Thứ sáu, 29/03/2024 07:00 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/07/2021 10:37 (GMT+7)

Cần thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế

Theo dõi KTMT trên

Theo quy định, các công trình, dự án có liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác thì chủ đầu tư phải có phương án trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế vẫn còn nhiều bất cập.

Giai đoạn 2016 - 2021, chủ đầu tư các dự án Nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đã tự tổ chức trồng, chăm sóc hơn 267 ha rừng thay thế trên diện tích đất bán ngập lòng hồ, theo hồ sơ thiết kế và dự toán được Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt. Loài cây được lựa chọn trồng là cây gáo và tràm Úc.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá gần đây của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, tổng diện tích có cây trồng là hơn 28/267 hecta, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng là hơn 8 hecta, còn lại là diện tích không có cây trồng. Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế đánh giá tiêu chí rừng trồng theo diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên; chiều cao trung bình của cây rừng trên đất ngập nước ngọt từ 2 m trở lên.

Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, với diện tích được phê duyệt trồng rừng thay thế lớn như vậy, nhưng qua 6 năm trồng và chăm sóc, tỷ lệ đạt tiêu chí rừng trồng chỉ chiếm gần 3% (8/267 ha), qua đó có thể thấy dự án trồng rừng này đã thất bại.

Cần thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế - Ảnh 1

Người dân xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên trồng rừng năm 2020. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ).

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, từ năm 2015 đến năm 2020 có 28 công trình, dự án thuộc đối tượng phải chuyển đổi mục đích rừng. Ðể triển khai các công trình, dự án này, cơ quan chức năng đã cho phép chuyển đổi 513,5 ha đất lâm nghiệp có rừng; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế. Ðến năm 2020, các đơn vị đã trồng được 491,56 ha /500,308 ha; hiện còn gần 8,75 ha chưa thực hiện trồng thay thế.

Mặc dù việc nộp tiền trồng rừng thay thế đã được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, nhưng qua kiểm tra, xác định tiêu chí thành rừng đối với các diện tích hết giai đoạn đầu tư chăm sóc tại một số dự án trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh thì chất lượng chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ cây chết còn khá cao, trong khi đó việc trồng dặm để đảm bảo mật độ chưa kịp thời, một số loại cây khả năng sinh trưởng yếu, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; chưa chú trọng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc chưa hợp lý; công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng chưa hiệu quả…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, đặc biệt là chưa tập trung, quyết liệt thực hiện các biện pháp khắc phục đối với những diện tích rừng không đảm bảo chất lượng; chưa xác định rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.

Theo một số chuyên gia môi trường, để giải quyết bài toán này, các cơ quan chức năng địa phương cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng; kiên quyết đề nghị Kho bạc Nhà nước không thanh toán chi phí trồng, chăm sóc rừng đối với các diện tích rừng trồng không đảm bảo chất lượng.

Ðối với chủ đầu tư các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, đơn vị trồng rừng thay thế, đặc biệt đối với các đơn vị, địa phương trồng rừng không đạt cần nghiêm túc tổ chức các biện pháp khắc phục những diện tích không đảm bảo; tự thỏa thuận, thống nhất với các hộ nhận khoán để bố trí kinh phí thực hiện trồng lại hoặc trồng bổ sung đối với diện tích rừng trồng chưa đạt. Trường hợp không tổ chức khắc phục được phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại kinh phí trồng rừng cho Nhà nước nếu nguyên nhân được xác định không phải do yếu tố bất khả kháng.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) phát biểu tại nghị trường Quốc hội cuối năm 2020, thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng. Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm 96% nhưng 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên. Mặc dù diện tích rừng trồng thay thế gấp 3 lần rừng tự nhiên chuyển đổi nhưng do chủng loại cây trồng, vị trí trồng thay thế nên chưa đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế; đánh giá tác động trồng rừng thay thế, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng…

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.