Câu chuyện ngày mới vì tương lai xanh
Sa mạc hóa là một vấn đề lớn liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta.
Sa mạc hóa hay hoang mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô cằn, gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu. Khuynh hướng sa mạc hóa gần đây đã tăng nhanh trên toàn thế giới phần vì áp lực dân số và nhu cầu trồng trọt và chăn nuôi.
Công bố của Liên Hợp Quốc cho thấy, đến năm 2030, ngành công nghiệp thời trang dự kiến sẽ sử dụng thêm 35% đất đai, phần lớn là để trồng nguyên liệu cho thời trang giá rẻ. Số thực phẩm mà chúng ta làm mất hoặc lãng phí hằng năm tương đương sức sản xuất từ 1,4 tỉ ha đất sản xuất. Và với sức tiêu thụ hiện nay, vào năm 2030, chúng ta sẽ cần thêm 300 triệu ha đất để sản xuất lương thực mới có thể đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân toàn cầu.
Thế nhưng trong một diễn tiến ngược, tài nguyên hữu hạn là đất đai lại đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha đất bị mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn. Đây là quá trình đất đai vốn màu mỡ, bị suy thoái do hạn hán, phá rừng hoặc bị canh tác quá mức, hoặc bởi biến đổi khí hậu.
Câu chuyện điều kỳ diệu giữa sa mạc
Anand Dhawaj Negi, người đàn ông sinh ra từ làng Sunam ở Kinnaur, Himachal Pradesh ở miền bắc Ấn Độ. Ông đã dành 20 năm sinh sống một mình giữa sa mạc để xây dựng một ốc đảo xanh mát.
Năm 1977, chính phủ Ấn Độ bắt đầu một dự án đầy tham vọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình sa mạc hóa ở các sa mạc nóng và lạnh tại quốc gia châu Á này.
Anand Dhawaj Negi làm việc trong bộ phận tài chính phụ trách chương trình phát triển sa mạc, đã chứng kiến số tiền lớn bị tiêu hao mà không có kết quả thực sự đáng kể.
Câu trả lời ông nhận được khi hỏi các nhà khoa học tham gia dự án đó cho câu hỏi vì sao không có tiến bộ thực sự là thiếu công nghệ nên không thể phát triển bất kỳ loại cây trồng bền vững nào trong môi trường khắc nghiệt như sa mạc.
Năm 2003, Anand Dhawaj Negi, nghỉ hưu và tập trung toàn bộ sức lực để phát triển ốc đảo trên sa mạc cho dự án của riêng mình với mục đích tạo ra ốc đảo xanh giữa vùng Himachal Pradesh.
Những nỗ lực đầu tiên của Anand Dhawaj Negi thất bại vì hạt giống mà ông gieo trồng không nhận đủ nước tưới và đó cũng chính là thử thách đầu tiên của ông.
Sau khi nghiên cứu, tìm tòi, Anand Dhawaj Negi phát hiện ra rằng để tiết kiệm nước mưa và giảm xói mòn, ông trồng theo đường viền, xới đất theo độ cao nhất định, đồng thời kết hợp với người dân địa phương tạo ra các kênh thủy lợi dẫn dòng chảy từ các sông băng cách đó 25 km.
Nhưng nước chỉ là một trong những thách thức khi trồng cây ở sa mạc lạnh giá mà Anand Dhawaj Negi phải đối mặt. Đất cát thiếu chất dinh dưỡng để cây phát triển, ông phải tìm ra phương pháp để đối phó. Anand Dhawaj Negi bắt đầu trang trại với khoảng 300 con dê, trộn phân của chúng với giun đất để tăng hàm lượng nitơ trong đất lên gấp đôi. Ông cũng trồng cỏ ba lá trên diện tích lớn xung quanh ốc đảo, khi cây phân hủy giúp ích cho đất và thay thế bằng các cây mới.
Việc trồng thêm cỏ ba lá giúp nhiều thỏ rừng đến với khu vực ốc đảo của Anand Dhawaj Negi nhưng không còn phá hủy cây trồng như trước mà chỉ tập trung vào cỏ.
Theo thời gian, quá trình tạo ra ốc đảo xanh đã có kết quả sau khi áp dụng nhiều phương pháp canh tác khoa học. Tỉ lệ cây chết giảm từ 85% xuống chỉ còn 1 %.
Thậm chí, ông Anand Dhawaj Negi đã thử trồng các loại cây có giá trị như đậu tây, khoai tây, đậu xanh, táo và mơ vì chúng có thể phát triển ngay cả trong môi trường sa mạc khắc nghiệt.
Mục tiêu lâu dài của ông không chỉ rồng cây tạo ốc đảo nhỏ mà là trồng thành rừng lớn. Ông đã lên kế hoạch trồng một số cây thường xanh hoặc cây lá kim như thông, cây lá kim châm.
Với sự giúp đỡ của hai tình nguyện viên, Anand Dhawaj Negi đã biến một vùng sa mạc lạnh giá hơn 90 ha thành một ốc đảo xanh, thu hút cả người dân địa phương và các nhà khoa học. Mọi người từ xa đến để chứng kiến điều kỳ diệu ngoài đời thực này.
Vợ chồng ông lão trồng rừng cây giữa sa mạc
Ông Tububatu, 70 tuổi và vợ là Taoshengchagan sống trong một ngôi làng ở rìa sa mạc Badain Jaran - sa mạc lớn thứ ba ở Trung Quốc. Từ khi bắt đầu nghỉ hưu năm 2002 đến nay. Cặp vợ chồng này đã cùng nhau trồng cây, chống lại tình trạng sa mạc hóa.
Ban đầu, ông Tububatu chỉ trồng 50 cây trên sa mạc, đến nay ông trồng hàng ngàn cây non mỗi năm. Sự nỗ lực của ông và vợ đã tạo ra ốc đảo nhỏ trên sa mạc với diện tích 266 ha và có hàng chục nghìn cây chịu hạn mọc lên.
Nguồn tài chính để họ tạo ra khu rừng nhỏ giữa sa mạc dựa hoàn toàn vào khoản tiền lương hưu. Các cây được trồng đa số là loài chịu hạn như cây sacsaoul (Haloxylon) và cây nhục thung dung sa mạc, tuy nhiên 2 cụ vẫn tưới nước đều đặn mỗi lần một ngày để giúp chúng có thể phát triển tốt.
Trước đây, 2 ông bà còn bị những người sống xung quanh chế giễu vì họ cho rằng nỗ lực chống sa mạc hóa sẽ thất bại. Vậy nhưng, 2 vợ chồng ông không để những suy nghĩ đó cản trở viêc làm mình.
Trong 19 năm qua, 2 vợ chồng ông Tububatu đã trồng được hơn 266 ha trên sa mạc và không có kế hoạch dừng công việc này lại sớm.
Ngoài việc ngăn sa mạc hóa, ông Tububatu cũng có thể kiếm sống nhờ sự cố gắng mỗi ngày. Loại cây nhục thung dung mà họ trồng được dùng làm thuốc, có thể bán với giá 100 nhân dân tệ/ kg (350.000 đồng).
Theo tờ China Daily, Tububatu và vợ đã trồng được hơn 70.000 cây và chi hết 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỉ đồng) tiền tiết kiệm. Mặc dù, điều kiện thời tiết ở sa mạc khắc nghiệt ảnh hưởng đến sức khỏe, cả 2 vợ chồng đều trông già hơn tuổi, nhưng họ không dừng lại cuộc chiến chống sa mạc hóa.
Theo ông Ibrahim Thiaw, thư ký điều hành Công ước Liên hiệp quốc về chống sa mạc hóa, trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: “Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất và tiêu dùng như hiện nay, đồng nghĩa với việc chúng ta đã khai thác quá khả năng đáp ứng của hành tinh trái đất. Do vậy, để cứu hành tinh trái đất, tất cả chúng ta cần đưa ra lựa chọn tốt hơn về những gì chúng ta ăn và mặc để giúp bảo vệ và khôi phục lại nguồn tài nguyên đất, ngăn chặn sa mạc hóa”.
L.T