Thứ năm, 25/04/2024 19:36 (GMT+7)
Thứ ba, 03/01/2023 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 3/1

Theo dõi KTMT trên

Miền Trung sắp đón mưa rất lớn, nguy cơ ngập úng diện rộng; Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trơ đáy, bùn đặc sệt, mùi khó chịu; Các nhà hàng tại Canada sẽ từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Miền Trung sắp đón mưa rất lớn, nguy cơ ngập úng diện rộng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên các khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đang trong một đợt mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, đến mưa to.

Dự báo trong đêm nay (3/1) và ngày mai (4/1), khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Sau đó, từ 5-7/1, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

Khu vực Quảng Trị, Ninh Thuận và phía Đông Tây Nguyên từ 5-7/1 cũng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 3/1 - Ảnh 1
Miền Trung sắp đón mưa rất lớn, nguy cơ ngập úng diện rộng.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, do mưa lớn kéo dài nên nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp, sạt lở ở vùng núi. Trong mưa dông cần đề phòng lốc sét và gió giật mạnh.

Riêng tại Nam Bộ, từ 5-7/1 cũng xuất hiện mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông đề phòng lốc sét và gió giật mạnh.

Tại miền Bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh bổ sung và lệch đông nên khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ trong đêm nay và sáng sớm mai cũng có mưa nhỏ rải rác, sau có mưa nhỏ vài nơi, trời rét với nhiệt độ thấp nhất từ 13-16 độ, cao nhất 18-21 độ.

Các tỉnh trung du, vùng núi Bắc Bộ đêm nay và ngày mai trời nhiều mây, có mưa vài nơi, trời rét đậm với thấp nhất từ 12-15 độ, vùng núi cao dưới 8 độ. Nhiệt độ cao nhất 14-17 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ.

Đắk Nông: Phạt hơn 420 triệu đồng vì khai thác khoáng sản không phép

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính một trường hợp khai thác đá bazan trái phép tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, với tổng số tiền hơn 420 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Phú (49 tuổi, hộ khẩu thường trú tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp) bị xử phạt 45 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép; loại khoáng sản khai thác là đá bazan, khối lượng trên 50m3.

Hành vi của ông Vũ Văn Phú vi phạm Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Bên cạnh đó, căn cứ tại quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng buộc ông Vũ Văn Phú phải nộp số tiền hơn 382 triệu đồng.

Đây là số tiền tương đương với giá trị một máy đào bánh xích và một búa thủy lực được đối tượng sử dụng để khai thác đá.

UBND tỉnh Đắk Nông cũng buộc ông Vũ Văn Phú phải đưa khu vực khai thác khoáng sản trở về trạng thái an toàn trong thời gian 60 ngày, tính từ ngày 30/12/2022.

Trước đó, Công an huyện Đắk R’lấp bắt quả tang và lập biên bản đối với hành vi khai thác khoáng sản không phép của ông Vũ Văn Phú tại một khu vực thuộc địa giới hành chính thôn 7, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp. Đây cũng là địa phương xảy ra nhiều vụ khai thác đá trái phép trong thời gian qua.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trơ đáy, bùn đặc sệt, mùi khó chịu

Sáng 3/1, nhiều người đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không khỏi sửng sốt khi một đoạn dài lòng kênh trơ đáy, bùn đen sệt, nước đen kịt kèm mùi hôi thối.

Tình trạng này xuất hiện từ cầu số 1 đến cầu số 9 (quận Tân Bình đến quận 3). Dưới lòng kênh còn tồn đọng nhiều rác thải. Đa số là rác thải nhựa khó phân hủy như túi nylon, chai nhựa, hộp xốp...

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 3/1 - Ảnh 2
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trơ đáy, bùn đen sệt, nước đen kịt kèm mùi hôi thối.

Trong khi đó, tại bến Bình Đông (quận 8), kênh Tàu Hủ đang trong giai đoạn cải thiện môi trường nước cũng xảy ra tình trạng tương tự. Lòng kênh nhiều thời điểm trơ đáy, rác đầy mặt sông kèm mùi hôi thối khiến ai đi qua cũng ngán ngẩm.

Các nhà hàng tại Canada sẽ từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần

Một số nhà hàng ở Canada đã trải qua nhiều tháng thử nghiệm, nghiên cứu giải pháp thay thế tốt nhất cho các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Ông Paul Bognar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hệ thống Service Inspired Restaurants (quản lý nhiều nhà hàng, trong đó có Jack Astor's và Scaddabush), cho biết mặc dù sản phẩm nhựa sử dụng một lần vẫn chưa bị cấm hoàn toàn, nhưng các nhà hàng thuộc Service Inspired Restaurants đã sẵn sàng nói không với các sản phẩm nhựa từ đầu năm mới 2023.

Service Inspired Restaurants gần đây đã chuyển sang sử dụng dao nĩa bằng tre và hộp đựng đồ ăn bằng bìa cứng có thể tái chế và phân hủy sinh học.

Gần đây, nhà hàng Tim Hortons thông báo trong năm nay sẽ tung ra các loại nắp đậy đồ uống nóng bằng sợi có thể tái chế, dao kéo có thể phân hủy...

Trong khi đó, McDonald' đã loại bỏ một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần khỏi các nhà hàng của mình từ cuối năm 2021, bao gồm ống hút, dao kéo và que khuấy.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ nhà hàng đều sẵn sàng thực hiện chuyển đổi trước thời hạn.

Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tồn kho một lượng lớn hộp nhựa đựng thức ăn chưa sử dụng hết, nhất là sau các đợt phong tỏa do COVID-19.

Theo kế hoạch, Chính phủ Canada cấm các công ty nhập khẩu hoặc sản xuất 6 sản phẩm nhựa gồm túi nilon, hộp đựng thức ăn, ống hút, que khuấy, dao kéo và dây buộc lốc 6 lon nước vào cuối năm 2022.

Các sản phẩm này sẽ bị cấm bán vào cuối năm 2023 và cấm xuất khẩu vào cuối năm 2025.

Bộ trưởng Môi trường Canada, ông Steven Guilbeault, nhấn mạnh Canada đang nỗ lực hết sức để giảm ô nhiễm nhựa.

Dữ liệu liên bang cho thấy trong năm 2019, hơn 15,5 tỷ túi nilon, 4,5 tỷ dao kéo nhựa, 3 tỷ que khuấy, 5,8 tỷ ống hút, 183 triệu đai buộc 6 lon bằng nhựa và 805 triệu hộp đựng thức ăn đã được bán ở Canada.

Túi, hộp đựng đồ ăn và ống hút nằm trong số 10 vật dụng hàng đầu được tìm thấy nhiều nhất trong quá trình dọn dẹp các bãi biển và khu vực ven bờ ở Canada.

Tây Ban Nha ghi nhận năm 2022 nóng kỷ lục

Năm 2022, Tây Ban Nha đã trải qua năm nắng nóng nhất kể từ khi cơ quan khí tượng nước này bắt đầu ghi nhận dữ liệu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ gia tăng khắp nơi trên thế giới.

Các quốc gia trên toàn cầu phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ thiêu đốt và hạn hán khắp châu Âu, dẫn đến cháy rừng, mùa màng bị thiệt hại và các hạn chế sử dụng nước.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 3/1 - Ảnh 3
Năm 2022, Tây Ban Nha đã trải qua năm nắng nóng nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ gia tăng khắp nơi trên thế giới.

Theo cơ quan thời tiết quốc gia Aemet của Tây Ban Nha, nhiệt độ trung bình ở nước này năm 2022 là gần 15,5 độ C, mức cao nhất kể từ khi Aemet bắt đầu thu thập dữ liệu. Đây cũng là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình hằng năm ở Tây Ban Nha vượt quá 15 độ C, Tây Ban Nha đã ghi nhận nhiệt độ tăng liên tục trong các đợt nắng nóng liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 10, đáng chú ý mức nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C được ghi nhận trên khắp các vùng rộng lớn của đất nước.

Trong một báo cáo sơ bộ vào tháng trước, cơ quan thời tiết Tây Ban Nha cho biết ngoại trừ tháng 3 và tháng 4, các tháng còn lại của năm 2022 ở nước này đều "ấm hơn bình thường, đặc biệt là tháng 5, tháng 7 và tháng 10 thời tiết cực kỳ ấm". Theo Aemet, năm 2022 cũng là một trong những năm khô hạn nhất tại Tây Ban Nha, theo đó chỉ có các năm 2005 và 2017 ghi nhận lượng mưa thấp hơn năm 2022.

Bộ Môi trường Tây Ban Nha cho biết các hồ chứa của nước này chỉ còn 43% công suất vào cuối tháng 12, dưới mức trung bình 10 năm là 53%.

Thành phố Barcelona và các khu vực rộng lớn của vùng Catalonia, Đông Bắc Tây Ban Nha đã áp đặt các hạn chế về nước do thiếu mưa, bao gồm cấm sử dụng nước sạch để rửa ô tô hoặc đổ đầy bể bơi, đồng thời giảm lượng nước dùng để tưới cây.

Theo ước tính từ một viện y tế công cộng, nắng nóng thiêu đốt trong mùa Hè vừa qua đã khiến 4.744 người ở Tây Ban Nha tử vong. Nhiệt độ cao có thể gây say nắng, làm tổn thương não, thận và các cơ quan nội tạng khác, đồng thời có thể gây ra các triệu chứng như đau tim hoặc khó thở, dẫn đến tử vong.

Theo dịch vụ giám sát vệ tinh EFFIS của Liên minh châu Âu (EU), thời tiết đặc biệt khô nóng năm 2022 tạo điều hiện bùng phát các vụ cháy rừng, tàn phá hơn 300.000 ha đất ở Tây Ban Nha.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 3/1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.