Thứ sáu, 22/11/2024 23:01 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/01/2021 16:15 (GMT+7)

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí từ đốt than, củi để sưởi ấm

Theo dõi KTMT trên

Trong những ngày giá rét, nhiều người dân thường sử dụng các loại than củi, than tổ ong để sưởi ấm. Thế nhưng, các cách làm ấm này tiềm ẩn rủi ro ngộ độc khí CO, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là gây tử vong cho người sưởi.

Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại kỷ lục, kéo dài hơn một tháng qua, có thời điểm nhiệt độ Hà Nội xuống dưới 10 độ nhiều ngày liền. Tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhiều nơi nhiệt độ xuống 0 độ, có nơi âm độ như Mẫu Sơn, tuyết rơi ở nhiều nơi khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân ứng phó bằng cách đốt than, củi để sưởi ấm trong nhà, bất chấp nhiều nguy hiểm rình rập.

Nguy hiểm khôn lường

Trong khói than chứa nhiều thành phần độc hại như cacbon, nitơ oxit, CO2 và một số chất khác như lưu huỳnh oxit (SOx), muội than, hydrocacbon chưa cháy hết (CnHm), fomandehit (HCHO),…

Các chất này khi tỏa ra trong không khí sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Nó có thể là tác nhân khởi phát cơn khó thở đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh hen suyễn, cũng là tác nhân gây ngạt rất nguy hiểm với hệ hô hấp non nớt của trẻ em. Tiếp xúc thường xuyên với khói than làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi.

Khói than, bụi bồ hóng, cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn tuổi, đặc biệt những người có bệnh lý tim mạch, bệnh nhân ung thư, thể trạng suy yếu. Phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc với khói than lâu ngày có nguy cơ sẩy thai, dị tật bào thai.

Ngộ độc khí CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người ngạt khói. CO khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch của phổi vào máu, cạnh tranh với oxy, dẫn tới nhân heme trong hồng cầu không gắn với oxy được nữa.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí từ đốt than, củi để sưởi ấm - Ảnh 1
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí từ đốt than, củi để sưởi ấm.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai cho biết, BV từng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than củi trong phòng kín dẫn đến hôn mê sâu, tử vong.

Theo đó, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải khí CO độc này sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Trường hợp hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính. Có đến 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.

BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại hoặc CO2 sẽ ngày càng tăng.

Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết "êm dịu" mà bản thân nạn nhân không hay biết.

Chỉ đạo "nóng" của Bộ Y tế 

Trước tình hình không khí lạnh liên tục tăng cường gây rét đậm, rét hại kéo dài tại nhiều địa phương, ngày 15/1 Bộ Y tế đã ban hành công điện gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.

Trong công điện, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc bộ phối hợp với các cấp, ngành địa phương tuyên truyền cảnh báo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống rét.

Cảnh báo để nhân dân biết, cảnh giác với nguy cơ cháy nổ, bỏng lửa, điện giật do sưởi ấm bằng điện và nhiễm độc khí than đốt do sưởi ấm bằng bếp than, củi trong nhà kín. Khuyến cáo người dân cần che chắn nhà cửa, giữ ấm cơ thể, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nước uống; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, để lâu ngày.

Các cơ sở y tế cần có hướng dẫn cho người dân các biện pháp chống rét và bảo vệ sức khỏe.

Đối với trẻ em cần giữ ấm chân, tay, ngực, cổ. Khi trẻ có các triệu chứng ho kéo dài 3-5 ngày kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi thì có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Đối với người già, cần tránh thay đổi đột ngột vị trí, tránh bị nhiễm lạnh, phòng chống đột quỵ. Khi thấy có những biểu hiện bất thường như nói ngọng, tê bì hoặc liệt nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội…, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng (chú ý phân biệt với các triệu chứng của COVID-19).

Trước đó, trong đợt rét những ngày đầu tháng 12/2020, tại xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cũng đã xảy ra vụ việc thương tâm khi 4 mẹ con chị Tr.T.Th.L. dùng than sưởi ấm trong phòng kín. Sự việc đáng tiếc này khiến hai người con của chị L. tử vong, bản thân chị L. và người con út gần 1 tháng tuổi nguy kịch phải chuyển tới cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị.

Những vụ việc đau lòng từ việc đốt than, củi để sưởi ấm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm mùa đông. Để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra từ việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm không đúng cách, các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo cách phòng, chống rét đến với nhân dân trên địa bàn.

Sử dụng thiết bị sưởi thế nào để tốt cho sức khỏe?

Trời lạnh là thời điểm các bệnh viêm da cơ địa rất dễ phát sinh. Nhiều người cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu với làn da khô, thô ráp, có người da nứt nẻ chảy máu rất đau. Nếu sử dụng máy sưởi làm ấm nên có một chậu nước nhỏ đặt ở góc phòng và dùng kem dưỡng ẩm cho làn da thường xuyên.

Không nên để thiết bị sưởi với nhiệt độ quá cao so với nhiệt độ ngoài trời. Mức chênh lệch này chỉ nên ở trong khoảng 10 độ, tránh xảy ra tình trạng nóng - lạnh đột ngột, dễ gây cảm và các bệnh về hô hấp. Đặc biệt với trẻ nhỏ và người cao tuổi, cần giữ thân nhiệt ổn định và hạn chế tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, vì nguy cơ tai biến rất cao. Không nên đóng kín phòng khi bật thiết bị sưởi, bởi nếu quá kín thì sẽ không có sự lưu thông không khí, làm cho không khí khô nóng, dễ dẫn tới thiếu khí, ngạt thở.

Sưởi bằng than tiết kiệm chi phí nhưng là cách sưởi ấm nguy hiểm nhất là sưởi ấm trong phòng ngủ.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí từ đốt than, củi để sưởi ấm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới