xuất một phần điện để bán lên lưới.

Theo đó, Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhìn nhận, khi có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên sẽ có nguồn lực mạnh mẽ.

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Chấm dứt tình trạng quá tải đường dây truyền tải đối với dự án năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới