Thứ bảy, 27/04/2024 04:53 (GMT+7)
Thứ ba, 23/08/2022 17:55 (GMT+7)

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/8

Theo dõi KTMT trên

Giá xăng dầu đột ngột tăng trở lại; Bitcoin có nguy cơ thủng đáy sâu hơn... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 23/8.

Năm 2022, thế giới tiêu thụ khoảng 8 tỷ tấn than

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), tiêu thụ than trên toàn thế giới năm 2021 đã đạt 7,947 tỷ tấn và dự kiến năm 2022 sẽ đạt khoảng 8 tỷ tấn.

Trung tâm Năng lượng Than (JCOAL) của Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế Ngày than sạch lần thứ 31 theo hình thức trực tuyến vào ngày 5 và 6/9/2022.

Đây là Hội nghị được tổ chức thường niên dưới sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Tổ chức Phát triển Công nghệ và Năng lượng Mới (NEDO) và Cơ quan tài nguyên dầu, khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) và có sự tham gia của hầu hết tổ chức năng lượng, các tập đoàn liên quan đến than của Nhật Bản cùng nhiều đại diện của các nước sản xuất và sử dụng than trên thế giới.

Chủ đề năm nay là “Con đường hướng tới trung hòa carbon” với nhiều bài tham luận của các tổ chức và các tập đoàn năng lượng liên quan đến thị trường than hiện nay, xu hướng về công nghệ sử dụng than, phát triển công nghệ chuyển dịch năng lượng nhằm hướng tới trung hòa Carbon.

Hội nghị cũng sẽ cập nhất các thông tin liên quan đến vấn đề năng lượng than của thế giới và Nhật Bản trong tình hình mới hiện nay.

Trong một khía cạnh khác, Báo cáo cập nhật thị trường Than của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) vừa được công bố trong tháng 7/2022 cho hay, tiêu thụ than trên toàn thế giới tăng trở lại khoảng 6% vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng sau cú sốc ban đầu của đại dịch Covid.

Cụ thể, tiêu thụ than trên toàn thế giới năm 2021 đã đạt 7,947 tỷ tấn và đã tăng trên mức của năm 2019.

Sử dụng than cho sản xuất điện tăng 7% so với năm trước, đạt 5,350 tỷ tấn. Sản lượng công nghiệp tăng đã nâng mức tiêu thụ than trong các lĩnh vực phi điện khoảng 3% và đạt 2,597 tỷ tấn.

Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới đã dùng 4,23 tỷ tấn, tăng 4,6%, (tương đương 185 triệu tấn) so với năm 2020. Trong nửa cuối năm 2021, Trung Quốc gặp tình trạng thiếu điện và than, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, và lĩnh vực bất động sản lao dốc. Do đó, nhu cầu điện tăng trưởng chậm lại và sản lượng sụt giảm trong các ngành sử dụng nhiều than như thép và xi măng. Trong cả năm, sử dụng than trong sản xuất điện tăng 8%, trong khi tiêu thụ trong các lĩnh vực khác giảm 0,8%.

Quốc gia tiêu thụ than lớn thứ 2 là Ấn Độ với 1,053 tỷ tấn than vào năm 2021. Tới 3/4 nhu cầu than của Ấn Độ là để phát điện. So với năm 2020, tiêu thụ than của Ấn Độ tăng 12% (khoảng 117 triệu tấn)

Mức tiêu thụ than tăng đáng kể khác được ghi nhận ở Hoa Kỳ (+ 15%) và Liên minh Châu Âu (+ 14%), chủ yếu là do chuyển đổi khí đốt sang than trong sản xuất điện khi giá khí đốt tăng trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, tiêu thụ than của cả Hoa Kỳ và EU trong năm 2021 đều dưới mức của năm 2019.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/8 - Ảnh 1
Năm 2022, thế giới tiêu thụ khoảng 8 tỷ tấn than.

Theo IEA, trong nửa đầu năm 2022, tiêu thụ than toàn cầu ít thay đổi so với nửa đầu năm 2021. Còn cả năm 2022, nhu cầu than toàn cầu sẽ tăng 0,7% so với năm 2021 và đạt mức khoảng 8 tỷ tấn than. Mức này thấp hơn một chút so với dự báo 8,022 tỷ tấn mà IEA dự bảo vào tháng 12/2021 do kinh tế của nhiều quốc gia tăng trưởng yếu hơn.

Trong báo cáo của IEA có cho hay, tiêu thụ than của Liên minh châu Âu (EU) ước tính đã tăng 10% trong 6 tháng đầu năm 2022, do nhu cầu than cho điện tăng 16%.

Với thực tế mùa đông đang tới gần, tiêu thụ than cũng được dự đoán là sẽ tăng trong nửa cuối năm, do nhu cầu tiết kiệm khí đốt cho mùa đông trong bối cảnh dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu không chắc chắn.

Một số quốc gia trong EU (Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Hungary và Áo) đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy than dự kiến ​​đóng cửa, mở lại các nhà máy đã đóng cửa hoặc nâng giới hạn thời gian làm việc của các nhà máy than để giảm tiêu thụ khí đốt. Điều này sẽ làm tăng sản lượng nhiệt điện than vào nửa cuối năm 2022 và dẫn đến nhu cầu nhiệt điện than tăng khoảng 33 triệu tấn trong cả năm.

Đức được cho là nước sẽ chiếm mức tiêu thụ bổ sung lớn nhất. Vào tháng 7/2022, Chính phủ Đức đã tạo ra một “nguồn dự trữ thay thế khí đốt” với tổng công suất là 10,6 GW từ than, trong đó có các nhà máy được lên kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2022 và 2023 trước đó.

“Mức tiêu thụ than của EU sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 476 triệu tấn vào năm 2022”, IEA nhận định.

Bitcoin có nguy cơ thủng đáy sâu hơn

Các đồng tiền số lớn như Bitcoin, Ether đứng trước nguy cơ thủng đáy một lần nữa sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhấn mạnh quan điểm 'diều hâu' của mình.

Giá của Bitcoin và Ether chạm đáy hồi tháng 6 và dần cho thấy dấu hiệu hồi phục. Từ vùng đáy 19.000 USD hồi giữa tháng 6, Bitcoin bật tăng về mốc 24.000 USD tuần trước. Ether thậm chí còn ấn tượng hơn khi tăng 106% từ đáy 880,93 USD. Đó là vì người chơi hi vọng FED sẽ nới lỏng các chính sách tiền tệ của mình về cuối năm.

Tuy nhiên, hi vọng ấy dần tan biến và nỗi sợ xuất hiện trở lại khi FED có thể vẫn duy trì quan điểm cứng rắn lâu hơn dự tính. Có khả năng FED sẽ điều chỉnh lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Nỗi lo lãi suất tăng khiến giới phân tích dự đoán các tài sản kỹ thuật số sẽ thất thế cho đến khi cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) diễn ra vào tháng 9.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/8 - Ảnh 2
Bitcoin có nguy cơ thủng đáy sâu hơn.

Các yếu tố vĩ mô bên ngoài cũng không ủng hộ tiền số. Sự bất ổn gia tăng đẩy giá đồng USD tăng mạnh từng ngày. Theo các chuyên gia, tâm lý tiền mã hóa được dự báo giảm cùng với sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu trong và ngoài nước.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại sàn giao dịch OANDA, nhận định cuộc họp FOMC sắp tới sẽ là bước ngoặt quan trọng xác định hướng đi tương lai của các đồng tiền mã hóa lớn. “Bất chấp các động thái gần đây đối với đồng USD và lãi suất, Bitcoin tiếp tục neo ở mức 20.000 USD và 25.000 USD”, ông nói.

Giá xăng dầu đột ngột tăng trở lại

Dù vẫn duy trì mức dưới 100 USD/thùng nhưng giá dầu thô toàn cầu đã có dấu hiệu tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm nay (23-8). Theo đó, dầu WTI là 91 USD/thùng, dầu Brent là 97 và dầu OPEC là 99 USD.

Hãng tin Reuters cho biết, giá dầu thô toàn cầu tăng trở lại vì các dữ liệu mới công bố của các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ sản xuất được 2,9 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn mức kỳ vọng. Sản lượng dầu Nga cũng không gia tăng.

Ả Rập Xê Út cũng phát đi thông tin cảnh báo rằng, OPEC có thể cắt giảm sản lượng để điều chỉnh đà giảm của giá dầu trong thời gian gần đây.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/8 - Ảnh 3

Theo dữ liệu mới cập nhật của Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng lên mức gần 113 USD/thùng. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 ngày qua.

Vào kỳ điều chỉnh xăng ngày hôm qua (22-8), giá xăng trong nước đã duy trì mức giá tương tự kỳ điều chỉnh trước là 24.669 đồng/lít (xăng A95).

Lạm phát ở Anh có thể lên gần 20% vào đầu năm 2023

Trong một báo cáo công bố cách đây ít ngày, ngân hàng Mỹ đã nâng dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá bán lẻ ở Anh trong quý 1 năm sau lên mức tương ứng 18% và 21%. Các con số dự báo này đã tính đến khoản trợ cấp 300 Bảng mà Chính phủ Anh dự kiến cấp cho các hộ gia đình nước này trong thời gian từ tháng 10 năm nay đến hết năm 2024 để trang trải hóa đơn năng lượng ngày càng “khủng”.

Ofgem, cơ quan điều tiết năng lượng của Anh, dự kiến trong tuần này sẽ công bố mức trần giá năng lượng mới áp dụng từ ngày 1/10. Citigroup dự báo với trần giá mới, hóa đơn năng lượng bình quân của một hộ gia đình ở Anh sẽ tăng lên mức 3.717 Bảng (4.389 USD)/năm, từ mức 1.971 Bảng hiện nay.

Anh áp dụng trần giá năng lượng để hạn chế số tiền mà các hộ gia đình ở nước này phải trả cho điện, nhiệt sưởi và khí đốt. Tuy nhiên, nước này đã phải tăng mạnh trần giá trong thời gian gần đây do giá bán lẻ năng lượng không ngừng leo thang vì nguồn cung khí đốt ở châu Âu bị siết chặt trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine. Điều này đồng nghĩa người Anh sẽ phải trang trải hóa đơn năng lượng ngày càng lớn.

Công ty nghiên cứu thị trường Cornwall Insight mới đây dự báo đến tháng 1/2023, trần giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng và hóa đơn năng lượng bình quân của một hộ gia đình ở Anh sẽ lên tới 4.266 Bảng/năm. Công ty tư vấn Auxilione vào tuần trước thậm chí dự báo hóa đơn năng lượng bình quân của hộ gia đình Anh sẽ vượt 6.000 Bảng/năm vào mùa xuân tới.

“Chúng tôi dự báo hóa đơn năng lượng sẽ tăng lên mức 4.567 Bảng/năm vào tháng 1 và tiếp đó là 5.816 Bảng/năm vào tháng 4. Khả năng vẫn đang nghiêng nhiều hơn về phía tăng”, ông Benjamin Nabarro, chuyên gia cấp cao về chiến lược và vĩ mô toàn cầu của Citigroup, phát biểu.

Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là các chính sách của Chính phủ Anh sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát và nền kinh tế thực sau khi một vị Thủ tướng mới chính thức nhậm chức vào ngày 5/9. Những phát biểu đến thời điểm này của bà Liz Truss, ứng cử viên số 1 của Đảng Bảo thủ cho ghế Thủ tướng, cho thấy lập trường chính sách là “chỉ bù đắp có giới hạn” cho sự leo thang của giá cả.

Anh áp dụng trần giá năng lượng để hạn chế số tiền mà các hộ gia đình ở nước này phải trả cho điện, nhiệt sưởi và khí đốt. Tuy nhiên, nước này đã phải tăng mạnh trần giá trong thời gian gần đây do giá bán lẻ năng lượng không ngừng leo thang vì nguồn cung khí đốt ở châu Âu bị siết chặt.

“Chúng tôi đã tính đến mức hỗ trợ 300 Bảng/năm cho hóa đơn năng lượng, cộng thêm việc tạm dừng đánh thuế xanh (Green Levy) và giảm thuế giá trị gia tăng đối với hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình”, ông Nabarro cho biết. “Nhưng trên thực tế, bất kỳ phản ứng chính sách nào của chính phủ với lạm phát cũng đòi hỏi có thêm ngân sách, theo quan điểm của chúng tôi là cần thêm khoảng 40 tỷ Bảng. Bù đắp cho sự gia tăng của giá năng lượng sẽ tiêu tốn khoảng 30 tỷ Bảng trong 6 tháng tới, một con số tương đương 1,4% GDP”.

Trong tháng 8 này, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1995, để chống lạm phát. BoE cũng dự báo nền kinh tế Anh sẽ rơi vào cuộc suy thoái dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu và lạm phát ở nước này sẽ đạt đỉnh ở mức 13,3% vào tháng 10.

Citigroup dự báo BoE sẽ nâng lãi suất tổng cộng 1,25 điểm phần trăm nữa trong 3 cuộc họp tới. Lạm phát ở Anh đã tăng lên mức 10,1% trong tháng 7 và ngày càng có nhiều chuyên gia dự báo mức lạm phát sẽ vượt con số dự báo mà BoE đưa ra.

“Cho dù nền kinh tế yếu đi, các dữ liệu kinh tế của tuần trước cho thấy khả năng lạm phát tiếp tục ngấm vào tiền lương và giá cả sẽ còn tăng tốc mạnh hơn”, ông Nabarro nói. “Nhiều khả năng lạm phát sẽ lập đỉnh ở mức cao hơn nhiều so với mức dự báo 13% mà BoE đưa ra trong tháng 8, nên chúng tôi cho rằng BoE sẽ đưa ra kết luận rằng khả năng lạm phát cao dai dẳng đã tăng lên nhiều”.

Điều này có nghĩa là BoE sẽ phải nhanh chóng đưa lãi suất vào vùng thắt chặt. Citigroup cho rằng nếu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lạm phát bám rễ sâu, BoE có thể phải tăng lãi suất lên 6-7%. Lãi suất cơ bản đồng Bảng hiện ở mức 1,75%.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới