Thứ bảy, 27/04/2024 04:46 (GMT+7)
Thứ tư, 24/08/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 24/8

Theo dõi KTMT trên

12 trận động đất liên tiếp ở Kon Tum, có trận mạnh nhất trong 100 năm qua;70% chất thải rắn được phân loại và xử lý vào năm 2024 ở Huế; Châu Âu đang đối mặt với đợt hạn hán "tồi tệ" nhất 500 năm... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 24/8.

12 trận động đất liên tiếp ở Kon Tum, có trận mạnh nhất trong 100 năm qua

Từ chiều qua đến sáng 24/8, ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra 12 trận động đất gây dư chấn dao động 2,5-4,7 độ richter.

Trận mới nhất xảy ra vào hồi 18 giờ 21 phút 57 giây (giờ GMT) ngày 23/8 tức 1 giờ 21 phút 57 giây (giờ Hà Nội) rạng sáng nay (24/8) có độ lớn 2,5.

Trao đổi với VietNamNet, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, trận động đất mạnh 4,7 độ, ở độ sâu 8,2km, gây rung chấn ở một khu vực rộng lớn thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đây là trận động đất mạnh nhất trong hơn 100 năm qua ở địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo dự báo của Viện Vật lý địa cầu, động đất vẫn sẽ tiếp diễn ở đây trong những ngày tới.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 24/8 - Ảnh 1
12 trận động đất liên tiếp ở Kon Tum, có trận mạnh nhất trong 100 năm qua. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Ngay trong chiều qua (23/8), Thủ tướng đã gửi công điện yêu cầu tỉnh Kon Tum và Quảng Nam theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại do động đất. Bộ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu chủ trì, phối hợp Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm tại khu vực động đất và đề xuất giải pháp ứng phó.

Theo quan trắc của Viện Vật lý địa cầu, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter.

Từ tháng 4/2021 đến nay, hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực này có tần suất thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Từ năm 2021 đến nay đã ghi nhận 169 trận động đất từ 2,5 độ richter trở lên.

Các trận động đất gần đây lớn hơn so với lịch sử. Số trận động đất trong 1 năm qua nhiều gấp 5 lần so với hơn 100 năm cộng lại. Viện Vật lý địa cầu đánh giá đây là một sự bất thường.

Để đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Viện Vật lý địa cầu đang lắp đặt bổ sung một số trạm để quan trắc hoạt động động đất ở huyện Kon Plông; đồng thời, sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian sớm nhất để đánh giá động đất cực đại ở khu vực này, bởi những nghiên cứu từ trước đến nay chỉ là các nghiên cứu sơ bộ.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng đề xuất triển khai nghiên cứu, quan trắc mức độ tác động của các trận động đất đến các hiện tượng trượt lở, lũ quét trong khu vực; nghiên cứu, đánh giá sự tồn tại của các đứt gãy hoạt động và mức độ an toàn hồ đập trên địa bàn; nghiên cứu tai biến địa chất liên quan đến các núi lửa đang hoạt động ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.

Huế: 70% chất thải rắn được phân loại và xử lý vào năm 2024

Văn phòng UBND thành phố Huế vừa công bố những kết quả cập nhật của dự án 'Huế – đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam' do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) khởi động vào năm 2021 và kéo dài đến năm 2024.

Hiện đã có 468 thùng phân loại chất thải rắn được lắp đặt tại 156 điểm công cộng xung quanh thành phố Huế. Vị trí và số lượng các điểm lắp đặt sẽ được tiếp tục triển khai và hoàn thành trong năm 2023 cho toàn địa bàn thành phố Huế.

Bên cạnh đó, với những gì làm được trong 2 năm qua, Huế kỳ vọng sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi vào năm 2024.

Được biết, chất thải rắn sinh hoạt được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và nhóm chất thải còn lại.

Rác nguy hại được Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế. Rác tái chế thủy tinh và rác tái chế, tái sử dụng được HEPCO thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần. Đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo thường lệ.

Theo HEPCO, hiện nay đơn vị đang đồng hành với thành phố Huế triển khai chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng, như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải, phân loại rác phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Xây dựng kế hoạch phân chia thời gian, tần suất thu gom từng nhóm chất thải hợp lý; bố trí phương tiện thu gom, vận chuyển đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Nghệ An: Dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối tại kênh Cửa Bắc

Đoạn Kênh Bắc, dọc tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách chảy qua đường Lê Viết Thuật, kéo dài xuống Hồ Điều Hòa TP.Vinh, có dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Theo phản ánh của người dân, hiện nay, dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối là hiện trạng đang xảy ra tại đoạn Kênh Bắc, bên cạnh đường Nguyễn Sỹ Sách chạy dài xuống khu vực gần hồ điều hòa. Anh Tạ Mạnh H. một người dân sống gần Kênh Bắc tại phường Hưng Lộc (TP.Vinh) cho biết: “Ô nhiễm xảy ra tại khu vực này cũng lâu rồi, nhà tôi lúc nào cũng phải đóng cửa để hạn chế mùi hôi bốc vào, trời mưa to, nước chảy đi bớt thì tình trạng ô nhiễm giảm hơn một chút chứ những ngày nắng nóng thì không chịu được”.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 24/8 - Ảnh 2
Đoạn Kênh Bắc, dọc tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách chảy qua đường Lê Viết Thuật, kéo dài xuống Hồ Điều Hòa TP.Vinh, có dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay, đoạn Kênh dọc tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách chạy qua Lê Viết Thuật, kéo dài xuống gần hồ điều hòa TP.Vinh tình trạng ô nhiễm diễn ra rất nặng, mùi hôi thối bốc lên, màu nước đen kịt, cây cỏ dại mọc dưới kênh rất nhiều gây ách tắc dòng chảy.

Được biết, trước đây, TP.Vinh đã triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Kênh Bắc nhằm cải thiện vệ sinh môi trường. Năm 2016 dự án cải tạo, nâng cấp Kênh Bắc được được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án này là một hợp phần trong dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam – Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh do ngân hàng thế giới (WB) cho vay 98 triệu USD và nguồn vốn đối ứng hơn 30 triệu USD.

Kiên Giang: Sẵn sàng ứng phó thiên tai, xâm nhập mặn

Trước những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu như thiên tai, sạt lở đất và xâm nhập mặn, UBND tỉnh Kiên Giang đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để bảo vệ đê điều và giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra thiên tai làm 4 người chết, 4 người bị thương, sập 83 căn nhà, tốc mái 294 căn, chìm 16 phương tiện đánh bắt thủy sản.

Đồng thời, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra gay gắt làm cho 63,86km bờ biển và 158,38km bờ sông bị sạt lở làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển đe dọa trực tiếp đến an toàn tuyến đê biển, các kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Để chủ động phòng chống thiên tai, thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, đảm bảo an toàn cho 284.000ha lúa đông xuân và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô 2021-2022. 

Cụ thể, mới đây UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. 

Cùng với đó, hàng năm UBND tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; huy động lực lượng, vật tư, xác định vị trí xung yếu để có phương án bảo vệ công trình trọng điểm. Ngoài lực lượng của các địa phương, tỉnh còn huy động thêm lực lượng của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão, khi có sự cố thiên tai, các địa phương có phương án chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nước uống, đảm bảo đủ cứu trợ trong 7 ngày. Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang có phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu khi cầu, đường có sự cố, hư hỏng đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông chính, quan trọng…

Châu Âu đang đối mặt với đợt hạn hán "tồi tệ" nhất 500 năm

Trong những ngày qua, nhiều nước châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm. Tình trạng hạn hán này còn được dự báo có thể kéo dài tại nhiều khu vực cho đến tháng 11.

Theo báo cáo của Tổ chức Quan sát Hạn hán Toàn cầu (GDO), thuộc nhóm nghiên cứu của Ủy ban châu Âu cho biết, 47% lục địa châu Âu đang trong tình trạng "cảnh báo", đất khô cằn. 17% khác trong tình trạng báo động, thảm thực vật "có dấu hiệu căng thẳng".

Báo cáo cảnh báo đợt khô hạn sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây cháy rừng và có thể kéo dài thêm vài tháng nữa ở một số khu vực phía nam châu Âu.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 24/8 - Ảnh 3
Châu Âu đang đối mặt với đợt hạn hán "tồi tệ" nhất 500 năm.

So với mức trung bình 5 năm trước, Liên minh châu Âu (EU) dự báo thu hoạch ngô giảm 16%, đậu tương giảm 15% và hoa hướng dương giảm 12%.

Ủy ban châu Âu cảnh báo dữ liệu sơ bộ cho thấy "hạn hán hiện tại có vẻ là đợt tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm qua". Ủy viên nghiên cứu Mariya Gabriel cho biết, đợt nắng nóng đang diễn ra và tình trạng thiếu nước "gây căng thẳng chưa từng có đối với mực nước toàn EU".

"Chúng tôi đang nhận thấy tình trạng xảy ra nhiều cháy rừng hơn mức trung bình và tác động lớn đến sản xuất cây trồng. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn", bà nói thêm.

Theo báo cáo, gần như toàn bộ sông ở châu Âu giảm mực nước hoặc khô cạn. Chuyên gia Andrea Toreti thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu cho biết: “Chúng tôi chưa phân tích đầy đủ sự kiện năm nay vì nó vẫn đang diễn ra. Không có đợt hạn hán nào trong 500 năm qua tương tự như hạn hán năm 2018. Nhưng tôi nghĩ, trong năm nay, hạn hán còn tồi tệ hơn".

Viện Thủy văn Liên bang Đức (BfG) cho hay, mực nước sông Rhine, dòng chảy phục vụ cho vận tải hàng hóa, tưới tiêu, sản xuất, sản xuất điện và nước uống, sẽ tiếp tục giảm cho đến ít nhất là đầu tuần tới.

Ngày 12/8, mực nước tại điểm mốc quan trọng Kaub, cách Mainz 50km về phía hạ lưu, đã giảm xuống dưới 40cm. Đây là mức mà nhiều hãng tàu cho rằng không còn hiệu quả về mặt kinh tế để vận hành sà lan vận chuyển hàng hóa. Viện Thủy văn Liên bang Đức cảnh báo, mực nước có thể giảm xuống gần 30cm trong vài ngày tới. Nhiều sà lan chở than cho các nhà máy điện và chở nguyên liệu thô quan trọng cho các công ty công nghiệp khổng lồ như nhà sản xuất thép Thyssen và tập đoàn hóa chất BASF đang hoạt động với khoảng 25% công suất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 24/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới